Đặt mục tiêu khiêm tốn hơn
Thời điểm tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) đang đến gần và cũng là lúc các ngân hàng bắt đầu công bố tài liệu họp đại hội với những mục tiêu lợi nhuận và kế hoạch kinh doanh trong năm 2023.
Theo đó, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank – Mã: NAB) công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên với mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.400 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với năm trước.
Tăng trưởng tín dụng năm 2023 dự kiến đạt 10,4%, dư nợ cho vay đạt 132.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 3%.
Ngân hàng cũng đặt mục tiêu tổng tài sản vào cuối năm 2023 ước đạt 205.000 tỷ đồng, tăng 15,4% so với đầu năm. Huy động vốn cá nhân, tổ chức kinh tế và phát hành giấy tờ có giá đạt 155.000 tỷ đồng, tăng 12,8% so với đầu năm.
Còn tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB – Mã: VIB), ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 12.200 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2022. Tổng tài sản dự kiến tăng 25%, đạt 428.500 tỷ đồng.
Tổng dư nợ tín dụng dự kiến tăng 25% lên 292.500 tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ tín dụng có thể được điều chỉnh phụ thuộc vào tỷ lệ tăng trưởng NHNN cho phép. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu huy động vốn tăng 26,2%, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Bên cạnh đó, VIB cũng sẽ trình cổ đông phương án trích lập các quỹ, phân phối lợi nhuận năm 2022 và kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 15%.
Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – Mã: VCB), ban lãnh đạo đặt mục tiêu năm 2023 lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm trước, ước vượt 41.000 tỷ đồng. Tăng trưởng tổng tài sản đạt 9% so với năm 2022,
Tăng trưởng tín dụng dự kiến 12,8%, trong đó chưa loại trừ dư nợ 51.000 tỷ đồng dự kiến bán cho một TCTD yếu kém nhận chuyển giao bắt buộc trong năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 1,5%.
Ngoài các ngân hàng trên, trước đó Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – Mã: EIB) đã công bố kế hoạch kinh doanh 2023 để trình ĐHĐCĐ thông qua.
Theo đó, Eximbank đặt mục tiêu lãi trước thuế năm 2023 đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 34,8% so với lợi nhuận ngân hàng đạt được năm 2022 là 3.709 tỷ đồng.
Tổng tài sản năm 2023 ước đạt 210.000 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2022. Dư nợ cấp tín dụng dự kiến tăng 14%, đạt 146.600 tỷ đồng. Huy động vốn tăng 11,8% lên 165.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng kiểm soát dưới 1,6%.
Ngành ngân hàng gặp nhiều trở ngại hơn trong năm 2023
Năm 2023, giới phân tích cho rằng ngành ngân hàng sẽ gặp nhiều trở ngại hơn do áp lực hy sinh lợi nhuận (NIM thu hẹp), chính sách tiền tệ bị thắt chặt, tăng trưởng tín dụng chậm lại và đối mặt với những lo ngại về chất lượng tài sản.
Trong đó về lợi nhuận, các chuyên gia nhận định lợi nhuận của các ngân hàng sẽ khó duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như năm 2022. Tuy nhiên vẫn sẽ có những yếu tố hỗ trợ như việc nới room tín dụng, lãi suất hạ nhiệt, thu nhập từ phí và việc tăng vốn của các ngân hàng.
Cụ thể, theo Fiingroup, ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt với những thách thức liên quan đến chất lượng tài sản, lãi suất cao và nhu cầu bức thiết phải tăng bộ đệm vốn cho các ngân hàng.
Theo đó, chất lượng tài sản suy giảm tạo áp lực lên tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng do các yếu tố là tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng lên sau khi thông tư 14 về giãn nợ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 hết hiệu lực.
Rủi ro nợ xấu tiềm ẩn từ danh mục tín dụng bất động sản (BĐS), bao gồm cho vay chủ đầu tư BĐS, cho vay người mua nhà và nợ xấu chéo từ trái phiếu BĐS. Việc cho phép tái cơ cấu dư nợ trái phiếu BĐS hiện đang trao đổi tại dự thảo Nghị định 65 cũng là thách thức nếu không sớm được thực thi.
Do đó, các ngân hàng có tỷ lệ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp và cho vay lĩnh vực BĐS ở mức cao sẽ đối diện áp lực tăng trích lập dự phòng, làm xói mòn lợi nhuận.
Ngoài ra, môi trường lãi suất huy động tăng cao khiến chi phí vốn của ngân hàng bị đội lên, trong khi đó tỷ suất tài sản sinh lãi có thể tăng chậm hơn, cùng với việc cho vay có độ trễ tái định giá 3-6 tháng dẫn đến tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) có thể thu hẹp nhẹ trong một đến hai quý tới.
Tuy nhiên, ngành ngân hàng trong năm 2023 vãn sẽ có một số điểm sáng như tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao gấp đôi sau 10 năm và tăng trưởng thu nhập lãi được kỳ vọng cải thiện vào nửa cuối năm 2023. Bên cạnh đó, thu nhập từ phí và hoa hồng tiếp tục đóng góp tích cực cho lợi nhuận của ngân hàng, phần nào giảm sự phụ thuộc vào tín dụng cho ngân hàng.
Trước đó, NHNN đã có cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2023 và kết quả cho thấy các tổ chức tín dụng (TCTD) tỏ ra thận trọng hơn trong thời gian tới.
Khoảng 56,4 - 75,4% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I và cả năm 2023, nhưng mức độ kỳ vọng cải thiện thấp hơn so với năm 2022. Về lợi nhuận, 95,3% TCTD kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương trong năm 2023 so với năm 2022, 2,8% TCTD dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm và 1,9% dự kiến lợi nhuận không thay đổi.
Trong năm 2023, các TCTD kỳ vọng tất cả các nhân tố khách quan sẽ có tác động tích cực hơn so với năm 2022, trong đó “điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” được dự kiến là nhân tố tác động tích cực quan trọng nhất giúp cải thiện tình hình kinh doanh của TCTD.