Kinh doanh

Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng - bài cuối: Loay hoay tìm đất cho trường tư

Tóm tắt:
  • Giáo dục và y tế là hai lĩnh vực ưu đãi để thu hút đầu tư ngoài nhà nước tại Hà Nội.
  • Hà Nội có khoảng 2,3 triệu học sinh nhưng vẫn thiếu trường học, cần xây mới 30-40 trường mỗi năm.
  • Các trường tư gặp khó khăn trong việc tìm đất vì quy hoạch không hợp lý và giá đất tăng cao.
  • Cần chính sách hỗ trợ về quỹ đất và tài chính để phát triển trường tư thục, giảm tải cho trường công.
  • Mục tiêu đến 2025, Hà Nội đặt chỉ tiêu 21% trường tư và 14-16% học sinh theo học tại khối này.

Lo làm nhà, “quên” xây trường

Hiệu trưởng một trường THCS - THPT tư thục có tên tuổi tại Hà Nội chia sẻ sự trăn trở vì 3 năm nay vẫn loanh quanh với việc ôm tiền đi tìm đất mở trường. Những tưởng, có chuyên môn sâu về giáo dục, có kinh nghiệm điều hành trường học cộng với khát vọng mở rộng cơ sở giáo dục trong bối cảnh Hà Nội vẫn thừa học sinh - thiếu trường đơn vị sẽ có thuận lợi. “Nhưng 3 năm nay, chúng tôi vẫn miệt mài đi tìm đất. Có khi tìm được đất đủ rộng, giá cả hợp lý lại vướng quy hoạch không thể xây dựng. Nơi có quỹ đất nhưng giá cả thị trường tăng vọt, nhà đầu tư không đủ sức mua. Giải bài toán diện tích đất có hạn và quy định không được xây dựng cao tầng, đảm bảo diện tích sử dụng/học sinh thật sự rất khó ”, hiệu trưởng này nói.

Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng - bài cuối: Loay hoay tìm đất cho trường tư ảnh 1

Hà Nội có những ô đất quy hoạch xây trường học bị bỏ hoang, người dân sử dụng trồng rau. Ảnh: Trọng Tài.

Thực tế có những nơi chung cư cao tầng mọc lên dày đặc nhưng thiếu trường do chủ đầu tư không xây trường. Nếu quy hoạch tốt và có chính sách hợp lý để người làm giáo dục có thể “bắt tay” cùng các DN bất động sản xây dựng trường sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc.

Cũng theo vị hiệu trưởng này, ở một địa phương có tốc độ phát triển nhanh như Thủ đô Hà Nội, việc xây dựng trường tư thục vừa nhằm giảm áp lực cho trường công vừa đảm bảo nguồn tuyển dồi dào nên rất mong mỏi được làm trường. Trường mở ra hoạt động bài bản sẽ không lo thiếu học sinh. Thực tế, những năm qua, đã có những nhà giáo dục có tiềm lực đủ mạnh xây trường mới, mở thêm cơ sở giáo dục thành công, thu hút sự quan tâm của đông đảo phụ huynh, học sinh.

Bà Nguyễn Thị Minh Thuý, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Siêu, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, cái khó lớn nhất của các trường tư thục hiện nay là về quỹ đất, thiếu đất dự án dành cho giáo dục.

Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng - bài cuối: Loay hoay tìm đất cho trường tư ảnh 2

Sĩ số học sinh ở nhiều trường công lập vượt quá quy định.

Thực tế các nhà làm giáo dục muốn đầu tư để phát triển, xây dựng trường vấp phải khó khăn trong việc tìm đất dự án giao trực tiếp. Họ phải thông qua môi giới hoặc các công ty cổ phần khác để xin được chuyển nhượng dự án, dẫn đến giá thành đất dự án cao, vượt khả năng tài chính của các nhà giáo dục. “Tóm lại, nhà giáo muốn làm nhưng không có tiền. Còn những người có khả năng tài chính thì lại khó khăn trong quản lí điều hành chuyên môn. Giáo dục và y tế là hai ngành đặc thù đòi hỏi các nhà đầu tư phải có chuyên môn mới có thể vận hành được”, bà Thuý nói.

Lãnh đạo phòng GD&ĐT một quận tại Hà Nội cho biết, trước đây, có thời điểm, lớp mầm non công lập sĩ số hơn 40 trẻ/lớp, gần đây trường tư phát triển, áp lực sĩ số giảm đáng kể. Nhưng việc xây dựng và quản lí trường tư khó trăm bề. Một cơ sở giáo dục mầm non đào tạo theo chương trình nước ngoài chưa có cơ sở vật chất phải thuê mặt bằng có đủ phòng học, phòng chức năng đảm bảo hoạt động mỗi tháng lên tới 300 triệu đồng. Nếu không có chính sách thu hút, hỗ trợ, các trường sẽ khó khăn.

“Nếu có sự quyết tâm và thực hiện đầy đủ các chính sách đã ban hành sẽ tháo gỡ được cái vướng, cái khó cho các trường tư thục phát triển. Ví dụ như, thành phố Hà Nội đã từng có văn bản về việc dành quỹ đất sạch hoặc xây dựng trường cho các nhà đầu tư thuê mở trường... nhưng nhiều chục năm qua chưa triển khai”.

TS Hoàng Hữu Niềm

Gỡ vướng từ đâu?

Năm 2024, UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục, trong đó, đặt chỉ tiêu thúc đẩy cơ sở giáo dục tư thục đạt tỉ lệ 21% và đạt 14-16% số học sinh theo học ở khối này vào năm 2025. Tính theo từng bậc học, phấn đấu đến năm 2025, mầm non đạt tỉ lệ 30%; tiểu học 8%, THCS 7%. Cao nhất là bậc THPT đặt mục tiêu đạt 40% học sinh học trường tư thục.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2023-2024 có gần 2.900 trường học các cấp, số trường công lập là gần 2.300 trường (chiếm gần 79%), trường tư thục khoảng 600 trường (chiếm hơn 20%) với hơn 330.000 học sinh theo học. Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho rằng: “Phát triển trường tư thục ở các cấp học đã hỗ trợ giảm tải rất lớn cho trường công lập”.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội từng ví ngành GD&ĐT như một con chim, một cánh là khối các trường tư, một cánh là khối các trường công. Cần có sự phát triển hài hoà, đồng bộ của cả trường công lẫn trường tư. Hà Nội là địa phương có số lượng học sinh đông nhất cả nước, với khoảng 2,3 triệu học sinh, trung bình mỗi năm tăng lên 40.000 - 50.000 học sinh đặt ra bài toán phải xây mới, mở rộng thêm 30-40 trường học mới có thể đáp ứng. Những năm qua, các quận, huyện của Thủ đô đã rất quan tâm, đầu tư xây trường nhưng thực tế vẫn có những quận thiếu trường, lớp. Giải pháp mà lãnh đạo Hà Nội cũng như Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra đó là kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai, đề xuất các cơ quan, xí nghiệp, trường cao đẳng, đại học di dời ra khỏi nội đô dành lại quỹ đất đó xây trường học.

TS Hoàng Hữu Niềm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, các Nghị quyết của Trung ương Đảng đến các luật, nghị định và thông tư đã tạo cơ chế, chính sách đối với việc phát triển trường tư thục khá đầy đủ. Tuy trường tư vẫn gặp rất nhiều khó khăn.“Nơi có đất nhưng không phải đất quy hoạch làm giáo dục thì cũng không thể làm. Quy hoạch mạng lưới trường hàng chục năm mới phê duyệt lại hoặc điều chỉnh”, TS Niềm nói.

Nhiều nhà quản lí cơ sở giáo dục cho rằng, quá tải sĩ số học sinh đối với các trường công lập là bài toán nóng của giáo dục. Các cơ quan quản lí cần tạo cơ chế, chính sách, điều kiện để thúc đẩy phát triển khối tư thục, đảm bảo cơ sở vật chất để học sinh có sự lựa chọn môi trường học tập đa dạng.

Cần chính sách ưu đãi để các nhà giáo dục có thể thực hiện được các dự án giáo dục như: Giao đất trực tiếp, tạo điều kiện, cơ chế để hỗ trợ vay vốn ưu đãi xây trường cũng như các ưu đãi cụ thể, khả thi.

Hà Linh

Các tin khác

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Hôm nay và ngày mai (14-15/4), miền Bắc sẽ rét về đêm và sáng, trưa chiều nắng ấm. Từ 16/4, nền nhiệt tăng mạnh. Từ 18/4, miền Bắc bước vào đợt nắng nóng diện rộng, gay gắt đầu tiên của mùa hè năm nay. Tây Nguyên và Nam Bộ trong hai ngày 14-15/4 có mưa dông rải rác vào chiều tối.

Thông tin mới về gió mùa đông bắc

Sáng 13/4, không khí lạnh đã ảnh hưởng tới hầu hết Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một phần Trung Trung Bộ, vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dự báo hôm nay sẽ là ngày rét nhất trong đợt gió mùa đông bắc này. Mưa lớn giảm dần ở Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Chubb Life cập nhật giá đơn vị Quỹ Liên kết Đơn vị - Sản phẩm Kế hoạch Tài chính Chủ động

Sản phẩm Bảo hiểm Liên kết Đơn vị - Kế hoạch Tài chính Chủ động được thiết kế với các tính năng ưu việt nhằm đáp ứng đồng thời cả hai nhu cầu: Bảo vệ và Đầu tư. Với thông điệp “Đầu tư vững tâm – Bảo vệ vững vàng”, sản phẩm Kế hoạch Tài chính Chủ động góp phần hoàn thiện danh mục giải pháp tài chính toàn diện của Chubb Life Việt Nam trên hành trình thực hiện sứ mệnh bảo vệ người trụ cột và gia đình Việt.

Sa bàng quang 30 năm

Bà Xuân bị sa bàng quang gần 30 năm, đi tiểu không tự chủ, nay 84 tuổi được bác sĩ phẫu thuật treo sàn chậu.