Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: Hộp xốp đựng thực phẩm có an toàn không?; Mẹo uống nước nhiều hơn; Phải mất bao lâu để tập thể dục trở thành thói quen?...
10 dấu hiệu có thể là ung thư dễ nhầm lẫn với bệnh khác
Phát hiện sớm là một trong những điều quan trọng nhất giúp người bệnh sống sót qua ung thư. Khám sàng lọc có thể phát hiện ung thư trước khi triệu chứng xuất hiện. Ngoài ra, mọi người cũng cần chú ý những bất thường trong cơ thể.
Trên thực tế, nhiều người không có thói quen khám sàng lọc ung thư. Các chuyên gia cho biết nếu người bệnh không được chủ quan nếu nhận thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường, đặc biệt là khi chúng kéo dài. Những dấu hiệu này đôi khi rất nhỏ.

Khó thở có thể là dấu hiệu của ung thư và nhiều bệnh lý khác như viêm phổi, lao phổi, xơ phổi hay bệnh mạch vành
ẢNH: AI
Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cảnh báo 10 dấu hiệu dễ bị bỏ qua của ung thư. Những dấu hiệu này gồm:
- Xuất hiện cục u không rõ nguyên nhân dù ở bất kỳ vị trí nào.
- Nốt ruồi thay đổi màu sắc hoặc hình dạng, bắt đầu ngứa, đóng vảy, bong tróc hoặc chảy máu.
- Có máu trong phân.
- Có máu trong nước tiểu dù tình trạng này chỉ xuất hiện một lần rồi hết.
- Chảy máu bất ngờ hoặc không rõ nguyên nhân. Chẳng hạn, người bệnh ho ra máu, chảy máu sau khi quan hệ tình dục.
- Khó thở.
- Nhiễm trùng thường xuyên.
- Đổ mồ hôi đêm không rõ nguyên nhân.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Vết bầm tím bất ngờ hoặc không rõ nguyên nhân.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý là các triệu chứng như xuất hiện cục u, nốt ruồi bất thường, ợ nóng hay đau nhức ở vị trí nào đó trong cơ thể có thể là dấu hiệu của ung thư. Tuy nhiên, không phải cứ có những triệu chứng này là ung thư. Trên thực tế, hầu hết các trường hợp là những vấn đề sức khỏe lành tính. Nội dung tiếp theo của bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 4.5.
Mẹo uống nước nhiều hơn
Uống nước mỗi ngày là điều quan trọng để duy trì sức khỏe tốt, nhưng không phải ai cũng làm được điều này.
Nhiều người thường xuyên quên uống nước vì quá bận rộn, trong khi một số khác lại không thích uống nước do cảm thấy nhạt nhẽo. Tuy nhiên, thiếu nước có thể dẫn đến hàng loạt vấn đề như mệt mỏi, đau đầu, khô da và thậm chí ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan trong cơ thể.
Dưới đây là một số mẹo giúp bạn bổ sung đủ nước cho cơ thể.

Uống đủ nước giúp các cơ quan trong cơ thể hoạt động hiệu quả
Ảnh: AI
Luôn mang theo nước bên người. Khi có một chai nước trong tầm mắt, bạn sẽ uống nước thường xuyên hơn. Một mẹo nhỏ là sử dụng chai nước có vạch đo dung tích, giúp bạn theo dõi lượng nước đã uống trong ngày.
Nếu bạn thường xuyên di chuyển, hãy chọn một chai nước nhỏ gọn, dễ mang theo để luôn có nước bên mình. Ngoài ra, nếu bạn làm việc tại văn phòng hoặc ở nhà, hãy để một ly nước ngay trên bàn làm việc hoặc trong bếp.
Thêm hương vị cho nước. Nhiều người không thích uống nước vì cảm thấy nó quá nhạt nhẽo. Bạn có thể thêm một vài lát chanh, dưa chuột hoặc quả mọng vào ly nước của mình. Những loại trái cây này không chỉ giúp nước có mùi vị ngon hơn mà còn cung cấp thêm vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thêm thảo mộc như bạc hà hoặc húng quế để tăng cảm giác tươi mát khi uống nước. Cách này đặc biệt hữu ích nếu bạn muốn hạn chế các loại nước uống có đường nhưng vẫn muốn có một thức uống thú vị. Nội dung tiếp theo của bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 4.5.
Phải mất bao lâu để tập thể dục trở thành thói quen?
Nhiều người có mục tiêu đưa tập thể dục trở thành thói quen hằng ngày. Nếu thiết lập được thói quen này, họ không chỉ khỏe mạnh mà còn giảm cân. Nhưng trong nhiều trường hợp, thiết lập thói quen gặp nhiều khó khăn.
Nhiều người muốn tập thể dục đều đặn nhưng lại bỏ tập chỉ sau vài hôm. Biến tập thể dục trở thành thói quen sẽ giúp việc tập luyện trở nên tự nhiên hơn và không còn cảm giác như một việc phải làm.

Tập luyện đều đặn không chỉ giúp tăng cơ, giảm mỡ mà còn ngăn ngừa bệnh tật
ẢNH: AI
Trên thực tế, hình thành thói quen là một quá trình tâm lý phức tạp, phụ thuộc vào một số yếu tố như tính cách cá nhân, sở thích, hành vi, động lực và môi trường. Một số bằng chứng nghiên cứu trước đây cho thấy chỉ cần mất 21 ngày để biến một việc làm lặp đi lặp lại thành thói quen. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng thực tế có thể phức tạp hơn.
Một nghiên cứu của Đại học College London (Anh) phát hiện trung bình mất khoảng 66 ngày để một hành vi mới trở thành tự động. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện một số người tham gia nghiên cứu chỉ mất 18 ngày để hình thành thói quen, trong khi những người khác mất tới 254 ngày.
Ngoài ra, thời gian cần để thiết lập thói quen còn tùy thuộc vào độ phức tạp của hành vi và điều kiện cá nhân. Tập thể dục vốn đòi hỏi sự nỗ lực và lập kế hoạch. Do đó, thói quen này thường rơi vào khoảng thời gian dài hơn con số tối thiểu 18 ngày. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!