Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã có thông tư cấm nhập điện thoại 2G vào Việt Nam. Tuy nhiên thời gian qua, máy vẫn tiếp tục được đưa vào thị trường theo đường tiểu ngạch.
Trả lời VnExpress chiều 31/7, Cục Viễn thông cho biết sẽ ban hành công văn yêu cầu nhà mạng phát hiện và chặn hoạt động của điện thoại 2G. Việc này sẽ áp dụng cho thuê bao sử dụng thiết bị 2G mới trong thời gian tới, chưa ảnh hưởng đến thuê bao đang hoạt động. Theo thống kê của Cục, Việt Nam hiện có hơn 120 triệu thuê bao di động, trong đó còn 22 triệu vẫn sử dụng thiết bị đầu cuối chỉ có kết nối 2G.
Theo đại diện một nhà mạng, việc phát hiện và chặn thiết bị mới hòa mạng dùng 2G "có thể thực hiện được về mặt kỹ thuật". Tuy nhiên, nhà mạng cũng đánh giá việc cần làm song song là phổ cập điện thoại 4G, gồm cả điện thoại "cục gạch" giá rẻ, bởi nhiều người chọn máy 2G là người già hoặc do chưa thể tiếp cận với những mẫu máy mới.
Việt Nam dự kiến tắt sóng 2G vào tháng 9/2024. Đến thời hạn này, những thiết bị chỉ hoạt động trên mạng 2G sẽ không thể sử dụng. Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu giảm số thuê bao 2G xuống còn dưới 5% vào cuối 2023.
Trước đó, từ tháng 7/2021, Việt Nam cấm nhập khẩu điện thoại chỉ sử dụng 2G và 3G. Theo thông tư 43 của Bộ Thông tin và Truyền thông về quy chuẩn kỹ thuật thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất, tất cả điện thoại di động được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu vào Việt Nam phải tích hợp công nghệ E-UTRA (4G).
Các doanh nghiệp viễn thông cũng đã dần tắt sóng 2G. VNPT cho biết từ 2021, nhà mạng đã thực hiện tắt gần 2.000 trạm 2G có số thuê bao và lưu lượng thấp. Việc này "nhằm tối ưu hóa công tác vận hành, khai thác mạng lưới và chuẩn bị cho lộ trình dừng công nghệ 2G". Viettel cũng đang chuyển dịch thuê bao 2G, 3G lên 4G. Nhà mạng đặt mục tiêu trong 2023 tiếp tục mở rộng vùng phủ 4G tương đương với 2G, phủ được 99% dân số để sẵn sàng cho việc tắt 2G.