Để có xăng cho sản xuất cũng như đi lại, nhiều người dân miền Tây phải chạy hàng chục km, thậm chí mua xăng ở ngoài đến 28.000 đồng/lít bởi tại một số địa phương có gần 30% số cây xăng ngừng hoạt động với nhiều lý do như không lấy được hàng, thua lỗ...
Mua xăng ở ngoài 28.000 đồng/lít
Không chỉ loay hoay ứng phó với triều cường, nhiều ngày nay người dân các huyện Bình Tân, Tam Bình và Trà Ôn (Vĩnh Long)... còn phải chật vật tìm mua xăng dầu để bơm, tát thoát nước cho vườn cây ăn trái, ruộng khoai, rau màu bị ngập.
Trồng 7 công mít đang chờ thu hoạch, nhưng bị triều cường dâng cao làm ngập gần 50% diện tích vườn, ông Nguyễn Minh Phú (ngụ xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình) cho hay đang cần lượng lớn xăng dầu để bơm, tát tránh ngập úng vườn, nhưng nhiều cửa hàng xăng dầu ở xã đã đóng cửa.
"Giờ mua xăng dầu khó quá, chỗ bán chỗ nghỉ, nhưng chỗ bán cũng chỉ mua được số lượng hạn chế chứ không đủ theo nhu cầu. Hôm qua (26-10), triều cường lên nhanh nên tôi lấy xe chạy từ nhà ra tận quốc lộ, gần 15km mới mua được xăng để bơm. Nhưng cũng phải đi vài cửa hàng mới đủ bơm cho cả vườn. Đến khi mua đủ, nước ngập hết một phần", ông Phú nói.
Ông M., cán bộ huyện An Phú (An Giang), cho biết phải chạy từ xã Quốc Thái đến xã Nhơn Hội, huyện An Phú gần 8km nhưng hầu như các cây xăng đã đóng cửa, hết xăng. Người dân phải mua xăng ở xung quanh các cây xăng với giá cao nhưng số lượng rất ít.
"Sáng 27-10, tôi đến cơ quan làm việc nhưng tìm không thấy cây xăng nào còn bán mà toàn là đóng cửa, hết xăng. Điều lạ là tôi hỏi mua bên ngoài gần các cây xăng đó thì người dân có bán, với giá 28.000 đồng/lít. Tại sao lại có chuyện lạ như vậy?", ông M. bức xúc kể.
Chị Nguyễn Thị Thủy Tiên (TP Rạch Giá, Kiên Giang) cho biết khi đi công tác đến huyện Vĩnh Thuận xe đã bị hết xăng dọc đường nhưng không cây xăng nào bán. Chị phải dẫn bộ một đoạn rồi mua xăng ở ngoài với giá khá cao.
"Ở TP Rạch Giá, ít thấy cây xăng ngừng bán nhưng càng đi vào vùng sâu tôi thấy cây xăng đóng cửa nhiều", chị Tiên nói.
Ghi nhận của chúng tôi, những ngày này ở vùng miệt thứ An Biên, Vĩnh Thuận hay huyện Kiên Lương, thậm chí ở TP Rạch Giá, có nhiều cây xăng đã đóng cửa, nghỉ bán, có chỗ treo bảng "hết xăng còn dầu" hoặc có thể chủ cây xăng cho người dân đổ xăng không quá 50.000 đồng/lượt và đặc biệt các điểm bán xăng lẻ mọc lên nhiều ở Kiên Giang.
Tại TP Cần Thơ, riêng huyện Phong Điền có ba cây xăng đóng cửa với lý do hết xăng, quận Ninh Kiều cũng có tình trạng một số cây xăng đóng cửa ngưng hoạt động hoặc để bảng hết xăng.
Tại một cây xăng trên đường Nguyễn Văn Cừ (phường An Khánh, quận Ninh Kiều), khi được hỏi chừng nào có xăng bán trở lại, nhân viên trả lời cũng chưa biết khi nào mới có hàng để bán.
Một cửa hàng xăng dầu tại huyện Long Hồ, Vĩnh Long đóng cửa, nghỉ bán - Ảnh: CHÍ HẠNH
Khó khăn cho hoạt động sản xuất
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trung Hiếu, trưởng Phòng kinh tế và hạ tầng huyện Phong Điền, cho hay các cây xăng quy mô nhỏ không có xe bồn và cũng lấy từ nhiều nguồn nên rất lệ thuộc.
"Một vài ngày được thương nhân phân phối giao hàng, bán hết họ lại đóng cửa chờ có hàng lại bán tiếp, còn các cửa hàng lấy của những đầu mối lớn vẫn thiếu hàng cục bộ vì họ hụt nguồn cung", ông Hiếu nói.
Ông Hà Vũ Sơn, giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, thừa nhận nguồn cung xăng dầu trên địa bàn đang rất khó khăn. Chỉ các cửa hàng của Petrolimex, Petromekong, Nam Sông Hậu, Saigon Petro đảm bảo nguồn cung, lúc nào cũng có.
Các cây xăng thuộc hệ thống các doanh nghiệp này chiếm 60 - 70% nhưng vẫn phân bố không đều nên một số nơi ở nông thôn người dân gặp khó.
"Có ba cây xăng tại huyện Phong Điền không có nguồn để nhận do các cây xăng lấy từ nhiều nguồn khác nhau trong khi các doanh nghiệp đầu mối ưu tiên cho các cửa hàng trong hệ thống của họ. Sở Công Thương đã nhờ Công ty Nam Sông Hậu hỗ trợ", ông Sơn nói.
Đại diện Đội quản lý thị trường số 4 - phụ trách địa bàn huyện An Phú, An Giang thừa nhận khu vực xã Nhơn Hội và Quốc Thái đang có tình trạng xăng dầu thiếu cục bộ.
"Sau phản ảnh của bà con, chúng tôi cho lực lượng khảo sát thì có ít nhất bảy cây xăng đã hết xăng dầu tạm thời. Còn vì sao ở ngoài người dân có xăng bán, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi nhưng cơ bản là xăng dầu đang thiếu hụt cục bộ", vị này nói.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, nguồn cung xăng dầu trên địa bàn cũng không ổn định và nhiều cây xăng bán thua lỗ đã làm đơn xin nghỉ bán một thời gian. UBND tỉnh Kiên Giang cũng có công văn đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ và cung ứng khẩn 73.560m3 xăng dầu để phục vụ người dân.
"Sở đề nghị thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cố gắng tranh thủ nguồn cung, duy trì mở cửa hàng bán xăng dầu phục vụ cho người dân", vị này nói.
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Vĩnh Long cho biết địa phương này có 312 cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu nhưng đến nay đã có trên 40 cửa hàng ngưng hoạt động, trong đó có 27 cửa hàng nghỉ dài hạn. Riêng huyện Bình Tân, trong 29 cửa hàng bán lẻ xăng dầu có 4 cửa hàng hết xăng dầu, 9 cửa hàng hết xăng, 1 cửa hàng đang tạm đóng cửa.
Bà Nguyễn Thu Hạnh, chủ một cây xăng ở huyện Bình Tân, cho biết ngoài việc thua lỗ triền miên vì chiết khấu 0 đồng, việc khó nhập hàng cũng là một trong những lý do buộc cây xăng này phải xin nghỉ bán.
Phải sớm khắc phục chuyện thiếu xăng dầu
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 27-10, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần có giải pháp tháo gỡ những bất ổn trên thị trường xăng dầu, khắc phục tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ ảnh hưởng đến đời sống và kinh tế của người dân.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) chỉ ra những bất cập trong công tác điều hành giá xăng dầu, nguồn cung không ổn định khiến cho một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đời sống của người dân.
Do đó, theo bà Hương, Chính phủ cần tăng cường phân cấp phân quyền, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá cả hàng hóa, đặc biệt là giá xăng dầu.
Một trong những ngành kinh tế bị ảnh hưởng nhất bởi giá xăng dầu là thủy sản, vốn là ngành mà VN có thế mạnh, đóng góp quan trọng trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, song đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) cho hay giá xăng dầu, đặc biệt là giá dầu tăng cao đang ảnh hưởng rất lớn đến người dân, ngư dân.
"Ngư dân ra khơi bám biển vẫn hoạt động cầm chừng, hoặc nằm bờ do giá xăng dầu tăng, thu không đủ chi đầu vào. Cần có chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho ngư dân", bà Linh đề nghị.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cũng cho rằng những bất cập trên thị trường xăng dầu vừa qua, đặc biệt là tình hình thiếu hụt xăng dầu xảy ra ở phía Nam, cho thấy lúng túng trong xử lý tình huống của các bộ, ngành liên quan.
Đó là bất cập liên quan đến quy định tính đúng, đủ giá xăng dầu, việc điều tiết nguồn cung để xử lý kịp thời thiếu hụt, làm người dân, doanh nghiệp bức xúc.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), cần sớm khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương cần rút ra bài học kinh nghiệm để không tái diễn thời gian tới. Đặc biệt, cần xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu.
"Giá cả xăng dầu trong thời gian tới có thể diễn biến phức tạp, Quốc hội cần ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định các loại thuế, phí như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, để kiểm soát lạm phát nhanh nhạy nhất", ông Ngân đề nghị.
Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương cùng các bộ ngành liên quan nghiên cứu tính toán giá cơ sở phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích thương nhân đầu mối, phân phối, doanh nghiệp bán lẻ và người dân.
Trước mắt, các doanh nghiệp đầu mối, phân phối cần tăng sản lượng phân bổ cho thị trường, để đảm bảo nguồn cung những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, trong đó nhu cầu của Sóc Trăng là 75.000m 3 .