Doanh nghiệp

"Doanh nghiệp sẽ đi xa hơn khi theo ​kinh tế tuần hoàn"

Thông tin được chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm "Những giải pháp tiếp theo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức mới đây. Tại sự kiện, các chuyên gia đầu ngành đã giới thiệu dự thảo "Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn", bàn thảo và đề xuất gợi mở nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Theo Giáo sư Nguyễn Mại, mô hình kinh tế truyền thống đã và đang gây áp lực về suy giảm tài nguyên. So với 50 năm trước, tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên của thế giới đã tăng 190%. Nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên cho hoạt động kinh tế hiện nay ước tính gấp 1,7 lần khả năng đáp ứng của trái đất. Do đó, nếu không thay đổi phương thức sản xuất thì không thể tránh khỏi hậu quả cạn kiệt tài nguyên.

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) ước tính, đến năm 2030 nếu tiếp tục phát triển theo mô hình kinh tế tuyến tính (truyền thống) thì nhu cầu sử dụng tài nguyên của thế giới sẽ tăng gấp ba lần so với hiện nay, vượt quá khả năng cung ứng của trái đất, lượng chất thải sẽ vượt giới hạn sức chịu đựng của môi trường. Trong khi đó, kinh tế tuần hoàn thể hiện trong tái sử dụng, chia sẻ, sửa chữa, tân trang, tái chế, tái sản xuất... tạo lập các vòng lặp khép kín, nhằm giảm thiểu nguyên liệu đầu vào, lượng phế thải, khí thải.

Bối cảnh này khiến nhiều nước trên thế giới đang dịch chuyển sang phương thức sản xuất phục hồi và tái tạo, hạn chế chất thải ra môi trường, giảm dần lượng tài nguyên phải khai thác.

Việt Nam không nằm ngoài xu thế với sự tăng lên của dân số, lĩnh vực công nghệ, công nghiệp phát triển, trong khi mức độ tiêu thụ vẫn chưa bền vững (chưa đáp ứng được các nhu cầu bản và mang lại chất lượng sống tốt hơn mà không ảnh hưởng đến nhu cầu của thế hệ tương lai), Việt Nam cũng đối mặt với các vấn đề như: rác thải điện tử, rác xây dựng, rác thải nhựa...

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Tạp chí Nhà đầu tư

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Tạp chí Nhà đầu tư

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, kinh tế xanh là xu hướng, vì vậy dù muốn hay không các doanh nghiệp cũng phải chuyển đổi. Tầm nhìn trung hạn và dài hạn, chỉ những doanh nghiệp nào thực hiện trách nhiệm xã hội và chuyển đổi xanh mới phát triển bền vững. Ông dẫn từ một báo cáo của VCCI cho thấy những doanh nghiệp có tinh thần chuyển đổi xanh đều có sức chống chịu tốt hơn trong Covid-19.

Ông David Riddle, Quyền Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát tham gia sự kiện với vai trò đại diện một doanh nghiệp có kinh nghiệm trong phát triển bền vững tại Việt Nam nhiều năm qua. Ông bắt đầu câu chuyện không phải từ Tân Hiệp Phát - mà từ các các thương hiệu lớn trên thế giới. Estee Lauder - một công ty gia đình thành lập ở Mỹ vào năm 1946, hiện sở hữu những thương hiệu toàn cầu như Clinique. Từng có thời gian làm việc với bà Carol Phillips - người sáng lập ra Cinique, ông David Riddle cho biết, ngay từ những năm 1970, bà Carol đã tạo ra một thương hiệu thành công nhưng tối giản, bằng cách loại bỏ các vật liệu bao bì không cần thiết.

Ông David Riddle, Quyền Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Tạp chí Nhà đầu tư

Ông David Riddle, Quyền Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Tạp chí Nhà đầu tư

Hay như Boots, một chuỗi nhà thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe ở Anh. Họ triển khai chương trình dành cho người tiêu dùng "Boots Advantage card" - tặng điểm đổi lấy sản phẩm. Năm 2020, Boots bắt đầu hợp tác với MYGroup để khuyến khích khách hàng ký gửi các sản phẩm đã sử dụng không dễ dàng tái chế tại các cửa hàng của họ. Chương trình đã giúp tiết kiệm hơn một triệu hạng mục không phải đưa tới bãi chôn lấp, tương đương 19 tấn bao bì sản phẩm.

Ông David Riddle cho rằng, các giải pháp này hiệu quả với những công ty tiêu dùng đại chúng, nơi khách hàng thường xuyên mua sắm. "Tại Việt Nam, mô hình này có thể được áp dụng cho các chuỗi hiệu thuốc, cửa hàng tiện lợi và siêu thị", ông nói.

Từ 2013, Tân Hiệp Phát đã triển khai mô hình 3R về giảm thiểu chất thải (Reducing waste), tái sử dụng (Reusing), tái chế (Recycling) và xem đây một phần trong chiến lược phát triển bền vững. Doanh nghiệp đã triển khai dự án làm nhẹ chai trong đó trọng lượng của mỗi chai giảm xuống gần 20%. Nhờ đầu tư vào công nghệ aseptic của Đức, công ty cũng có thể giảm hao hụt trong quá trình sản xuất, giảm lượng tiêu thụ điện và nước.

Sau 5 năm, doanh nghiệp đã giảm trọng lượng chai hơn nữa cùng với đó là lượng rác thải nhựa giảm 34.000 tấn. Dự kiến, đến 2023, tập đoàn sẽ giảm 44.000 tấn rác thải nhựa. Tổng cộng, doanh nghiệp loại bỏ 78.000 tấn rác thải nhựa sau 9 năm.

Tân Hiệp Phát đầu tư lắp đặt dây chuyền tái chế nhựa từ năm 2021. Ảnh: Tân Hiệp Phát

Tân Hiệp Phát đầu tư lắp đặt dây chuyền tái chế nhựa từ năm 2021. Ảnh: Tân Hiệp Phát

Trong nhiều giải pháp giảm phát thải nhựa, Tân Hiệp Phát ưu tiên tái chế và tái sử dụng màng co nhựa và túi nhựa do Tập đoàn sản xuất làm túi đa năng để đựng phôi, nắp và làm túi đựng rác. Tân Hiệp Phát cũng đã ngừng sử dụng hộp các tông và thay thế bằng màng co làm từ nhựa do chính Tập đoàn tái chế.

Từ năm 2021, Tập đoàn đã lắp đặt và đưa vào vận hành một số dây chuyền tái chế nhựa. Dây chuyền tái chế này sản xuất ra pallet nhựa và hạt nhựa HDPE tái chế từ phế liệu nhựa để sử dụng trong chính các nhà máy của THP, đồng thời trong tương lai có thể cung ứng cho những đơn vị muốn thay thế nguyên liệu đầu vào sản xuất của họ bằng nguyên liệu tái chế.

Công ty Cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang chuyên sản xuất gạch Tuynel công nghệ cao, thân thiện với môi trường cũng theo đuổi mô hình kinh tế xanh từ những ngày đầu thành lập. Theo ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty, trước đây, sản xuất gạch nung sử dụng nguồn nguyên liệu là đất sét, đất ruộng nạc, đốt từ than tự nhiên. Hệ quả là người nông dân mất đất ruộng, ô nhiễm môi trường khi đốt than tự nhiên.

Để thay thế, nhà máy đã tìm đến nguồn đất đồi và các loại phế liệu khác như đất bóc thải của các mỏ khai thác khoáng sản và các chất thải rắn như gạch vỡ, bê tông phá dỡ nhà và các loại sỉ thải sau đốt lò, cùng với đó là các nguyên liệu thay thế đất sét cho sản xuất gạch tuynel chất lượng cao với công nghệ sản xuất tuần hoàn. Nhờ sử dụng nguyên liệu tái chế, nên thành phẩm có giá thành cạnh tranh, lại đáp ứng mọi tiêu chuẩn về chất lượng.

Thấy rõ lợi ích việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, song chuyên gia đánh giá, mức độ tham gia doanh nghiệp chưa đồng đều, bởi không ít thách thức. Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, hầu hết doanh nghiệp hiện nay chưa thực sự nắm bắt và đủ năng lực chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn. Các chính sách, thể chế phát triển kinh tế tuần hoàn chưa hoàn thiện, thiếu văn bản hướng dẫn cho từng loại hình doanh nghiệp. Bên cạnh đó là những khó khăn về nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao...

Theo Giáo sư Nguyễn Mại, bản thân nhiều doanh nghiệp chưa coi kinh tế tuần hoàn là lẽ sống, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. "Điều này rất quan trọng, vì doanh nghiệp có thể khó khăn, nhưng nếu không có nhận thức rõ thì không thể thay đổi được, thậm chí phá sản", ông nói. Vì vậy chừng nào cả hệ thống từ chủ doanh nghiệp đến người lao động đều nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn thì mới có những bước hành động hiệu quả tiếp theo.

Công nghệ vô trùng Aseptic mang lại chất lượng sản phẩm và lợi ích dinh dưỡng cao cho người tiêu dùng, đồng thời giúp THP giảm thiểu lượng nhựa được sử dụng trong sản xuất bằng cách giảm trọng lượng của chai nhựa. Ảnh: Tân Hiệp Phát

Công nghệ vô trùng Aseptic mang lại chất lượng sản phẩm và lợi ích dinh dưỡng cao cho người tiêu dùng, đồng thời giúp THP giảm thiểu lượng nhựa được sử dụng trong sản xuất bằng cách giảm trọng lượng của chai nhựa. Ảnh: Tân Hiệp Phát

Lãnh đạo Tân Hiệp Phát chia sẻ thêm, nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh vẫn lấy mục tiêu ngắn hạn làm lợi nhuận, chưa tính đến lợi ích lâu dài, bền vững trong bối cảnh ngày càng mở rộng hội nhập kinh tế toàn cầu.

Để thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, ông David Riddle cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp Việt cần tiến hành các nghiên cứu để xem xét nền kinh tế tuần hoàn đã hoạt động như thế nào trên thị trường quốc tế và rút ra bài học cho doanh nghiệp mình. Bên cạnh đó Việt Nam cần khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quản lý sản phẩm, kiểm định và đánh giá kỹ yêu cầu về chất lượng và số lượng nguyên vật liệu đầu vào. có chính sách ưu đãi với doanh nghiệp xử lý, sử dụng tro, xỉ...

Mặc dù còn đối diện nhiều thách thức, Tập đoàn Tân Hiệp Phát khẳng định tiếp tục mở rộng kinh tế tuần hoàn, sẵn sàng chung tay cùng các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp để thúc đẩy tiến trình này tại Việt Nam.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm