Để thị trường và nền kinh tế phục hồi tốt, các doanh nghiệp cũng phải khỏe. Tuy nhiên sau một thời gian dài chống chọi với dịch bệnh, duy trì hoạt động sản xuất, nguồn thu là không có hoặc rất ít. Do vậy hiện nay các doanh nghiệp rất cần nguồn vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Trước đó chính phủ đã đưa ra các gói hỗ trợ và hiện tại ngân hàng nhà nước đang mở nốt van tín dụng cho những tháng cuối năm. Vậy đâu là giải pháp để doanh nghiệp sớm tiếp cận nguồn vốn một cách hiệu quả và nhanh chóng?
Chia sẻ trong Talkshow Phố Tài chính (The Finance Street Talk Show), ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay đang có hơn 800.000 doanh nghiệp, các quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ khoảng 98,5%.
Với các doanh nghiệp như vậy cách thức để tiếp cận nguồn vốn đều qua các hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng.
Để khởi thông dòng vốn cho các doanh nghiệp, ông Quốc Anh cho rằng việc đầu tiên là thực hiện tốt Nghị quyết 42 của Quốc Hội trong việc quản lý nợ xấu, bởi khoản nợ xấu hiện nay đang nằm ở các tổ chức tín dụng, là cục máu đông cản trở việc nới room cho cộng đồng các doanh nghiệp để vay trong khoảng thời gian tiếp theo.
Thứ hai trong chính sách hỗ trợ và tài khóa về tiền tệ, chúng ta đã tung ra rất nhiều gói để hỗ trợ các doanh nghiệp như giảm lãi vay, cho vay ưu đãi, giảm các loại thuế, phí. Khâu này cần được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả và đặc biệt nên kéo dài thêm 6 tháng nữa, đến 30/6 của năm 2023 để đạt được hiệu quả cao hơn.
Trong khi đó nâng cao năng lực của các doanh nghiệp thông qua hệ thống đào tạo quản trị về mặt tài chính, quản trị về mặt dòng tiền cũng hết sức quan trọng. Các ngân hàng được kỳ vọng trong 6 tháng cuối năm và các năm tiếp theo có thể tiếp tục cắt giảm chi phí quản trị để từ đó giảm được lãi suất cho vay.
Bên cạnh các giải pháp từ chính phủ và các cơ quan quản lý, việc đầu tiên doanh nghiệp phải nên có quỹ trích lập dự phòng rủi ro từ 3 – 5%, điều này đã có trong quy định rồi nhưng phải mang tính tự nguyện từ phía các doanh nghiệp. Hơn nữa chúng ta cần thắt chặt các hoạt động quản trị về mặt tài chính, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ.
Bên cạnh đó áp dụng mạnh mẽ công nghệ thanh toán, tránh các chi phí không chính thức. Nhiều doanh nghiệp TNHH không thành lập ban kiểm soát mà chỉ các công ty cổ phần mới làm điều đó, nhưng kể cả các doanh nghiệp chưa lên sàn chứng khoán cũng phải thành lập ban kiểm soát để kiểm soát vấn đề về mặt chi tiêu, nội bộ, chi tiêu về phía bên ngoài để dòng vốn lợi nhuận không bị thất thoát.
Còn theo quan điểm của ông Lê Long Giang Chủ tịch hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA), với những chính sách như giảm và hỗ trợ 2% lãi suất chỉ tác dụng với các doanh nghiệp vẫn có khả năng vay được của các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên với những doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thể tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng, chúng ta nên có những chính sách vay vốn với lãi suất 0% với những ngành nghề trong 2 năm COVID vừa rồi được đánh giá là khó có thể trụ được như du lịch. Bên cạnh đó Chính phủ có thể dùng bớt một phần vốn đầu tư công để khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp, đương nhiên cần có điều kiện và chính sách cụ thể.
Với các doanh nghiệp trong thời điểm này, ông Giang đánh giá cần chủ động tìm kiếm các nguồn vốn khác ngoài ngân hàng chẳng hạn như các quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực đó. Ngoài ra việc nâng cao các kiến thức và kinh nghiệm quản lý tài chính cũng là rất cần thiết, bài toán tài chính mới là bài toán khó giải và thực sự mang tính chiến lược.