Thị trường đang bắt đầu có những rủi ro rung lắc và tăng mạnh hơn khi tiến gần đến ngưỡng kháng cự 1.290 – 1.300 điểm. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” cũng xuất hiện nhiều hơn.
Biên độ rung lắc ở các phiên đáo hạn phái sinh lên tới khoảng 16 điểm dù kết phiên biến động của VN-Index không nhiều, chủ yếu nhờ những mã trụ đứng ra để kéo thị trường.
Thị trường vẫn tương đối tích cực khi nhiều cổ phiếu tiếp tục có dấu hiệu bùng nổ. Thời gian qua cũng đã xuất hiện một vài cây nến về mặt kỹ thuật mang tính chất phân phối với khối lượng giao dịch cao hơn trung bình 20 phiên.
Tại chương trình “Khớp lệnh” của VTV Digital, ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Nhất Việt, cho rằng trong quá trình đi lên của xu hướng tăng thì sẽ luôn luôn ghi nhận những phiên thị trường phân phối.
Thông thường, theo lý thuyết về phân tích kỹ thuật, quá trình phân phối nếu chỉ diễn ra 1-2 phiên thì vẫn chưa quá đáng lo ngại bởi thị trường vẫn có thể tăng bình thường sau 2 phiên phân phối đầu tiên. Tính từ đầu nhịp tăng đến hiện tại, VN-Index mới có khoảng 2 phiên phân phối lớn.
Từ phiên thứ ba trở đi, chúng ta sẽ phải bắt đầu lưu ý thị trường hơn. Tuy nhiên, thị trường hiện tại cũng đang ở trạng thái mà nhà đầu tư cần thận trọng.
Xét góc độ chung của cả thị trường, khi VN-Index có sáu tuần xanh liên tiếp, các cổ phiếu dẫn đầu có mức tăng từ 50 - 60% tính từ đáy thì VN-Index sẽ gặp phải những lực chốt lời tương đối, đặc biệt với cổ phiếu đã tăng nhiều. Ngoài ra, VN-Index hoàn toàn có thể xuất hiện nhịp chỉnh vào bất kỳ lúc nào trong khoảng thời gian sắp tới.
Về chỉ báo sớm mà các nhà đầu tư nên đặc biệt quan tâm, đầu tiên là những cổ phiếu vốn hoá lớn, đặc biệt là cổ phiếu nhóm ngân hàng. Nếu cổ phiếu nhóm ngân hàng có dấu hiệu chỉnh thì gần như chắc chắn VN-Index cũng sẽ chỉnh theo.
Bên cạnh đó, chúng ta có thể quan sát một vài cổ phiếu ở nhóm đầu cơ. Nếu các cổ phiếu nhóm đầu cơ tăng trước khi VN-Index tạo đáy thì đó sẽ là tín hiệu mà mọi người cần lưu ý. Khi những cổ phiếu này bước vào nhịp chỉnh kết hợp với nhóm ngân hàng thì thị trường có thể cũng sẽ bước vào nhịp chỉnh khi đã tiệm cận đến vùng 1.280 – 1.300 điểm.
Việc đoán đáy hay đoán đỉnh của thị trường là một việc vô cùng khó, kể cả với chuyên gia. Theo ông Hoàng, nhịp hiện tại vẫn đang là nhịp hồi.
CPI trên thế giới đang có dấu hiệu tạo đỉnh tuy nhiên lại không thể hạ một cách nhanh chóng cho nên chính sách của Fed chỉ có lựa chọn duy nhất là tăng lãi suất.
Lãi suất tiếp tục tăng sẽ tạo sức ép tới nền kinh tế khiến chi phí bị đẩy lên vì vậy việc VN-Index có thể tạo đáy ở vùng 1.150 là điều chưa hoàn toàn chắc chắn. Chúng ta cần chờ xem liệu nhịp giảm tiếp theo sẽ trụ được trên vùng 1.150 hay xuống sâu hơn vùng đó.
Việc đưa ra những chính sách “quay xe” là việc của chính phủ tuy nhiên chúng ta có thể nhìn vào các dữ liệu quá khứ để đưa ra một vài dự báo. Năm 2018, vĩ mô Việt Nam tương đối ổn định và năm 2022 cũng đang tương đối ổn định nhưng vĩ mô thế giới, đặc biệt là Mỹ lại gặp vấn đề. Khi Fed tăng lãi suất lần cuối cùng của năm 2018 vào khoảng tháng 12 thì chính là lúc mà chỉ số tạo đáy.
Tuy nhiên, trong năm 2022, CPI và lãi suất lại đang hơi khác so với năm 2018. CPI của năm 2022 vượt rất xa mức mà Fed đặt ra vì vậy lãi suất chỉ có một đường vào thời gian sắp tới là tăng lên thôi nhưng trong quá trình tăng lên, do CPI bắt đầu có dấu hiệu tạo đỉnh và đi xuống nên quá trình tăng lãi suất đó không còn quá mạnh nữa.
Một chỉ báo mà chúng ta có thể lưu ý ở thời điểm hiện tại là nhịp tăng của VN-Index vừa qua được hỗ trợ một phần nhờ chỉ số Dollar Index đã tạo đỉnh và bắt đầu đi xuống.
Để duy trì một uptrend bền vững, ta cần có hai điều kiện cần và đủ. Điều kiện cần là chỉ số vĩ mô phải “quay xe” và tốt lên, ví dụ như CPI phải giảm. Điều kiện đủ là sự “quay xe” về mặt chính sách, hay nói cách khác là dòng tiền được nới ra trở lại.
Theo ông Hoàng, c