Masan từng ghi nhận nhiều khoản lãi đột biến vào năm 2021 khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh, người tiêu dùng tăng tích trữ hàng hóa, tăng mua hàng tại siêu thị và các cửa hàng thực phẩm. Tuy nhiên sang năm 2022 tình hình có nhiều khác biệt - Ảnh: B.MAI
Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất chưa kiểm toán quý 3-2022 với nhiều dữ liệu đáng chú ý.
Theo đó, trong quý 3 vừa qua doanh nghiệp ghi nhận tổng doanh thu thuần hơn 19.520 tỉ đồng và lãi ròng sau thuế hơn 840 tỉ đồng, tương đương giảm gần 17% và 47% so với cùng kỳ năm trước.
Tập đoàn này cho biết kết quả kinh doanh suy giảm do lợi nhuận sau thuế của công ty Masan MEATLife (kinh doanh thịt heo - gà) và Masan High-Tech Materials (cung cấp vật liệu Vonfram dùng trong ngành điện tử, hóa chất, ô tô...) bị giảm.
Ngoài ra tập đoàn còn bị ảnh hưởng từ khoản lỗ chưa được hiện thực hóa do biến động tỉ giá hối đoái tăng khi đánh giá lại khoản nợ bằng USD (khoảng 168 tỉ đồng), thu nhập từ Techcombank giảm (khoảng 101 tỉ đồng), không còn khoản thu nhập một lần như quý ba năm trước.
Tổng kết ba quý đầu năm nay, Masan mang về gần 55.550 tỉ đồng doanh thu thuần hợp nhất, giảm gần 16% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, sau khi trừ đi giá vốn và các chi phí, doanh nghiệp vẫn còn lại lãi ròng hơn 3.950 tỉ đồng, tăng hơn 32%. Lưu ý năm nay tập đoàn không còn hợp nhất kết quả từ mảng thức ăn chăn nuôi như năm ngoái.
Riêng về chuỗi trà và cà phê Phúc Long, chín tháng qua doanh nghiệp mang về 1.143 tỉ đồng doanh thu và 199 tỉ đồng lãi trước thuế. Nhằm tiết kiệm chi phí và tập trung vào các cửa hàng flagship, Phúc Long đã đóng cửa các ki ốt kém hiệu quả.
Dựa vào kết quả hoạt động vừa qua và đà tăng hiện tại, Masan dự kiến doanh thu cả năm 2022 đạt 75.000 - 80.000 tỉ đồng, đồng thời lãi ròng sau thuế từ 4.800 - 5.500 tỉ đồng - thấp hơn so với mục tiêu lãi từ 6.900 - 8.500 tỉ đồng đã đề ra vào đầu năm nay.
"Do điều kiện thị trường không thuận lợi và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, tuy nhiên, con số này vẫn thể hiện mức tăng trưởng vững chắc khi chuẩn hóa mức nền cao của năm 2021", phía Masan nói về việc hạ mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2022.
Tại ngày chốt báo cáo tài chính quý 3-2022, khối tài sản của tập đoàn này đạt hơn 128.430 tỉ đồng, tăng gần 2% so với hồi đầu năm. Tuy nhiên lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền lại bị giảm gần 66%, xuống còn hơn 7.720 tỉ đồng. Nguyên nhân được giải thích là do mua cổ phần Phúc Long và Nyobolt (công ty cung cấp giải pháp pin sạc nhanh).
Tính đến ngày cuối quý ba vừa qua, Masan đang gánh khoản nợ hơn 92.800 tỉ đồng, tăng gần 11% so với hồi đầu năm. Trong đó có gần 69% nợ phải trả ngắn hạn, 31% còn lại là vay và nợ phải trả dài hạn. Riêng phần vay, trái phiếu phát hành và nợ thuê tài chính chiếm tỉ trọng tới gần 66% (hơn 60.900 tỉ đồng) trong tổng cơ cấu.
Sau ba quý kinh doanh, vốn chủ sở hữu của tập đoàn bị giảm gần 16%, xuống còn hơn 35.600 tỉ đồng, ít hơn 2,6 lần tổng số nợ phải trả.
Đáng chú ý, Masan cho biết đã huy động thành công khoản vay hợp vốn lớn với tổng trị giá 600 triệu USD (gần 14.900 tỉ đồng, theo USD hiện hành) từ gần 40 tổ chức tài chính. Trong đó thỏa thuận 5 năm sẽ tái tài trợ cho một phần các khoản nợ tồn đọng với lãi suất cạnh tranh 6,5%, góp phần giảm áp lực tài chính hiệu quả.
Huy động 4.000 tỉ đồng để đảo nợ trái phiếu
Mới đây Masan cũng công bố kế hoạch phát hành trái phiếu ra công chúng để huy động 4.000 tỉ đồng. Các trái phiếu này không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không bảo đảm. Dự kiến sẽ có hai đợt phát hành vào quý 1 và quý 2-2023. Thời hạn tối đa của trái phiếu là 60 tháng kể từ ngày phát hành, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, lãi suất khoảng hơn 10%/năm.
Doanh nghiệp cũng cho biết số tiền huy động được sẽ dùng cơ cấu lại các khoản nợ, bao gồm thanh toán một phần hoặc toàn bộ khoản gốc đến hạn của hai lô trái phiếu đã phát hành vào năm 2020.