Bất ổn nỗi lo tái định cư
Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, tỷ lệ 1/10.000 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (QĐ1259/QĐ-TTg), trục Hồ Tây - Ba Vì được xác định trên cơ sở kéo dài đường Hoàng Quốc Việt từ vành đai 3 đến QL21; Kết nối Ba Vì với Hồ Tây-Ba Đình.
Tuyến đường làm nhiệm vụ tăng cường khả năng hỗ trợ giao thông cho đại lộ Thăng Long, phục vụ các đô thị vệ tinh và vùng du lịch sinh thái phía Tây Hà Nội. Hướng tuyến Hồ Tây - Ba Vì nằm giữa đại lộ Thăng Long và QL32 với tổng chiều dài khoảng 28,5km, quy mô 6-8 làn xe. Quá trình triển khai làm 3 đoạn: Giai đoạn 1 từ vành đai 3 đến QL32 khoảng 3,4 km; đoạn 2 từ QD32 đến vành đai 4; đoạn 3 là phần còn lại.
Quy hoạch trục Hồ Tây - Ba Vì (kẻ đứt màu tím)
Đáng nói, quá trình triển khai quy hoạch (lấy ý kiến cộng đồng dân cư) từ năm 2019 đến nay, đoạn đường này gặp phản ứng của hàng trăm hộ dân tái định cư phường Phú Diễn.
Bà Vũ Thị Thục, một người dân sống tại đây cho biết, khoảng chục năm trước, gia đình bà sống bằng nghề bán trà đá, bơm xe đạp ngoài mặt đường QL32, mỗi ngày kiếm được vài trăm nghìn trang trải cuộc sống.
Góp ý đối với nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Đăng Trường và nhiều hộ dân khu tái định cư Phú Diễn đề nghị điều chỉnh trục đường Hồ Tây - Ba Vì này ra ngoài khu dân cư, đi qua phần đất ruộng, nơi chưa có công trình xây dựng và các cơ sở công lập. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, trục Hồ Tây - Ba Vì được định hướng là trục kết nối phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô Hà Nội, kết nối văn hóa Thăng Long -Tràng An với văn hóa xứ Đoài; Trong quá trình lập quy hoạch chi tiết hoàn toàn có thể điều chỉnh tuyến đường đi vòng ôm lấy khu dân cư có từ trước. Vấn đề bố cục khu dân cư này cần bổ sung những điểm nhấn kiến trúc, cảnh quan khi tuyến đường vòng qua. |
Khi Nhà nước chủ trương mở rộng QL32, bất chấp những đảo lộn cuộc sống, thất nghiệp, gia đình bà đồng thuận di dời nhường đất mở đường. Sau đó, gia đình đã đi vay gần 1 tỷ đồng để hoàn tất thủ tục quyền sử dụng đất, xây dựng nhà cửa.
Tuy nhiên, khi ngôi nhà tái định cư xây chưa được bao lâu, bà Thục hốt hoảng khi biết tin mảnh đất có nguy cơ bị thu hồi để phục vụ trục Hồ Tây - Ba Vì.
“Lại mất nhà, mất cửa thì biết đi đâu, làm gì khi nợ cũ còn chưa trả hết? Nếu đã có dự án rồi thì sao lại đưa chúng tôi về đây?”, bà Thục bức xúc.
Tương tự, bà Đặng Thị Huệ bức xúc, đến nay đã hơn 3 năm (kể từ ngày 31/5/2019) Tổng Công ty CP Sông Hồng tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cư dân đánh giá về tác động môi trường và sơ bộ phương án giải phóng mặt bằng về quy hoạch trục Hồ Tây - Ba Vì. Đoạn đường đi qua 3 khu tái định cư, nơi bà và những hộ dân được đền bù khi giải phóng mặt bằng mở rộng QL32. Trước những bức xúc về bất ổn về nơi ở, bà và nhiều hộ dân đã gửi đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền xem xét, di dời trục đường ra ngoài khu dân cư vừa tái định cư. Nhưng đến nay vẫn chỉ nhận được những văn bản trả lời vòng vo, nước đôi.
"Chúng tôi đề nghị các sở, ban, ngành xem xét thực tế, bất cập, quy hoạch chồng quy hoạch, dự án chồng dự án để giảm ảnh hưởng đời sống người dân và lãng phí trong hoạt động đầu tư", bà Huệ kiến nghị.
Anh Lê Thành Duy, cùng khu tái định cư than thở: “Chúng tôi chỉ mong Nhà nước sẽ điều chỉnh để cho chúng tôi ổn định cuộc sống, làm việc và nuôi các con ăn học”.
Trục Hồ Tây - Ba Vì có khả năng hỗ trợ giao thông thấp
Trước những bức xúc của người dân, TP Hà Nội đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hà Nội chủ trì tổ chức rà soát hiện trạng, đề xuất phương án quy hoạch tuyến trục Hồ Tây - Ba Vì.
Báo cáo của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho thấy, triển khai quy hoạch tuyến đường này có nhiều hạn chế, đặc biệt là đoạn 1 nối từ vành đai 3 đến QL32. Cụ thể: Đoạn đường trên có tổng diện tích khoảng 244,9ha thì có 130ha đất thổ cư (53%).
Theo đó, khi thực hiện quy hoạch sẽ tác động đến khoảng 7.500 hộ dân thuộc khu tái định cư Phú Diễn 2,1ha, 2,3ha, 8,6ha, là các hộ dân phải di dời giải phóng mặt bằng lần 1 đã thực hiện các dự án mở đường QL32, đường nối Phạm Văn Đồng đến Đại học Mỏ Địa Chất, đường Hoàng Quốc Việt kéo dài...
Tuyến đường trên cũng cắt qua các công trình hiện có: Học viện Tư Pháp với 3 công trình cao 7-9 tầng, Đại học Tài nguyên và Môi trường với 7 công trình cao 4 tầng, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai với 2 công trình cao 3 tầng, Trụ sở Uỷ ban nhân dân phường Phúc diễn công trình cao 2 tầng, Trường Cao đẳng in, Viện Hoá học công nghệ, Tổng kho 101 Biên phòng với 2 công trình cao 10 tầng... Sở Quy hoạch - Kiến trúc nhận định, việc này sẽ gây lãng phí.
Về tính khả thi, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho rằng, với mức độ ảnh hưởng đất đai , dân cư và các công trình hiện có như trên, tính khả thi thực hiện là thấp. Với bức xúc của nhiều hộ dân, khó đặt được sự ủng hộ và đồng tình.
Về mặt thực tiễn, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho hay, Trục Hồ Tây - Ba Vì có cấp hạng là trục chính đô thị, được quy hoạch với nhiệm vụ tăng cường khả năng hỗ trợ giao thông cho đại lộ Thăng Long, phục vụ các đô thị vệ tinh và vùng du lịch sinh thái phía Tây Hà Nội.
Thực tế, hiện nay khu phía Tây Hà Nội đã có các tuyến đường đại lộ Thăng Long, QL32 kết nối giữa đô thị vệ tinh Sơn Tây, đô thị vệ tinh Hoà Lạc với trung tâm thành phố. Trục Hồ Tây - Ba Vì nằm giữa hai tuyến đường này, không đi qua đô thị vệ tinh hay sinh thái nào nên khả năng hỗ trợ giao thông cho hai tuyến đường là thấp.
Riêng đoạn tuyến từ vành đai 3 đến QL32, trục Hồ Tây - Ba Vì nằm giữa đường 32 với Tây Thăng Long với khoảng cách giữa các tuyến đường từ 1-1,5km là cao so với quy định tại Quy chuẩn xây dựng Việt Nam.
Đề xuất điều chỉnh trục Hồ Tây - Ba Vì
Trước những bất cập đã được nhìn nhận, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đề xuất phương án, điều chỉnh thay thế quy hoạch trục Hồ Tây-Ba Vì đoạn tuyến từ đường 70 đến đường Trần Vỹ (là tuyến đường phí Đông nghĩa trang Mai Dịch hiện đã xây dựng) bằng các tuyến đường quy hoạch của khu vực gồm: đường Hoàng Quốc Việt kéo dài kết nối với đường Tây Thăng Long, đê sông Hồng; đường Xuân La - Cổ Nhuế - ga Phú Diễn - Xuân Phương kết nối ra QL32, đường 70, đại lộ Thăng Long...
Khi đó đối với tuyến đường sắt đô thị 8 đã được định hướng đi trên cao dọc theo tuyến đường trong đồ án Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô sẽ nghiên cứu phương án đi ngầm bên dưới các khu đất chức năng để không làm thay đổi quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị thành phố.