Các chuyên gia kinh tế – tài chính đến từ Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan mang đến cho nhà đầu tư những góc nhìn chiến lược, cập nhật các xu hướng kinh tế - tài chính mới nhất, đồng thời gợi mở ra cơ hội đầu tư tiềm năng trên thị trường chứng khoán.
Việt Nam đang tiến gần đến cột mốc nâng hạng thị trường chứng khoán lên thị trường mới nổi – một yếu tố có thể thu hút mạnh mẽ dòng vốn quốc tế. Theo ông Chu Ka Kit, Giám đốc Chiến lược đầu tư tại Yuanta Hong Kong, thị trường chứng khoán Việt Nam đang cho thấy nhiều tiềm năng khi so sánh với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là về hiệu suất hoạt động trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, để phát triển lên một tầm cao mới, Việt Nam cần giải quyết một số vấn đề cốt lõi.

Các chuyên gia tại hội thảo sáng 19.4 tổ chức đánh giá cao tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam
ẢNH: CTV
Trước hết, thị trường hiện nay vẫn phụ thuộc lớn vào nhà đầu tư cá nhân – chiếm tới 90% tổng số nhà đầu tư. Trong khi đó, tại các thị trường phát triển, sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư tổ chức là yếu tố then chốt giúp ổn định và chuyên nghiệp hóa. Vì vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh thu hút khối nhà đầu tư tổ chức trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, cơ cấu ngành niêm yết hiện vẫn tập trung vào các lĩnh vực truyền thống như tài chính và bất động sản. Để thu hút dòng vốn dài hạn, đặc biệt là từ nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam cần đa dạng hóa danh mục cổ phiếu, bổ sung các ngành mang tính chiến lược như công nghệ, năng lượng, và tiện ích – tương tự như thị trường Hong Kong, nơi có cơ cấu cân bằng giữa tài chính, bất động sản và công nghệ.
Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển thị trường chứng khoán, đặc biệt với việc triển khai hệ thống giao dịch công nghệ thông tin mới và kỳ vọng được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Một trong những thách thức chính là việc cần đa dạng hóa danh mục cổ phiếu để đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư quốc tế.
"Việt Nam hiện đang ở giữa hành trình phát triển thị trường chứng khoán. Nếu tỷ lệ PE/ tốc độ tăng trưởng EPS ở các thị trường phát triển như Hồng Kông, Tokyo hay Mỹ dao động từ 1,1 đến 1,9 – trung bình khoảng 1,5 thì ở Việt Nam chỉ khoảng 0,4. Điều này cho thấy, thị trường còn nhiều dư địa để tăng trưởng và đang ở mức định giá hấp dẫn so với tiềm năng thực tế. Việt Nam cần tiếp tục mở rộng quy mô thị trường bằng cách tăng số lượng và chất lượng cổ phiếu niêm yết, nâng cao chuẩn mực minh bạch tài chính và đặc biệt là chú trọng đến các yếu tố ESG. Đây là những yếu tố then chốt giúp thị trường Việt Nam có thể nâng tầm và gia nhập nhóm các thị trường mới nổi trong thời gian tới", ông Chu Ka Kit chia sẻ thêm.