CTCP Masan MEATLife (Mã: MML) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với doanh thu thuần đạt 1.291 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ năm ngoái do công ty không còn mảng thức ăn chăn nuôi và chỉ tập trung vào mảng thịt thương hiệu kể từ đầu năm nay.
Hụt thu mảng thức ăn chăn nuôi, trong khi các chi phí ăn mòn hết lợi nhuận gộp khiến Masan MEATLife lỗ ròng 94 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái có lãi 120 tỷ.
Trên cơ sở so sánh tương đương loại trừ mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi vào năm 2021, doanh thu quý III của công ty tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước và 27,9% so với quý II nhờ doanh thu từ mảng trang trại tăng 53,8%, mảng thịt có thương hiệu tăng 35,2%, mảng thịt gà tăng 15,8%.
Quý III/2022 là quý đầu tiên trong năm Masan MEATLife có lãi EBITDA nhờ biên lợi nhuận gộp của các mảng trang trại và mảng kinh doanh gà được cải thiện.
Biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận EBITDA của mảng trang trại heo trong quý III lần lượt đạt 33,9% và 41,2%, cải thiện đáng kể so với mức 23,8% và 35,6% trong quý II.
Biên lợi nhuận gộp và biên EBITDA của mảng thịt heo có thương hiệu trong kỳ ở mức âm 4,8% và âm 27,8%, lần lượt giảm so với mức 1,9% và âm 17,6% vào quý II, chủ yếu là do chiến lược giảm giá bán để thu hẹp khoảng cách giá so với chợ truyền thống. Kết quả, doanh số của thịt heo có thương hiệu của công ty vào quý III/2022 đã tăng 31,2% so với doanh số tại quý II. Giá thịt gà và doanh số thịt gà cao giúp mảng kinh doanh gà của công ty (3F Việt) có lãi EBITDA 22 tỷ đồng trong kỳ.
Luỹ kế 9 tháng, Masan MEATLife ghi nhận 3.232 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 79% so với cùng kỳ sau khi tách mảng thức ăn chăn nuôi hồi đầu năm. Lỗ sau thuế 9 tháng là 63 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái lãi 379 tỷ. Lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ âm 2,7 tỷ.
Năm 2022, Masan MEATLife lên kế hoạch doanh thu thuần đạt mức 5.000 – 6.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 500 – 670 tỷ đồng. Như vậy sau ba quý, so với mức mục tiêu tối thiểu, Masan MEATLife đã đạt 64,6% chỉ tiêu về doanh thu.
Về tình hình tài chính, tại ngày 30/9, quy mô tài sản của Masan MEATLife là 12.501 tỷ đồng, tăng 630 tỷ so với đầu năm. Sau chỉ tiêu tài sản cố định thì khoản phải thu ngắn hạn chiếm tỷ trọng cao thứ hai trong cơ cấu tài sản với 3.377 tỷ đồng cuối quý II, trong đó phải thu về cho vay từ các đơn vị liên quan 3.028 tỷ đồng.
Khoản tiền, tương tương tiền và đầu tư trái phiếu tính tới ngày 30/9 ghi nhận 590 tỷ. Thu nhập từ lãi tiền gửi, cho vay trong 9 tháng là 165 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả cuối kỳ là 6.805 tỷ trong đó nợ vay là 4.911 tỷ đồng. Trong đó vay dài hạn chiếm 3.105 tỷ. Dự nợ trái phiếu là 1.972 tỷ đồng, đáo hạn vào năm 2026 và chịu lãi suất 9,5% trong năm đầu và biên độ 3,9% cộng với bình quân lãi tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng được chọn trong các kỳ còn lại.
9 tháng đầu năm, doanh nghiệp vay thêm tổng cộng 2.723 tỷ đồng thời trả nợ gốc vay 2.835 tỷ. Tổng chi phí lãi vay ba quý là 286 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu cuối quý III là 5.696 tỷ với 129 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.