Sống xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha ông
Ông Lê Hữu Nghĩa, Chủ tịch Công ty TNHH Thương mại xây dựng Lê Thành, tự hào cho biết gia đình ông đã 4 đời gắn bó tại mảnh đất Sài Gòn - TP.HCM. Sinh ra vào tháng 11.1975, tức là chỉ sau hơn nửa năm đất nước thống nhất, giai đoạn cực kỳ khó khăn xây dựng và hồi sinh lại từ những hoang tàn bởi chiến tranh nên ông càng trân trọng hơn những gì đang có ngày hôm nay.
Ông nhớ lại: "Hồi đó, khó lắm nhưng ba má tôi vẫn cho chúng tôi đi học. Nên tôi càng trân trọng hơn những giá trị của hòa bình, độc lập mà các thế hệ đi trước đã phải đổ máu, hy sinh mới có được. Tôi luôn nung nấu ý nghĩ phải làm gì đó để vươn lên, xứng đáng với sự hy sinh của các bậc cha anh, cố gắng góp một phần công sức nhỏ bé vào sự phát triển chung của đất nước. Năm 26 tuổi tôi lập nghiệp, công ty nay cũng 24 tuổi và năm nay kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, gợi cho tôi rất nhiều suy nghĩ. Đất nước đổi thay, trong đó rõ rệt về hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông, năng lượng, ngay tại thành phố này".
Ông Nghĩa dẫn chứng, đường Kinh Dương Vương - tuyến đường huyết mạch nối TP.HCM với "lục tỉnh" ngày trước - sau hòa bình một thời gian dài vẫn xập xệ, những đường kết nối xung quanh khu vực còn đường đất đầy ổ voi, ổ gà. Đoạn Kinh Dương Vương (khu vực Q.6, Q.Bình Tân) chỉ có 2 làn xe nhỏ, khi TP bắt đầu phát triển mạnh các nhà máy sản xuất, kinh tế tư nhân ra đời, người lao động đổ về, các ngã tư thường xuyên gặp cảnh kẹt xe. Nay đường sá khu vực Q.6, Q.Bình Tân đã được mở rộng thênh thang.
"Đó chỉ là một dẫn chứng nhỏ mà tôi vẫn hằng ngày đi qua và chứng kiến. Biết bao công trình đã được xây dựng trong mấy thập niên qua, tiêu biểu như tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vừa được vận hành, đã khiến thành phố trở nên văn minh, hiện đại hẳn. Hệ thống viễn thông của VN ngày nay thuộc hàng nhanh, mạnh so với các nước trong khu vực. Hay từ chỗ cúp điện triền miên, nay TP có gần 20 khu công nghiệp, có metro… nhưng điện vẫn đủ chạy phà phà. Là công dân của TP.HCM, tôi cảm thấy thật tự hào và hạnh phúc khi được đồng hành cùng sự đổi thay từng ngày trên mảnh đất hào sản, yên bình này", ông Lê Hữu Nghĩa xúc động nói.

Thế hệ doanh nhân sinh năm 1975 không chỉ tạo ra giá trị kinh tế, mà còn góp phần thay đổi diện mạo của nền kinh tế VN
ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Thế hệ doanh nhân sinh năm 1975 không chỉ tạo ra giá trị kinh tế, mà còn góp phần thay đổi diện mạo của nền kinh tế VN
ẢNH: Đ.N.T

Thế hệ doanh nhân sinh năm 1975 không chỉ tạo ra giá trị kinh tế, mà còn góp phần thay đổi diện mạo của nền kinh tế VN
ẢNH: DẠ THẢO
Cũng là doanh nhân được sinh ra trong thời khắc thiêng liêng của dân tộc từ 50 năm trước, ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc Tập đoàn BKAV, chia sẻ bản thân ông có một khát khao đến cháy bỏng, một niềm tin mãnh liệt là người VN có thể làm chủ công nghệ và cạnh tranh sòng phẳng với thế giới. Mới đây, trong sự kiện Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động phong trào thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, ban tổ chức đã trình chiếu một đoạn phóng sự về ngày đất nước thống nhất.
"Xem những hình ảnh ấy, tôi đã rất xúc động, nước mắt cứ trào ra. Đó là những cảm xúc rất thật, với những người sinh năm 1975 như tôi, cảm xúc ấy lại càng đặc biệt sâu sắc", ông bộc bạch và nói: Ngay từ khi còn nhỏ, trong tâm trí đã luôn hiện hữu những câu chuyện về chiến tranh, về hành trình giành độc lập và xây dựng đất nước. Những câu chuyện ấy được truyền lại từ thầy cô, gia đình, hàng xóm - những người vừa trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt. Cứ như vậy, niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương thấm đẫm một cách rất tự nhiên. Và chính từ đó, tôi càng thấm thía rằng, mình phải mang trên vai trách nhiệm lớn lao hơn đối với bản thân, với quê hương, với đất nước mình.
Cũng sinh năm 1975, lập công ty năm 26 tuổi, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh, cho hay nửa thế kỷ không quá dài so với dòng chảy lịch sử, nhưng đủ để viết nên câu chuyện về sự hồi sinh, vươn lên mạnh mẽ từ những điều rất giản dị. Với ông, được sinh ra vào thời điểm lịch sử đất nước bước sang trang mới không chỉ là niềm tự hào, mà là nguồn cảm hứng lớn lao trong cuộc đời mình. Được chứng kiến không khí tái thiết đất nước không biết mệt mỏi của người thân, bà con lối xóm, đó là những tấm gương sống động, gieo trong lòng ông niềm tin mãnh liệt, nỗ lực hết mình, vượt gian khó và sáng tạo không ngưng nghỉ, không chịu bỏ cuộc trong hành trình kinh doanh sau này.
Tuổi thơ gắn bó với vùng quê nghèo, thuần nông đã tạo động lực để ông xây dựng giấc mơ cho nông sản Việt. Năm 26 tuổi (2001), ông Thông quyết định lập Công ty Phúc Sinh với giấc mơ lớn lao, rằng nông sản Việt không chỉ bán ra nước ngoài theo dạng thô, mà phải có chất lượng cao, gắn với thương hiệu Việt, văn hóa Việt để đưa ra nước ngoài.
Khát khao phát triển đất nước bằng trí tuệ, sự kiên cường
Một nét chung của những doanh nhân thành đạt có tuổi đời bằng tuổi thống nhất đất nước là khát vọng ghi danh, đưa thương hiệu VN đĩnh đạc ra quốc tế. Thế nên, khi bắt tay xây dựng Tập đoàn BKAV vào năm 2003, ông Nguyễn Tử Quảng đặt mục tiêu rất rõ ràng: Phải dùng khoa học công nghệ để xây dựng đất nước với niềm tin rằng người VN có thể làm chủ công nghệ và cạnh tranh sòng phẳng với thế giới bắt nguồn từ trải nghiệm thực tế và từ lịch sử dân tộc mình. BKAV chuyên hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng, phần mềm, chính phủ điện tử, sản xuất điện thoại thông minh, thiết bị điện tử thông minh. Năm 1995, lúc tròn 20 tuổi, lứa tuổi mà bạn bè đang lông bông kiếm việc sau tốt nghiệp ra trường, ông đã bắt tay phát triển phần mềm diệt virus nổi tiếng một thời. Sau đó, ông tiếp tục gây chú ý khi là thương hiệu Việt hiếm hoi vẫn theo đuổi giấc mơ làm smartphone "made in Vietnam" với sản phẩm Bphone.
Nhớ lại sự kiện phát triển thành công phần mềm diệt virus, ông Nguyễn Tử Quảng nói: "Tôi thấy những hãng lớn như Symantec, McAfee của Mỹ, hay Kaspersky của Nga - những cái tên rất nổi tiếng - cũng chỉ mới hình thành từ cuối thập niên 1980, đầu 1990. Chúng tôi, những sinh viên VN, phát triển phần mềm diệt virus song song với họ, nhiều khi còn xử lý được những loại virus phức tạp mà phần mềm nước ngoài không xử lý được. Nhìn lại lịch sử, dân tộc mình đã đánh bại những đế quốc hùng mạnh nhất thế giới bằng trí tuệ, bằng sự kiên cường. Vậy tại sao thời bình mình lại không thể phát triển bằng trí tuệ ấy?".
Tương tự, ông Lê Hữu Nghĩa kể, có một sự kiện khiến ông thay đổi hoàn toàn tư duy làm giàu và phụng sự. Đó là thời gian ông làm xây dựng đã gặp một người chuyên hành nghề mua lại nhà cũ, thuê công ty ông sửa chữa rồi bán lại kiếm lời. "Ví dụ họ mua nhà cũ giá 30 cây vàng, thuê mình sửa chữa tốn thêm 5 cây rồi bán giá 50 cây vàng. Mình đi chung, thấy từ xây dựng chuyển sang bất động sản là "ngon ăn". Tại thời điểm đó, đất ở Bình Chánh mênh mông, người dân đổ về mua đất làm nhà, xây xưởng rất nhiều. Nhiều nhà xưởng làm kem đánh răng, sản xuất đồ nhựa, nhà trọ cho thuê mọc lên. Trong khi công nhân về đông mà nhà ở trọ tạm bợ, ẩm thấp. Bối cảnh ấy khiến tôi nảy ra suy nghĩ, phải làm nhà cho người thu nhập thấp. Mình là kỹ sư xây dựng, đi làm nhà cho người có tiền, tại sao không làm nhà cho người thu nhập thấp để họ có cơ hội được ở trong môi trường tốt hơn, có thể an cư lạc nghiệp?", ông Nghĩa kể.

Mũi khoan đầu tiên cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn, món quà tri ân của Nutifood, doanh nghiệp thành lập trong thời bình dành cho TP.HCM, cho người tiêu dùng đã nuôi dưỡng và ủng hộ công ty trong suốt nhiều năm qua
Ảnh: B.N
Làm chủ doanh nghiệp, ông luôn xác định mục tiêu là phục vụ nhu cầu an sinh, hướng tới nhóm người có thu nhập thấp và trung bình. "Mục tiêu lớn nhất của tôi cho đến nay vẫn là làm nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập trung bình-thấp, để họ ổn định cuộc sống và gắn bó lâu dài với thành phố. Trong thời gian tới cũng vậy, triết lý kinh doanh của tôi luôn gắn với người thu nhập thấp. Hòa trong không khí hào hùng của đất nước, với trách nhiệm một doanh nhân trưởng thành sau thời bình, tôi mạo muội đề xuất là các quyết sách cải cách, giảm chi phí, thủ tục… cần phải được thực thi quyết liệt và liên tục. Trong kỷ nguyên vươn mình, chúng ta cần các công chức biết trăn trở với đất nước để làm tròn trách nhiệm trong cái tâm, kiến thức và sự hiểu biết của mình. Đổi lại, doanh nghiệp sẽ có cơ hội đẩy mạnh phát triển dự án, nỗ lực tạo công ăn việc làm, góp phần tăng sức mua nội địa. Đồng thời, không quên các hoạt động ủng hộ, đóng góp vào các chương trình lớn của địa phương…
Giá trị quan trọng nhất là lòng biết ơn
Phát biểu tại lễ khởi công cây cầu đi bộ trị giá ngàn tỉ đồng bắc qua sông Sài Gòn để tri ân người tiêu dùng, tri ân TP.HCM, lãnh đạo Công ty Nutifood chia sẻ: "Là doanh nghiệp thành lập sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, được nuôi dưỡng và lớn mạnh từ thành quả hòa bình của cha ông để lại, ở thời khắc này, chúng tôi thấy vinh dự và trách nhiệm được đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho kinh tế - xã hội của TP.HCM nói riêng và đất nước nói chung. Chúng tôi nhận thức rất rõ rằng, TP.HCM không chỉ là nơi chúng tôi hoạt động kinh doanh mà còn là nơi chúng tôi gắn bó, phát triển và cống hiến. Cây cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn khởi công hôm nay, cũng là ngày Nutifood tròn 25 tuổi mang tâm huyết và ý nghĩa như vậy".
Trả lời thắc mắc của nhiều người "vì sao lại là cây cầu đi bộ" mà không phải là cái gì liên quan đến mảng kinh doanh cốt lõi của công ty là dinh dưỡng, vị này giải thích, là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dinh dưỡng, luôn coi việc tìm ra các giải pháp nâng cao sức khỏe cộng đồng là sứ mệnh của mình. Vì thế, cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn với công ty không chỉ là một dự án hạ tầng giao thông mà còn là biểu tượng cho sự kết nối, sự phát triển bền vững và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. "Tôi tin rằng cây cầu đi bộ khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ khuyến khích lối sống năng động, lành mạnh, thân thiện với môi trường. Từ đó, góp phần xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh về thể chất, tinh thần, trí tuệ trong kỷ nguyên mới của đất nước".

Phối cảnh cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn
Với doanh nhân Phan Minh Thông, giá trị sống quan trọng nhất mà ông học được là sự kiên trì và lòng biết ơn. "Chúng tôi không chỉ xuất khẩu sản phẩm, mà còn mang theo hình ảnh và câu chuyện của đất nước - một VN giàu truyền thống, năng động và đang vươn mình mạnh mẽ. Mỗi sản phẩm đều chứa đựng niềm tự hào dân tộc, tinh thần đổi mới của thế hệ được sinh ra và trưởng thành trong giai đoạn đất nước chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường. Một thời kỳ khó khăn, nhưng cũng tràn đầy cơ hội. Cánh cửa đổi mới mở ra tinh thần khởi nghiệp, kinh tế tư nhân phát triển… tôi là một trong những người sớm tận dụng được cơ hội đó.
Tôi hiểu điều sâu sắc rằng, thế hệ doanh nhân sinh năm 1975 không chỉ tạo ra giá trị kinh tế, mà còn góp phần thay đổi diện mạo của nền kinh tế VN, phải đưa công nghệ mới vào sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị bền vững và tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Bằng cách này, họ không chỉ tăng năng suất và giá trị xuất khẩu, mà còn cải thiện đời sống của hàng triệu nông dân và lao động trong nước. Một thông điệp tôi muốn gửi đến thế hệ doanh nhân tương lai của VN là hãy tự hào về nguồn cội và truyền thống của dân tộc; phải dũng cảm thay đổi và sáng tạo để xây dựng một tương lai vững mạnh hơn để cái tên đầy thương yêu VN phát triển bền vững và vươn lên mạnh mẽ trên bản đồ thế giới".
Tôi hy vọng, những đóng góp nhỏ bé của mình và doanh nghiệp có thể truyền cảm hứng đến thế hệ trẻ. Từ đó, ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp mới ra đời, cùng chung tay xây dựng cộng đồng doanh nghiệp VN phát triển vững mạnh, hướng đến mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp trong tương lai gần.

ẢNH: NVCC
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại xây dựng Lê Thành
Tôi tự hào được sinh ra đúng mốc son chói lọi của đất nước, chứng kiến bao đổi thay của đất nước. Tôi suy nghĩ rất nhiều và nhận ra, điểm khác biệt lớn nhất giữa thời chiến và thời bình là kỷ luật. Trong cuộc chiến tranh của dân tộc ta, kỷ luật là yếu tố then chốt để cộng dồn sức mạnh. Chính vì vậy, ở BKAV, một trong những khẩu hiệu xuyên suốt là "làm theo điều lệ", coi trọng kỷ luật để biến sức mạnh cá nhân thành sức mạnh tập thể. Luôn có ý tưởng sáng tạo, tiên phong vì một VN hùng mạnh.

ẢNH: NVCC
Ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc Tập đoàn BKAV
Càng làm mới thấy, vấn đề không chỉ là xây dựng thành công một doanh nghiệp mà phải tạo sự đổi mới, thay đổi quan niệm của nhà sản xuất. Phải giúp nhà nông nhìn thấy làm sản phẩm chất lượng, sẽ có cuộc sống tốt hơn, sản phẩm chinh phục thị trường thế giới cũng tốt hơn, nhanh hơn.

ẢNH: NVCC
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh