Tỷ giá giữa đồng Yen và USD đã xuống mức thấp kỷ lục trong 24 năm qua, giảm 16% so với hồi đầu năm nay, tương đương khoảng 138 Yen đổi 1 USD.
Gia vị, thực phẩm, đồ gia dụng và nhiều sản phẩm của Nhật Bản được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng. Việc đồng Yen giảm giá đang khiến nhiều mặt hàng tại các siêu thị bán đồ Nhật giảm giá bán từ 15 - 20%.
Công ty TNHH Bán lẻ BRG mua hơn 1.000 mã hàng trực tiếp tại Nhật, nên ngay khi tỷ giá giảm, giá hàng nhập đã giảm theo.
Việc đồng Yen giảm giá đang khiến nhiều mặt hàng tại các siêu thị bán đồ Nhật giảm giá bán từ 15 - 20%. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
"Chúng tôi thường ký hợp đồng hàng năm với nhà cung cấp tại Nhật, nhưng lấy hàng dần dần vào hàng tháng. Điều này tạo sự cạnh tranh cho doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo nguồn cung về Việt Nam tăng trưởng 20 - 30%", bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG, cho biết.
Không phải doanh nghiệp nào nhập hàng từ Nhật cũng được hưởng lợi ngay. Mỗi năm mua thiết bị của Nhật trị giá khoảng 100 tỷ đồng, nhưng Công ty Osaka Seimitsu lại nhập gián tiếp qua qua các đối tác trung gian, nên chưa được hưởng lợi từ việc đồng Yen giảm giá đến 16%
"Giá nguyên liệu chúng tôi mua vào giảm không đáng kể. Chúng tôi cũng có những phản hồi với đối tác là tại sao mặt hàng của các bạn không có giá tốt hơn cho chúng tôi?", ông Trịnh Bá Ngọc, Giám đốc Công ty Osaka Seimitsu, chia sẻ.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam xuất hàng sang Nhật Bản về mặt lý thuyết sẽ khó khăn hơn, vì hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều doanh nghiệp lại đang thu về được nhiều tiền hơn do đã chọn thanh toán bằng USD thay vì Yen Nhật.
"Khoảng trên 90% thanh toán xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam là bằng đồng USD. 6 tháng đầu năm chúng ta vẫn có thặng dư, không cao như các năm trước nhưng vẫn có thặng dư", TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho hay.
Cũng là xuất khẩu nhưng xuất khẩu lao động sang Nhật Bản lại thiệt thòi thấy rõ. Đồng lương nhận được từ tiền Yen nếu đổi sang USD hay tiền VND để gửi về quê nhà đã mất tới 16% giá trị so với hồi đầu năm.
"Chỉ trông chờ vào nước sở tại, người ta nhìn nhận vào đồng tiền mất giá của người ta như vậy, thì người ta bù đắp như nào cho người lao động để giữ chân người lao động", bà Nguyễn Thị Mùi, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, nhận định.
Người lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật lúc này sẽ thiệt thòi hơn trước, nhưng nếu sang Nhật du lịch thì chi phí sẽ rẻ hơn do đồng Yen giảm giá. Tuy nhiên, do dịch COVID-19, hiện Nhật Bản vẫn chưa mở cửa đón khách du lịch Việt Nam.