Khởi nghiệp

Quỹ đầu tư từng rót vốn vào Selex Motors, Medigo,... lên kế hoạch ra mắt quỹ thứ hai tại Việt Nam

Theo Asia Nikkei dẫn nguồn từ DealStreetAsia, quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) Touchstone Partners đang tìm cách gây quỹ thứ hai để tiếp tục đặt cược vào hệ sinh thái công nghệ đang phát triển tại Việt Nam, theo hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC).

“Touchstone Partners đã có các cuộc thảo luận sơ bộ với nhiều nhà đầu tư tiềm năng, những người thích những gì chúng tôi đã và đang làm, cũng như cách tiếp cận của chúng tôi”, bà Tú Ngô, nhà đồng sáng lập và đối tác chung của quỹ đầu tư mạo hiểm Touchstone Partners chia sẻ với DealStreetAsia.

Trước đó, quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên của Touchstone Partners đã được đóng ở quy mô 50 triệu USD. Các nhà đầu tư góp vốn cho quỹ đầu tiên của Touchstone bao gồm Pavilion Captital, Vulcan Capital và một số đơn vị khác.

Trong khi đó, hồ sơ được phía Touchstone Partners gửi lên SEC không cho thấy thông tin chi tiết về mục tiêu quy mô của quỹ thứ hai mà đơn vị này dự kiến thiết lập trong thời gian tới.

Touchstone Partners lên kế hoạch ra mắt quỹ thứ hai tại Việt Nam. (Ảnh: Touchstone Partners).

Touchstone Partners được đồng sáng lập bởi ông Trần Nhật Khanh và bà Ngô Thùy Ngọc Tú. Trong đó, ông Trần Nhật Khanh là cựu đối tác sáng lập và cựu giám đốc quỹ đầu tư VinaCapital Ventures, trong khi bà Ngô Thùy Ngọc Tú là nhà đồng sáng lập chuỗi trung tâm dạy tiếng Anh Yola Education, đơn vị từng nhận khoản đầu tư gần 15 triệu USD từ Kaizen PE (Mỹ) và Mekong Capital.

Quỹ đầu tư mạo hiểm Touchstone Partners, chủ yếu nhắm đến các giao dịch đầu tư có giá trị từ 500.000 USD đến 2 triệu USD, cho đến nay đã đầu tư vào tổng cộng 23 startup, trải dài trên nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như fintech (Credify), chăm sóc sức khỏe (Medigo), edtech (Prep) hau blockchain (ReneVerse).

Danh mục đầu tư vào lĩnh vực công nghệ của Touchstone Partners bao gồm các startup trong lĩnh vực sản xuất tiên tiến (Eureka Robotics), xe tự lái (Alpha Asimove), công nghệ nông nghiệp (Forte Biotech) và cơ sở hạ tầng xe điện (Selex).

Vào tháng 4, Selex Motors, một công ty khởi nghiệp về xe điện có trụ sở tại Hà Nội, đã huy động được 3 triệu USD trong một vòng đầu tư trái phiếu chuyển đổi từ nhà đầu tư hiện tại là công ty liên doanh của Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB Ventures và Touchstone Partners.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với DealStreetAsia, bà Ngô Thùy Ngọc Tú đã nói rằng Touchstone Partners đang tìm cách đầu tư vào nhiều công ty khởi nghiệp phần cứng và công nghệ lõi, vì họ nhận thấy tiềm năng to lớn của các lĩnh vực này tại thị trường Việt Nam.

Bà nói: “Mặc dù Touchstone Partners tập trung vào các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn đầu và không quá chú trọng vào lĩnh vực cụ thể nào, nhưng chúng tôi sẽ tích cực hơn trong việc tìm kiếm các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực phần cứng, công nghệ lõi và các startup có hoạt động kinh doanh giúp bảo vệ môi trường”.

Bối cảnh của thị trường công nghệ tại Việt Nam trong thời gian tới được dự đoán sẽ đối mặt với nhiều rủi ro hơn. Năm ngoái, DealStreetAsia đã báo cáo rằng công ty đầu tư mạo hiểm Nextrans của Hàn Quốc đang lên kế hoạch thành lập một quỹ mới có quy mô khoảng 50 triệu USD tập trung vào thị trường Việt Nam khi họ đẩy mạnh sự quan tâm tới hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ của đất nước.

Trong khi đó, công ty đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu Ansible Ventures có trụ sở tại TP HCM cũng đã huy động được 8 triệu USD cho quỹ đầu tiên của mình. Ansible Ventures được thành lập vào tháng 6/2022 bởi Valerie Van Vu, người trước đây là giám đốc đầu tư tại Việt Nam của Ventura, hợp tác với Alto Partners, văn phòng đa gia đình ở Châu Á.

VinaCapital Ventures, chi nhánh đầu tư mạo hiểm của công ty quản lý tài sản có trụ sở tại Việt Nam VinaCapital, cũng có kế hoạch ra mắt quỹ đầu tư thứ hai trị giá 100 triệu USD, tập trung vào việc cung cấp vốn cho các startup trong giai đoạn tăng trưởng.

Theo báo cáo mới nhất của DealStreetAsia, hoạt động huy động vốn của các quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại khu vực Đông Nam Á vẫn chịu áp lực trong nửa đầu năm 2023.

Các quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại khu vực Đông Nam Á đã đóng tổng cộng 11 quỹ trong nửa đầu năm nay, huy động được 3,72 tỷ USD. Con số này chưa bằng một nửa số vốn mà các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á đã huy động thành công cho các quỹ của mình trong nửa đầu năm 2022.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm