Khoa học

Đột phá khoa học: Chuyển trọng tâm phát triển công nghệ cho doanh nghiệp

Chiều 16/5, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ diễn ra Chương trình Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 năm 2025.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, chúng ta đang sửa Luật Khoa học và Công nghệ thành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo để thể chế hoá các định hướng, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước với nhiều đổi mới mạnh mẽ, mang tính cách mạng.

Một trong những chính sách đột phá là chuyển trọng tâm phát triển công nghệ về doanh nghiệp. Doanh nghiệp được trao quyền và khuyến khích mạnh mẽ để đầu tư cho nghiên cứu phát triển, không chỉ bằng nguồn lực của mình mà còn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

“Nếu trước đây, ngân sách nhà nước tài trợ cho nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp chỉ được dưới 10% thì thời gian tới sẽ là 70-80%”, Bộ trưởng nêu và cho biết thêm, doanh nghiệp được hạch toán các khoản chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp như chi phí sản xuất kinh doanh và không còn giới hạn mức tối đa (trước đây là khoảng 1% doanh thu và chỉ áp dụng với doanh nghiệp có lãi).

Đột phá khoa học: Chuyển trọng tâm phát triển công nghệ cho doanh nghiệp ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Chương trình Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2025.

Các khoản chi này còn được tính khấu trừ thuế với hệ số ưu đãi vượt trội là 150% và có thể lên đến 200% nếu đầu tư vào công nghệ chiến lược.

Ngoài ra, doanh nghiệp có lãi được trích lợi nhuận trước thuế để lập quỹ đầu tư cho khoa học, công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, hỗ trợ các khởi nghiệp sáng tạo nghiên cứu phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mang tính đột phá. Nhà nước cũng có chính sách ưu tiên mua sắm sản phẩm KHCN của doanh nghiệp trong nước.

Một điểm mới khác là thay đổi tư duy quản lý, từ kiểm soát quy trình và đầu vào như hóa đơn, chứng từ chi tiết, sang quản lý kết quả và hiệu quả đầu ra, chấp nhận rủi ro gắn với quản trị rủi ro.

Trọng tâm của quản lý nhà nước không còn là cách thức thực hiện mà là kết quả. “Tăng quyền tự chủ cho các tổ chức, cá nhân và chủ nhiệm đề tài trong triển khai nhiệm vụ, quản lý bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi, nhưng đi kèm là yêu cầu nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch trong sử dụng nguồn lực”, Bộ trưởng nói.

Ông cho biết thêm, các tổ chức và cá nhân thực hiện nghiên cứu sẽ được quyền sở hữu kết quả nghiên cứu để thương mại hóa, người làm nghiên cứu được hưởng tối thiểu 30% từ phần thu nhập thu do thương mại hóa và được miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập này.

Đột phá khoa học: Chuyển trọng tâm phát triển công nghệ cho doanh nghiệp ảnh 2

Việt Nam sẽ chuyển trọng tâm phát triển công nghệ về doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ: Hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ 5G tại Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội.

Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cũng đặt trọng tâm chuyển từ một quốc gia sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược.

Theo Bộ trưởng, đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam xác lập định hướng rõ ràng về việc chuyển từ một quốc gia chủ yếu sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia.

Ngân sách nhà nước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phân bổ khoảng 40-50% để thực hiện các nhiệm vụ làm chủ công nghệ chiến lược. Việc triển khai các nhiệm vụ này được giao cho các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu có năng lực và uy tín thực hiện.

“Nhà nước có chính sách đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm dùng chung, hạ tầng kỹ thuật hiện đại nhằm phục vụ phát triển công nghệ chiến lược”, Bộ trưởng nói.

Về nghiên cứu cơ bản, người đứng đầu Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, sẽ chuyển nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học. Định hướng này phù hợp với thông lệ quốc tế khi tất cả các quốc gia đều coi các cơ sở giáo dục đại học là trung tâm nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản do đây là nơi tập trung nhiều nhất nhân lực nghiên cứu cơ bản, nhất là nhân lực trẻ.

Tuy nhiên ông cũng lưu ý, việc chuyển dịch này không có nghĩa là loại bỏ vai trò của các viện nghiên cứu trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản. Ngược lại, các viện nghiên cứu, nhất là hai Viện Hàn lâm vẫn có thể tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản phù hợp với thế mạnh, cơ cấu tổ chức và định hướng phát triển của mình.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đã đến lúc chúng ta có thể thu hút tri thức toàn cầu, các nhà khoa học, công nghệ toàn cầu tham gia giải các bài toán lớn của Việt Nam và qua đó mà khoa học của nước nhà phát triển, đất nước phát triển.

Tư lệnh ngành Khoa học và Công nghệ cũng cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ xây dựng một công viên với các tượng đài của các nhà khoa học có thành tựu nghiên cứu, có đóng góp xuất sắc cho đất nước và thế giới. Giống như các quốc gia có nghĩa trang danh nhân hay nghĩa trang nhà khoa học nổi tiếng.

Các tin khác

Giá vàng tiếp tục giảm mạnh

Giá vàng thế giới phiên giao dịch Mỹ đêm 16.5 tiếp tục giảm mạnh, ghi nhận một ngày tăng giảm bất thường.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Đã đến lúc tận dụng nguồn vốn tư nhân, nhưng...

“Đã đến lúc chúng ta phải tận dụng nguồn vốn từ kinh tế tư nhân, sự năng động, quyết toán và tính quản lý chặt chẽ của họ để tham gia thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Tuy nhiên, con đường đi còn rất dài chứ không thể thực hiện được ngay được”, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy nói.

Mở tuyến hàng hải trực tiếp Chu Lai - Ấn Độ

Tuyến hàng hải trực tiếp Chu Lai - Ấn Độ được mở, tạo cơ hội giao thương mới, thúc đẩy hoạt động logistics, phát triển chuỗi cung ứng và đẩy mạnh kết nối vùng, nâng cao vị thế của cảng quốc tế Chu Lai trên bản đồ hàng hải quốc tế.

Tòa cấp cao tuyên ông Lê Thanh Vân không oan

Tòa án phúc thẩm khẳng định ông Lê Thanh Vân không oan, nên đã bác đơn kháng cáo của ông Vân, đồng thời giảm nhẹ hình phạt cho ông Lưu Bình Nhưỡng.