Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) mới đây đã có văn bản gửi chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố về việc điều chỉnh mức lãi suất chương trình cho vay ưu đãi nhà ở xã hội, theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP. Theo đó, đối với các khoản vay đã ký hợp đồng tín dụng trước ngày 1/8/2024, NHCSXH nơi cho vay và người vay vốn thỏa thuận điều chỉnh lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ (hiện nay mức lãi suất cho vay là 6,6%/năm). Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Sở dĩ như vậy là bởi mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024/NĐ-CP. Theo NHCSXH, trong quá trình chờ các bộ (Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) ban hành mẫu giấy tờ chứng minh đối tượng, điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội làm căn cứ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 100/2024 của Chính phủ mới ban hành, Tổng giám đốc NHCSXH yêu cầu chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố của ngân hàng này điều chỉnh mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Lý do Khoản 14 Điều 78 Nghị định số 100/2024/NĐ-CP quy định: “Đối với các khoản vay đã ký Hợp đồng tín dụng với NHCSXH để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Chính phủ) trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì áp dụng mức lãi suất theo quy định tại khoản 4 Điều 48 của Nghị định này cho dư nợ gốc thực tế, dư nợ gốc bị quá hạn (nếu có)”. Khoản 4 Điều 48 Nghị định số 100/2024/NĐ-CP quy định: “Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay”.
Trả lời phóng viên Thời báo Ngân hàng, đại diện NHCSXH chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, nơi này đang tổ chức triển khai văn bản chỉ đạo của Tổng giám đốc NHCSXH đến các đơn vị vay vốn ở quận, huyện và TP. Thủ Đức. Theo đó, các tổ tiết kiệm và vay vốn phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, hội đoàn ở địa phương phổ biến mức lãi suất mới đối với các khoản dư nợ và cho vay mới đối với nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở từ sau ngày 1/8, hầu hết đều chấp nhận với mức lãi suất mới.
Đề cập về quan điểm chỉ đạo đối với tín dụng chính sách, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, thành phố luôn quan tâm thực hiện các giải pháp xóa đói, giảm nghèo bền vững, luôn bố trí nguồn vốn ngân sách dành cho hoạt động này. Đặc biệt, tập trung triển khai có hiệu quả Chỉ thị 40/CT/TW/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội.
Tuy nhiên trên thực tế, dư nợ cho vay nhà ở xã hội không lớn. Theo số liệu thống kê của NHCSXH chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, chương trình cho vay nhà ở xã hội của chi nhánh thực hiện theo Nghị định 100/2015 đến đầu năm 2024 đạt tổng doanh số 157,2 tỷ đồng, với 322 lượt khách hàng vay vốn; đến nay dư nợ còn hơn 110 tỷ đồng, chiếm 1,0% tổng dư nợ với khoảng 290 khách hàng vay. Khách hàng vay vốn của chương trình này chủ yếu là người có thu nhập thấp, cán bộ, viên chức, lực lượng vũ trang…
Theo phản ánh của chi nhánh NHCSXH ở các địa phương, khó khăn lớn nhất của hoạt động cho vay nhà ở xã hội hiện nay là thiếu nguồn cung nên ngân hàng khó triển khai cho vay. Chẳng hạn như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… là những địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có nhiều công nhân trong các khu công nghiệp, nhưng nhiều năm qua không có thêm căn hộ nhà ở xã hội để NHCSXH cho vay.
Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, để tín dụng chính sách nhà ở xã hội đi vào đời sống, tạo nhà ở cho người nghèo, Nhà nước cần thiết kế chính sách cho các doanh nghiệp phát triển loại hình nhà ở này “sống được” thì họ mới mạnh dạn đầu tư và NHCSXH mới có thể cho vay nhiều hơn nguồn vốn chính sách này.