Con số thu thuế thương mại điện tử trên được tính lũy kế đến hết tháng 10-2024.
Thu thuế thương mại điện tử liên tục tăng
Cục Thuế TP.HCM cho biết đã triển khai kế hoạch kiểm tra theo chuyên đề thương mại điện tử đối với tổng số rà soát 3.680 tổ chức, cá nhân lũy kế tính đến tháng 10-2024, số thuế tăng qua công tác kiểm tra là 178,36 tỉ đồng.
Đặc biệt số thuế tăng qua công tác kiểm tra đối với hộ, cá nhân kinh doanh hoạt động thương mại điện tử vượt 12% so với cả năm 2023.
Những giải pháp đã được ngành thuế TP.HCM triển khai thực hiện gồm:
Ngày 21-6-2024 Cục Thuế TP.HCM ban hành kế hoạch số 26 về việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại địa bàn TP.HCM, nhằm thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM yêu cầu trong kế hoạch số 2450 về việc phát triển thương mại điện tử trên địa bàn với các mục tiêu cụ thể như sau:
Nâng cao tính tuân thủ thuế của người nộp thuế hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử không phân biệt tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh, đồng thời gia tăng hiệu quả quản lý thuế của cơ quan thuế các cấp trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Tăng cường công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế đặc biệt là tập trung tuyên truyền về chính sách pháp luật thuế, quy trình, thủ tục thuế cho cá nhân kinh doanh hoạt động thương mại điện tử.
Nâng cao hiệu quả quản lý thuế, chống thất thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, thông qua thực hiện các giải pháp của từng chức năng quản lý thuế phù hợp đối với đối tượng có hoạt động thương mại điện tử.
- Cục Thuế tăng cường công tác rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu và làm giàu cơ sở dữ liệu về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn TP.HCM, thông qua các nguồn dữ liệu sau:
+ Danh sách về thông tin giao dịch của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử do chủ sở hữu các sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin theo nghị định 91 của Chính phủ.
+ Dữ liệu qua công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp chủ sàn thương mại điện tử; các hoạt động trung gian vận chuyển, các doanh nghiệp trung gian thanh toán.
+ Nguồn dữ liệu thông qua trao đổi phối hợp giữa các cơ quan ban ngành như Sở Công Thương TP.HCM; Cơ quan công an; Hải quan; Quản lý thị trường; Ngân hàng thương mại.
+ Nguồn dữ liệu tự khai thác thông tin tại Cục Thuế và các Chi cục Thuế.
Mục tiêu quản lý mà ngành thuế hướng tới trong thời gian tới là tăng cường công tác rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu và làm giàu cơ sở dữ liệu về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Đồng thời phối hợp trao đổi, chia sẻ, kết nối thông tin dữ liệu giữa các sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan trên địa bàn TP.HCM.
Tích cực thực hiện tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế trong việc tuân thủ pháp luật thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử, như thực đăng tải lên trang web của Cục Thuế TP.HCM và Chi cục Thuế số điện thoại và email của các công chức để hỗ trợ người nộp thuế về các vấn đề vướng mắc về thương mại điện tử.
Phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí và thông qua các kênh mạng xã hội hướng dẫn đăng ký, kê khai, nộp thuế và quản lý thuế đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử.
Tiếp tục tham mưu cho Tổng cục Thuế về việc nghiên cứu xây dựng cổng thông tin điện tử, nhằm tạo thuận tiện cho cá nhân kinh doanh có hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế:
Tập trung phân tích rủi ro, áp dụng biện pháp quản lý thích hợp đối với từng nhóm đối tượng, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, phối hợp với cơ quan công an, cơ quan truyền thông công khai thông tin đối với các trường hợp có vi phạm, để tăng sức răn đe đối với các chủ thể tham gia kinh doanh cố tình vi phạm nhằm mục đích trốn thuế.
Chính sách, quy định pháp luật đối với hoạt động thương mại điện tử.
Hiện nay, hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam được điều chỉnh bởi một hệ thống văn bản pháp luật khá toàn diện. Tuy nhiên trên thực tế các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân thường gặp khó khăn, lúng túng trong việc áp dụng và thực hiện quy định của pháp luật.
Hiện nay, theo khuyến nghị của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, cá nhân, hộ kinh doanh cần lưu ý một số vấn đề khi tham gia kinh doanh hoạt động thương mại điện tử như sau:
Về đăng ký kinh doanh:
Về nguyên tắc, mọi tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử đều phải đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật (nghị định số 0 ngày 4-1-2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp).
Tuy nhiên, trong thực tế có những trường hợp các chủ thể không thể đăng ký kinh doanh do không đáp ứng được điều kiện về thông tin đăng ký kinh doanh.
Ví dụ điển hình là các cá nhân, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh tại căn hộ chung cư của chính mình, không thể đăng ký kinh doanh vì pháp luật không cho phép đăng ký căn hộ để ở làm trụ sở kinh doanh... thì những cá nhân, tổ chức này vẫn có trách nhiệm đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế, cũng như thực hiện nghĩa vụ thuế phù hợp theo quy định tại điều 30 Luật Quản lý thuế.
Riêng đối với các tổ chức kinh doanh website thương mại điện tử bán hàng, website dịch vụ thương mại điện tử (sàn thương mại điện tử) thì ngoài các điều kiện về đăng ký kinh doanh, các đơn vị này cũng phải đáp ứng các điều kiện và thực hiện nghĩa vụ theo quy định về hoạt động thương mại điện tử tại nghị định số 52 ban hành năm 2013 và nghị định số 85 ban hành năm 2021 của Chính phủ.
Trường hợp cá nhân, tổ chức có hoạt động thương mại điện tử không thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại nghị định số 122 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Về đăng ký thuế:
Quy trình đăng ký với hoạt động thương mại điện tử đã được quy định khá chi tiết trong hệ thống pháp luật thuế Việt Nam (hướng dẫn chi tiết tại thông tư 105 ngày 3-12-2020 của bộ trưởng Bộ Tài chính).
Theo đó, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký thuế theo cơ chế một cửa liên thông cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan thì không phải đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế.
Trường hợp tổ chức, hộ, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử không thể đăng ký kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh, nhưng có phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước thì tổ chức, hộ, cá nhân có nghĩa vụ phải đăng ký thuế với cơ quan thuế theo phương thức điện tử tại cổng dịch vụ công quốc gia, cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc trực tiếp tại trụ sở cơ quan thuế trong trường hợp không thể thực hiện đăng ký bằng phương thức điện tử.
Hồ sơ đăng ký thuế bao gồm tờ khai đăng ký thuế, giấy tờ định danh và các tài liệu chứng minh hoạt động kinh doanh. Căn cứ thông tư số 105 ngày 3-12-2020 và thông tư số 19 ngày 18-3-2021 của bộ trưởng Bộ Tài chính.
Thời hạn đăng ký thuế lần đầu được thực hiện theo quy định tại điều 33 Luật Quản lý thuế năm 2019. Các hành vi vi phạm về thời hạn đăng ký thuế sẽ bị xử phạt theo quy định tại điều 10 nghị định số 125 ngày 19-10-2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, với mức phạt tối đa lên tới 10 triệu đồng đối với tổ chức, 5 triệu đồng đối với cá nhân.
Về khai thuế, nộp thuế (thực hiện nghĩa vụ thuế):
Người nộp thuế có thể thực hiện khai thuế điện tử thông qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Việc nộp thuế có thể được thực hiện qua các kênh thanh toán điện tử như Internet Banking, Mobile Banking hoặc các đơn vị được ủy nhiệm thu thuế. Trường hợp người nộp thuế là cá nhân thì hiện nay còn có thể thực hiện việc nộp thuế thông qua ứng dụng Etax Mobile của ngành thuế.
Đặc biệt, theo Luật Quản lý thuế, nghị định số 126 ngày 19-10-2020, Nnghị định số 91 ban hành năm 2022 và thông tư 40 ngày 1-6-2021, các sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp thông tin về doanh thu của người bán hàng cho cơ quan thuế định kỳ hằng quý.
Tại luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế mà Quốc hội vừa thông qua tại kỳ hợp thứ 8 Quốc hội khóa XV tổ chức trong tháng 11-2024 đã quy định các sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử nhằm cải cách thủ tục hành chính, gia tăng tuân thủ thuế.
Các doanh nghiệp, tổ chức cần lưu ý tuân thủ các thời hạn khai nộp thuế theo quy định: khai thuế GTGT theo tháng hoặc quý tùy theo doanh thu, khai thuế thu nhập cá nhân/doanh nghiệp theo quý và quyết toán thuế hằng năm.
Đối với các cá nhân, hộ kinh doanh có hoạt động thương mại điện tử, cần lưu ý lựa chọn phương pháp tính thuế và thực hiện khai, nộp thuế phù hợp theo hướng dẫn tại thông tư số 40 của Bộ Tài chính.
Đồng thời, các đơn vị phải lưu trữ đầy đủ chứng từ, hóa đơn điện tử và các tài liệu liên quan để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra thuế khi cần thiết. Các hành vi vi phạm về khai thuế, nộp thuế và hóa đơn sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hiện nay, các cơ quan chức năng đã triển khai kênh thông tin điện tử đối với hoạt động thương mại điện tử, bao gồm:
- Hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử (Bộ Công Thương): http://online.gov.vn/
- Hướng dẫn về thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử (Tổng cục Thuế): https://gdt.gov.vn/wps/portal/Home/hdhkd
- Cổng thông tin thương mại điện tử (Tổng cục Thuế): https://thuongmaidientu.gdt.gov.vn