Lộ diện vai trò của chị gái Quang Linh Vlogs
Tại Công ty Chị Em Rọt, ngoài Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs, Lê Tuấn Linh và Lê Thành Công còn có 2 cổ đông đáng chú ý khác là Phạm Thị Nhật Lệ và Trần Chí Tâm lần lượt góp 13,66% và 13,67% vốn điều lệ, tương đương góp hơn 683 triệu đồng mỗi người. Tỷ lệ vốn góp của 2 cá nhân này tương đương với tỷ lệ vốn góp của Quang Linh Vlogs là 683,5 triệu đồng.
Chỉ sau một tháng hoạt động, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng lên 15 tỷ đồng, nhưng không công khai thông tin chi tiết về cơ cấu góp vốn mới.
Phạm Thị Nhật Lệ , sinh năm 1996, là chị gái của Quang Linh Vlogs. Bên cạnh việc là cổ đông của một số công ty liên quan em trai, nữ TikToker sở hữu hơn 810.000 lượt theo dõi cũng thường giúp Quang Linh Vlogs quản lý một số công việc ở Việt Nam.
Ngoài ra, Phạm Thị Nhật Lệ còn là cổ đông thành lập Công ty cổ phần Ẩm thực Tân Khanh - đơn vị sở hữu và vận hành nhà hàng cơm niêu mà Quang Linh Vlogs từng góp 750 triệu đồng (chiếm 25% vốn).
Tập đoàn Hoa Sen xem xét khởi kiện MC Quyền Linh
Ngày 14/4, Công ty TNHH Truyền thông Bee và Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen lên tiếng việc nghệ sĩ - MC Quyền Linh đang bị cộng đồng lên án và cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh hành vi quảng cáo sai lệch.
Công ty TNHH Truyền thông Bee và Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen trong thông cáo báo chí khẳng định MC Quyền Linh không phải là đại sứ thương hiệu của Tập đoàn Hoa Sen.
Phía doanh nghiệp cho biết đang tập hợp các chứng cứ liên quan đến việc MC Quyền Linh hợp tác với những chương trình, đơn vị khác có format tương tự như chương trình "Mái ấm gia đình Việt" có thể gây nhầm lẫn cho khán giả, gây tổn hại đến uy tín, thương hiệu của Tập đoàn Hoa Sen và chương trình "Mái ấm gia đình Việt" để tiến hành thủ tục khởi kiện nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng.
Tập đoàn Hoa Sen tiền thân được thành lập từ năm 2001, gắn liền với tên tuổi ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT). Doanh nghiệp này sản xuất và kinh doanh tôn, thép, vật liệu xây dựng, nội thất.
Từ năm 2020, thị phần xuất khẩu của Hoa Sen đạt 47% và giảm dần xuống 31% vào năm 2023. Với thị phần trong nước, tập đoàn duy trì vị trí dẫn đầu ở cả 3 khu vực Bắc - Trung - Nam, giữ mức 25%.

Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen (Ảnh: IT).
Lộ diện doanh nghiệp của MC Quyền Linh
Ngoài công việc MC, Quyền Linh hoạt động kinh doanh riêng tại một số doanh nghiệp chuyên về sản xuất hóa mỹ phẩm, điều hành tour du lịch và truyền thông.
Công ty TNHH Nghệ sĩ Quyền Linh được thành lập từ ngày 23/8/2018 và có trụ sở tại phường 12, quận 4, TPHCM. Tại thời điểm thành lập, doanh nghiệp có vốn điều lệ 9,79 tỷ đồng. Chủ sở hữu là bà Nguyễn Thị Vân Anh (sinh năm 1986), là Tổng giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật.
Theo giới thiệu của doanh nghiệp, nghệ sĩ Quyền Linh và một số nghệ sĩ khác là những người nghiên cứu thị trường và cho ra đời một thương hiệu hóa mỹ phẩm như nước giặt, xả vải, rửa chén.
Ngoài vai trò quảng cáo, đại diện thương hiệu cho công ty trên, nghệ sĩ Quyền Linh (tên thật là Mai Huyền Linh) còn trực tiếp là người đại diện pháp luật tại công ty khác chuyên về điều hành tour du lịch.
Công ty TNHH Văn hóa - Du lịch Giếng Tiên Thảo Linh được thành lập vào tháng 3/2018. Trụ sở chính công ty này đặt tại huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.
Tháng 5/2018, UBND tỉnh Sóc Trăng có quyết định chủ trương đầu tư dự án Khu văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên cho Công ty TNHH Văn hóa - Du lịch Giếng Tiên Thảo Linh. Dự án này được triển khai trên diện tích 9,9ha tại xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng với tổng vốn đầu tư 50 tỷ đồng.

MC Quyền Linh tại một chương trình (Ảnh: IT).
Shark Đặng Hồng Anh từ nhiệm
Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - TTC Land (mã chứng khoán: SCR) công bố tiếp nhận đơn từ nhiệm của ông Đặng Hồng Anh. Vị này đảm nhận vị trí Phó chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), xin từ nhiệm vì lý do cá nhân.
Ông Đặng Hồng Anh là con trai ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công và bà Huỳnh Bích Ngọc. Ông là cổ đông lớn của TTC Land, nắm 40 triệu cổ phiếu, tương đương 9,29% vốn, theo báo cáo quản trị năm 2024.
TTC Land là nhà phát triển bất động sản với 23 dự án, 15.000 sản phẩm đã được công bố ra thị trường. Các lĩnh vực công ty thực hiện gồm bất động sản thương mại, nhà ở, dịch vụ; hoạt động chính tại TPHCM và các tỉnh, thành vệ tinh lân cận.
Mạng lưới điều hành đường dây sản xuất 573 nhãn hiệu sữa giả
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 8 đối tượng về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà là 2 đối tượng bị cáo buộc là cầm đầu, chủ mưu.
Theo cơ quan chức năng, từ tháng 8/2021 đến nay, các đối tượng đã thành lập Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất, kinh doanh sữa bột.
Hai công ty trên nằm trong hệ sinh thái 9 công ty do Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà góp vốn thành lập, điều hành để sản xuất, phân phối để sản xuất sữa giả.
Bộ Công Thương cũng vừa ban hành công điện hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố; Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước và sở Công Thương địa phương về việc tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt đối với các sản phẩm sữa, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Tỷ phú Trần Đình Long lên tiếng về thị phần xuất khẩu
Tại phiên họp đại hội cổ đông 2025 của Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) ban lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ về tỷ trọng xuất khẩu. Tỷ phú Trần Đình Long cho biết Từ trước đến nay, Hòa Phát luôn duy trì tỷ trọng xuất khẩu ở mức hợp lý, không quá phụ thuộc vào xuất khẩu.
Thông tin thêm, ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng giám đốc tập đoàn, nói doanh nghiệp này luôn cố gắng duy trì tỷ trọng xuất khẩu dưới 20%. Thực tế có giai đoạn như 2024 khi thị trường trong nước khó khăn thì tỷ trọng xuất khẩu đã lên tới 31%, cao nhất từ trước tới nay nhưng đây chỉ là giải pháp tức thời.

Chủ tịch Trần Đình Long chia sẻ tại ĐHCĐ Tập đoàn Hòa Phát (Ảnh: Hòa Phát).
Hiện nay, thép của tập đoàn hiện xuất khẩu sang 40 nước trên thế giới và thị trường Mỹ hiện chiếm khoảng 1%. Do đó, lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng với bất ổn như vừa qua thì việc chia nhỏ thị trường sẽ giúp mức độ ảnh hưởng ít đi và tập đoàn có thời gian xoay chuyển sang thị trường khác.
Quản lý thị trường vào cuộc vụ Chu Thanh Huyền bị tố bán hàng nhập lậu
Đầu tháng 4, Cục Quản lý Dược nhận được đơn tố cáo ghi ngày 25/3 của công dân về việc bà Chu Thanh Huyền bán bộ mỹ phẩm nước hoa hồng OHUI PRIME (Hàn Quốc) không có nhãn phụ tiếng Việt, không xuất hóa đơn bán hàng, có dấu hiệu tiêu thụ hàng nhập lậu, hàng trốn thuế.
Ngày 11/4, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) xác nhận đã chuyển đơn tố cáo liên quan bà Chu Thanh Huyền tới Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội để xem xét và xử lý theo thẩm quyền.
Liên quan tới vụ việc có đơn của người dân tố cáo bà Chu Thanh Huyền có dấu hiệu tiêu thụ hàng nhập lậu, hàng trốn thuế, một lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội xác nhận, đơn vị đã tiếp nhận đơn từ Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và đang trong quá trình xác minh, làm rõ các thông tin trong đơn tố cáo theo đúng quy trình.