Bất động sản

Lộ diện 5 doanh nghiệp vừa trúng thầu dự án 20.000 tỷ đồng ở Thái Bình, sẽ thi công ngay năm nay

Tóm tắt:
  • Liên danh gồm 5 doanh nghiệp vừa trúng thầu dự án cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng trị giá gần 20.000 tỷ đồng.
  • Tập đoàn Geleximco đứng đầu liên danh này và là chủ đầu tư nhiều dự án lớn tại Việt Nam.
  • Dự án cao tốc dài khoảng 60,9 km, thi công bắt đầu trong năm nay và hoàn thành vào năm 2028.
  • Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng giúp kết nối các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.
  • Tuyến cao tốc có ý nghĩa quan trọng trong đảm bảo an toàn giao thông, giảm chi phí logistics và phát triển kinh tế.
Lộ diện 5 doanh nghiệp vừa trúng thầu dự án 20.000 tỷ đồng ở Thái Bình, sẽ thi công ngay năm nay - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Mới đây, UBND tỉnh Thái Bình có Quyết định số 766/QĐ – UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng , đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Theo đó, nhà đầu tư trúng thầu dự án này là Liên danh Tập đoàn Geleximco - Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - CTCP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành - CTCP Thương mại và Xây dựng Nam Sơn - CTCP Đầu tư và Xây dựng hạ tầng Hoàng Cầu.

Gói trúng thầu dự án cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng trị giá 19.984,54 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm vốn nhà nước hỗ trợ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 3.137 tỷ đồng, vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng là 6.199,99 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư , doanh nghiệp dự án chịu trách nhiệm thu xếp là 10.447,55 tỷ đồng.

Lộ diện 5 doanh nghiệp vừa trúng thầu dự án 20.000 tỷ đồng ở Thái Bình, sẽ thi công ngay năm nay - Ảnh 2.

Liên danh Tập đoàn Geleximco vừa trúng thầu dự án cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng.

Đứng đầu liên danh trúng gói thầu này là Tập đoàn Geleximco, tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội, ra đời vào năm 1993. Sau hơn 30 năm, doanh nghiệp của ông Vũ Văn Tiền trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành, khi đầu tư nhiều lĩnh vực từ bất động sản, công nghiệp, năng lượng, thương mại - dịch vụ cho tới tài chính. Tập đoàn Geleximco hiện là chủ đầu tư của nhiều khu đô thị lớn, dự án chung cư, sân golf, nhà máy nhiệt điện, xi măng và giấy.

Tháng 4/2024, Geleximco tham gia vào ngành ô tô thông qua việc thành lập liên doanh với Tập đoàn Chery (Trung Quốc) để sản xuất và phân phối hai dòng xe Omoda & Jaecoo tại Việt Nam.

Ngày 25/2/2025, Tập đoàn Geleximco hợp tác cùng Công ty Đầu tư công nghiệp Nguyên Tín và Công ty Công nghệ Bách Tấn (Trung Quốc) để xây nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô 400 triệu USD, tương đương hơn 10.000 tỷ đồng tại tỉnh Thái Bình. Dự án này được triển khai trên diện tích hơn 200 ha, khởi công năm 2026 và sản xuất vào tháng 10/2027, thu hút từ 2.000 - 3.000 lao động. Mục tiêu của dự án là thành lập liên doanh cung cấp phụ tùng cho các nhà máy sản xuất ô tô tại Việt Nam.

Dự án cao tốc gần 20.000 tỷ đồng sẽ được xây dựng ngay năm nay

Sau khi hoàn thành, dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng có thời gian thu phí, hoàn vốn của dự án là tối đa 25 năm 4 tháng. Thời gian thi công xây dựng dự án là từ năm 2025, cơ bản hoàn thành năm 2027 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2028.

Lộ diện 5 doanh nghiệp vừa trúng thầu dự án 20.000 tỷ đồng ở Thái Bình, sẽ thi công ngay năm nay - Ảnh 3.

Dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng sẽ được thi công ngay trong năm nay. Ảnh minh họa

Dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình có điểm đầu (Km 19+300) tại đầu cầu vượt sông Đáy phía Nam Định, thuộc địa bàn xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Điểm cuối (Km80+200) của dự án tại nút giao giữa Quốc lộ 37 mới và đường ven biển, thuộc địa bàn xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Tổng chiều dài tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng là khoảng 60,9 km (bao gồm đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định dài 27,6 km, đoạn qua địa bàn tỉnh Thái Bình dài 33,3 km) sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường bộ cao tốc, với 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 24,5 m, vận tốc thiết kế là 120 km/h.

Theo kế hoạch, dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng sẽ xây dựng 23 cầu trên chính tuyến. Trong đó, cầu dài nhất là cầu vượt sông Hồng nối Thái Bình và Nam Định dài 1.115 m, 4 cầu vượt ngang, 4 nút giao và có hệ thống quản lý giao thông thông minh.

Tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng được đánh giá có ý nghĩa hết sức quan trọng, khi giúp kết nối các tỉnh khu vực Nam sông Hồng, khu vực Bắc miền Trung với cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, đồng thời kết nối các tỉnh duyên hải vùng đồng bằng sông Hồng.

Đồng thời, tuyến cao tốc này sẽ mở ra không gian phát triển mới cho vùng phía Nam đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, từ đó góp phần đảm bảo an toàn giao thông và giảm chi phí logistics.

Theo quy hoạch, sau khi tuyến Ninh Bình - Hải Phòng hình thành sẽ kết nối với các tuyến cao tốc như cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Quốc lộ 10, Quốc lộ 1, Quốc lộ 21, Quốc lộ 37 mới; đồng thời còn có các trục phát triển kinh tế như đường trục phát triển kinh tế tỉnh Nam Định, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần, tuyến đường Thái Bình - Cồn Vành. Ngoài ra, tuyến cao tốc này còn giúp kết nối với cảng hàng không quốc tế Cát Bi, sân bay quốc tế Vân Đồn, các cảng biển và cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

Các tin khác

"Cơn gió lạ" Hà Nam giữa sóng sốt đất sáp nhập

Khác với những cơn sốt đất theo tin sáp nhập ở Hưng Yên, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ... Hà Nam dù không phải nơi dự kiến đặt trung tâm hành chính của tỉnh mới sau sáp nhập, song giá đất nhiều khu vực vẫn ghi nhận tăng nóng.

Hải Phòng hợp tác mở đường cho đầu tư chiến lược

Hải Phòng đã và đang mở rộng hợp tác, hữu nghị với các tỉnh, địa phương của Trung Quốc, tạo động lực thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển. Sự kết nối này không chỉ mở rộng thị trường, tận dụng nguồn lực quốc tế mà còn đưa Hải Phòng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.