Hiện tại, trạng thái dòng tiền trên thị trường đang khá cân bằng khi liên tục luân chuyển qua các nhóm ngành khác nhau. Trong hơn 2 tháng vừa qua, nhà đầu tư được chứng kiến sự phục hồi tương đối mạnh của chỉ số chính VN-Index tuy nhiên dòng tiền từ nhóm ngân hàng, bất động sản, chứng khoán đã bắt đầu dần chuyển dịch sang những nhóm có vốn hoá nhỏ hơn như hoá chất, phân bón hay thép.
Tại chương trình “Khớp lệnh” của VTV Digital, ông Lưu Chí Kháng, Trưởng phòng Tự doanh – CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam, cho rằng ở thời điểm hiện tại, việc tìm kiếm cơ hội trong ngắn hạn là vô cùng khó bởi thế giới đang có nhiều bất ổn khi Fed có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất và cuộc khủng hoảng năng lượng tại Châu Âu ngày càng căng thẳng, ảnh hưởng lớn tới khả năng kiềm chế lạm phát.
Đây là những thông tin tác động mạnh đến tâm lý của giới đầu tư còn tác động về mặt cơ bản thì chúng ta cần tìm hiểu sâu thêm tới chuyển động của quỹ ngoại và chuyển động của dòng tiền tại thị trường Việt Nam.
Xét từ mốc đáy 1.150 điểm, nhóm ngành tăng mạnh nhất là ngành bất động sản khu công nghiệp, tiếp đến là nhóm phân bón, chứng khoán và thuỷ sản. Trong đó, nhóm chứng khoán tuy phục hồi mạnh nhưng mức lợi nhuận trong quý II là không cao, thậm chí còn sụt giảm so với quý trước.
Theo ông Kháng, giai đoạn vừa qua là giai đoạn phục hồi chứ chưa xác định xu hướng quay trở lại tăng điểm sau khi thị trường đã lập đỉnh là 1.153 điểm. Nếu muốn quay lại xu hướng tăng thì sẽ cần thêm sự tích cực về khối lượng thanh khoản để cho thấy tín hiệu dòng tiền đang quay trở lại mạnh mẽ.
Thanh khoản hiện nay duy trì ở mức 13.000 – 15.000 tỷ đồng/phiên trên HOSE, tính cả giao dịch thoả thuận và khớp lệnh.
Theo một số dự báo, xu hướng của thị trường đang dần trở lại với diễn biến giống như năm 2019 khi hầu hết tăng giảm trong biên độ rất hẹp. Đặc tính của giai đoạn này là thanh khoản duy trì ổn định, câu chuyện chủ yếu sẽ nằm ở từng mã, từng nhóm ngành riêng rẽ theo quy luật là mã nào đã tăng mạnh nhưng chưa điều chỉnh thì có thể sẽ gặp điều chỉnh còn những mã hay những nhóm ngành nào mà có câu chuyện riêng thì sẽ bứt phá nhưng biên độ không quá lớn.
Từ giờ đến cuối năm, khả năng bứt phá mạnh là khá thấp, việc sụt giảm mạnh cũng không quá sâu và chúng ta có thể kỳ vọng được bởi thị trường đã có sự tăng, giảm giá mạnh trong 2 năm vừa qua. Hiện tại, mức hồi phục là tương đối tốt tuy nhiên thanh khoản lại đi ngang cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư vẫn rất cao.
Cả giới đầu tư đang chờ đợi những thông tin có thể ảnh hưởng lớn vào xu hướng thị trường thời gian sắp tới liên quan đến chính sách của các ngân hàng, lãi suất, tăng trưởng tín dụng cũng như cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.
Với nhóm năng lượng, nguyên nhân của việc tăng mạnh thời gian gần đây là bởi sự kỳ vọng của nhà đầu tư. Cùng với đó, giá khí đốt tự nhiên ở Châu Âu đã tăng đến 40% một ngày sau khi Nga sửa đường ống dẫn khí đốt sang Đức. Điều này tác động đến nhiều nhóm ngành, trong đó năng lượng là tăng mạnh nhất.
Về yếu tố cơ bản, ngành điện thời gian vừa qua chưa có sự sụt giảm lớn, thậm chí còn tăng so với mức đỉnh của thị trường. Bên cạnh đó, mức lợi nhuận quý II sau thuế của ngành điện cũng tương đối tốt. Trong thời điểm lạm phát đang có xu hướng tăng cao như hiện tại thì ngành điện chắc chắn sẽ được hưởng lợi và là kênh đầu tư vô cùng phù hợp.
Về nhóm thép - nhóm nhận được sự chú ý của dòng tiền trong thời gian gần đây, kết quả kinh doanh quý II không được tốt và trong quý III khi giá thép giảm 15 lần liên tiếp từ tháng 5 đến hiện tại thì kết quả kinh doanh nhiều khả năng cũng sẽ không cải thiện. Tuy nhiên, trái ngược với kết quả kinh doanh, cổ phiếu thép vẫn tăng, thậm chí một số mã còn tăng hết biên độ.