Cú hích lớn từ chiến lược phát triển kinh tế vĩ mô
Theo Cushman & Wakefield, bắt đầu mở cửa từ năm 1986 với chỉ khoảng 335 ha đất dành riêng cho các khu công nghiệp, Việt Nam đã đẩy mạnh lên gần 150.000 ha trong năm 2024 và dần khẳng định vị thế là một trong những trung tâm sản xuất hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á.
Nhận định này của Cushman & Wakefield đã phần nào cho thấy sức bật mạnh mẽ của bất động sản công nghiệp Việt Nam trong thời gian gần đây.
Đơn vị này cho biết, tính đến quý 3/2024, các nguồn cung đất khu công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn và nhà kho xây sẵn đều đạt tỷ lệ lấp đầy trên 76%.
Các thị trường như Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai… tiếp tục là điểm sáng thu hút đầu tư doanh nghiệp.
Trước đó, Chứng khoán MSB cũng công bố 169% là mức tăng trưởng lợi nhuận bùng nổ của bất động sản khu công nghiệp trong quý 3/2024 so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh sự gia tăng nhu cầu về dịch vụ kho bãi, nhà ở… thúc đẩy thị trường tăng tốc, chính sách vĩ mô xây dựng nền kinh tế lấy xuất khẩu làm trọng tâm cũng đã cho thấy hiệu quả tích cực.
Quay lại thời điểm mở cửa nền kinh tế, các khu công nghiệp chỉ tập trung cho thuê đất để xây dựng nhà máy. Đến năm 2018 chiến lược đa dạng hóa loại hình bất động sản công nghiệp với các dịch vụ nhà xưởng, nhà kho xây sẵn, kho xưởng hỗn hợp, kho xưởng xây theo yêu cầu, kho lạnh… đã tạo ra các khu công nghiệp chuyên biệt, chi phí hợp lý, đưa Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất mới trong ngành công nghiệp thế giới.
Đây là những bước tạo đà thuận lợi để bất động sản công nghiệp Việt Nam hướng tới mục tiêu cao hơn: Trở thành điểm đến đầu tư công nghệ cao.
Kết quả là năm 2022 Samsung Electronics đã khai trương một trung tâm nghiên cứu và phát triển trị giá 220 triệu USD tại Hà Nội sau khi đánh giá Việt Nam là một lựa chọn thay thế hấp dẫn cho Trung Quốc với năng lực sản xuất điện thoại thông minh đáng kể.
Ngoài Samsung, nhiều “ông lớn” trong ngành bán dẫn như Qualcomm, Infineon, Amkor cũng đã đầu tư nhiều dự án xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp có giá trị lên tới tỷ USD.
Dự báo đến cuối năm 2024, công nghiệp bán dẫn sẽ vượt 6,16 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của nhiều doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Điểm hẹn của dòng vốn FDI
Khi Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút dòng vốn FDI cũng đồng thời ghi nhận sự xuất hiện của các thương vụ M&A đình đám.
Thống kê từ năm 2020 đến tháng 9/2024, tổng giá trị giao dịch M&A bất động sản đạt 2,94 tỷ USD, trong đó bất động sản công nghiệp dẫn đầu với tỷ trọng 40%.
Chỉ tính riêng M&A trong 9 tháng của năm 2024, bất động sản công nghiệp chiếm 91% trên tổng giá trị giao dịch 178 triệu USD theo ghi nhận của Cushman & Wakefield.
Các thương vụ M&A đình đám có thể kể đến như việc quỹ đầu tư Mapletree Logistics Trust (Singapore) chi hơn 50 triệu USD mua lại 2 nhà kho hạng A tại Bình Dương và Hưng Yên trong tháng 3/2024.
Tính riêng trong tháng 5/2024 thị trường đã diễn ra 3 thương vụ, Tập đoàn Tripod Technology (Đài Loan) thuê lại 18 ha đất tại KCN Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) với tổng vốn đăng ký 250 triệu USD, để xây dựng nhà máy sản xuất các loại mạch điện tử và bảng mạch điện tử; Tập đoàn Johnson Health Tech (Đài Loan) cũng đăng ký dự án đầu tư với tổng vốn 100 triệu USD vào KCN Thuận Thành 1; VNG Corporation và ST Telemedia Global Data Centres công bố hợp tác về xây dựng và vận hành các dự án trung tâm dữ liệu theo tiêu chuẩn quốc tế tại TP. HCM.
Tháng 7/2024, Daiwa House Logistics Trust hoàn tất việc mua lại Dự án D Project Tan Duc 2 tại Long An, với mức giá là 26,5 triệu USD, đánh dấu cột mốc lần đầu tiên quỹ tín thác này sở hữu bất động sản tại Việt Nam.
Tháng 8/2023, Lineage - một trong những quỹ tín thác bất động sản (REIT) công nghiệp, hoàn tất thỏa thuận liên doanh với đơn vị vận hành kho lạnh SK Logistics để khai thác 2 dự án kho lạnh tại Hà Nội và Hưng Yên.
Các yếu tố như lợi thế địa kinh tế, các chính sách đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, triển khai các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành sẽ kết nối xuyên suốt các trung tâm kinh tế trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, hệ thống luật được thông qua trong năm 2024 như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản sẽ thúc đẩy gia tăng nguồn cung bất động sản công nghiệp, tiếp tục thu hút dòng vốn FDI.
Theo dự báo của Cushman & Wakefield, trong vòng 3 năm tới, nguồn cung đất công nghiệp sẽ gia tăng khoảng 10.600 ha, tốc độ tăng ở ngưỡng 7,5%/năm, nhà xưởng xây sẵn tăng 1,9 triệu m2 sàn, nhà kho xây sẵn tăng 2,6 triệu m2 sàn.
Việc thiếu hụt những tài sản công nghệ cao, không gian kho bãi hiện đại và nhu cầu lớn đến từ các doanh nghiệp trong khu vực sẽ thúc đẩy tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản công nghiệp, mở ra cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thành công các thương vụ M&A.