Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) vừa có thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản khoản nợ của một khách hàng, song ngân hàng không công bố thông tin cụ thể về chủ khoản nợ.
Theo đó, khoản nợ của khách hàng trên tại BIDV Tây Hồ có dư nợ tạm tính đến hết ngày 30/6 là hơn 56 tỷ đồng, bao gồm nợ gốc là hơn 26,8 tỷ đồng, nợ lãi trong hạn là hơn 22,4 tỷ đồng, nợ lãi quá hạn là 6,6 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm của khoản nợ bao gồm tài sản gắn liền với đất tại phường Ninh Xá, TP Bắc Ninh; hệ thống máy móc thiết bị tại nhà xưởng Bắc Ninh và xe ô tô tải Hyundai. Ngoài ra còn có quyền sử dụng đất tại quận Đống Đa và quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.
Giá khởi điểm ngân hàng đưa ra là hơn 56 tỷ đồng, chính bằng toàn bộ dư nợ gốc, lãi và lãi quá hạn tính đến 30/6 của khoản nợ trên.
Gần đây, BIDV cũng lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản bao gồm quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất tại Đại Lộ Hồ Chí Minh, phường Trần Hưng Đạo, TP Hải Dương. Theo đó thửa đất này là đất ở tại đô thị, có diện tích là 68,9m2. Giá khởi điểm của toàn bộ tài sản là hơn 16,8 tỷ đồng.
Trước đó, ngân hàng thông báo tổ chức bán đấu giá khoản nợ của CTCP Vertical Synergy Việt Nam (VSV). Giá khởi điểm tính đến ngày 21/6/2022 là 471 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 347,1 tỷ đồng, dư nợ lãi là 123,9 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm của khoản nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại TP. HCM bao gồm tầng 1 căn hộ 63 Pasteur, phường Bến Nghé, Quận 1; 12 khu đất tại phường An Phú Đông, Quận 12; khu đất tại số 102 Trần Quốc Toản, phường 7, Quận 3.
Theo tìm hiểu của người viết, CTCP Vertical Synergy Việt Nam (VSV) thành lập năm 2011, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu (trừ khí dầu mỏ hóa lỏng LPG). Công ty tiền thân là Công ty TNHH Năng lượng Nguyên Minh, hiện doanh nghiệp đã ngừng hoạt động.
Trong thời gian qua, các ngân hàng liên tục phát đi thông báo về phát mại tài sản, bán đấu giá khoản nợ, tài sản bảo đảm, song nhiều tài sản dù được rao bán đến hàng chục lần, thậm chí đại hạ giá cũng chưa thể xử lý để thu hồi nợ.
Về vấn đề này, tại báo cáo gửi đến đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Nguyễn Thị Hồng cho biết việc bán, phát mại tài sản để xử lý nợ xấu của các TCTD gặp nhiều khó khăn do thị trường thanh lý tài sản đảm bảo bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế chưa phục hồi sau đại dịch.
Bên cạnh đó, có những khách hàng lợi dụng bối cảnh dịch bệnh để trì hoãn trả nợ, giao tài sản đảm bảo cho các TCTD khiến tiến trình xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm càng gặp nhiều khó khăn.
Do đó, định hướng trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, thực hiện quyết liệt các biện pháp để thu hồi nợ, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.