Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2023 và hai tháng đầu năm 2023 từ Tổng cục Thống kê cho hay,tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong hai tháng đầu năm 2023 đạt 994,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,2% cùng kỳ năm 2022 giảm 1,1%).
Tổng cục Thống kê cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hai tháng đầu năm 2023 tăng 24,9% so với hai tháng đầu năm 2019. Song thực chất, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hai tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 77,7% quy mô nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch COVID-19.
Cụ thể, trong tháng 2, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 ước đạt 481,8 nghìn tỷ đồng, giảm 6% so với tháng trước và tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước
Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng của người dân trở lại trạng thái bình thường theo quy luật tiêu dùng sau Tết Nguyên đán.
Doanh thu lưu trú, lữ hành tăng mạnh nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa hai tháng đầu năm 2023 ước đạt 781,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,5%).
Trong đó, nhóm hàng may mặc tăng 18,4%; lương thực, thực phẩm tăng 12,5%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 3,4%; riêng nhóm vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 3,7%.
Một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa hai tháng đầu năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm trước như: Đà Nẵng tăng 12,6%; Quảng Ninh tăng 10,6%; Đồng Nai tăng 9,7%; TP HCM tăng 9,2%; Hà Nội tăng 9,0%; Hải Phòng tăng 8,9%; Cần Thơ tăng 2,7%; Bình Dương tăng 2,4%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống hai tháng đầu năm 2023 ước đạt 109,1 nghìn tỷ đồng, tăng 31,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tăng mạnh ở một số địa phương có thế mạnh về du lịch như: Đà Nẵng tăng 114,7% (năm 2022 giảm 29%); Khánh Hòa tăng 65,7%; Quảng Ninh tăng 47,7%; TP HCM tăng 45,1%; Đồng Nai tăng 25,4%; Hà Nội tăng 21,9%; Bình Dương tăng 6,2%.
Doanh thu du lịch lữ hành hai tháng đầu năm 2023 ước đạt 4,7 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước do năm nay nhiều tỉnh/thành phố tổ chức các hoạt động khai xuân thu hút khách du lịch trong khi cùng kỳ năm trước không tổ chức do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Doanh thu hai tháng đầu năm 2023 của một số địa phương so với cùng kỳ năm trước như sau: Hải Phòng gấp 17,5 lần; Tây Ninh gấp 15,9 lần; Đà Nẵng gấp 7,1 lần; Hà Nội gấp 3,1 lần; TP HCM tăng 84,4%; Lạng Sơn tăng 27,1%; Ninh Bình tăng 17,8%; Kon Tum tăng 6,2%; Bình Dương tăng 5,2%; Hà Giang tăng 2,9%; Lai Châu tăng 0,9%.Doanh thu dịch vụ khác hai tháng đầu năm 2023 ước đạt 98,6 nghìn tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành tăng khá mạnh, tuy nhiên, doanh thu từ khu vực này chỉ chiếm 11,4% tổng doanh thubán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong hai tháng đầu năm 2023.
Tổng cầu hiện vẫn khá yếu
Bình luận về tổng cầu tiêu dùng,PGS. TS. Phạm Thế Anh, Chuyên gia Kinh tế - Vĩ mô, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, sức cầu tiêu dùng hiện khá yếu.
Sức cầu yếu đến 5 nguyên nhân, trong đó, nổi trội là từ thu nhập sụt giảm khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại, chi tiêu giảm. Vì vậy, mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng lên song phần lớn trong số đó là yếu tố tăng giá do lạm phát.
Với mặt bằng lãi suất ở mức cao như hiện nay cũng làm cho chi phí cơ hội của việc tiêu dùng đắt đỏ hơn khiến người dân có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn. Điều này cũng ảnh hưởng đến sức cầu, người dân ít chi tiêu mua sắm khiến tổng cầu sụt giảm.
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, CPI tháng 2 tăng 4,31% so với cùng kỳ năm trước, trong khi CPI tháng 1 tăng 4,89%. PGS. TS. Phạm Thế Anh nhận định, tháng 1/2023 sẽ là đỉnh lạm phát, từ tháng 2 trở đi, lạm phát sẽ giảm dần và xuống mức 3-3,5% trong vòng 2-3 tháng tới.