Thời sự

Điểm nhấn FDI 2024: Hải Phòng và cú vươn mình sau bão Yagi

Tổng vốn FDI Hải Phòng đã thu hút trong các năm từ 2020 - 2024. (Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê, UBND TP Hải Phòng).

Những năm gần đây, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) luôn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Hải Phòng. Số liệu từ Cục Thống kê Hải Phòng cho thấy từ năm 2020 đến nay, ngay cả trong giai đoạn cao điểm của đại dịch COVID-19, thành phố vẫn ghi nhận kết quả thu hút FDI tăng mạnh. 

Cú 'lội ngược dòng' sau siêu bão

8 tháng đầu năm nay, Hải Phòng đã đón nhận 1,7 tỷ USD vốn FDI, xếp thứ 6 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 Yagi vào đầu tháng 9, suốt hai tháng sau đó, nguồn vốn FDI của thành phố vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Sau khoảng thời gian trầm lắng, đến trung tuần tháng 11, tình hình thu hút đầu tư FDI tại Hải Phòng đã có bước đột phá ngoạn mục. Cụ thể, tại hội nghị trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố tháng 11, UBND TP Hải Phòng đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án FDI với tổng trị giá 1,8 tỷ USD.

Trong đó, nguồn vốn lớn nhất đến từ dự án đầu tư mở rộng của tập đoàn LG (Hàn Quốc) tại KCN Tràng Duệ, tăng thêm 1 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư từ 4,65 tỷ USD lên 5,65 tỷ USD. 

Bên cạnh đó, đối tác cung ứng linh kiện mô đun tinh thể lỏng định vị tự động của tập đoàn LG là công ty Heesung cũng tăng thêm 125 triệu USD vốn đầu tư tại khu công nghiệp Tràng Duệ, nâng tổng vốn đầu tư từ 154 triệu USD lên 279 triệu USD.

Hội nghị trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn TP Hải Phòng tháng 11. (Nguồn: Báo Hải Phòng).

Một số dự án có vốn đầu tư lớn được cấp mới đăng ký tại hội nghị có thể kể đến như: dự án giữa liên danh CTCP Cảng Hải Phòng và Công ty Terminal Investment Limited (TIL) thuộc Tập đoàn vận tải biển MSC của Thụy Sỹ với tổng số vốn đầu tư là 156 triệu USD; dự án của nhà đầu tư Sembcorp Integrated Hub Hai Phong IV (Singapore) tại khu công nghiệp DEEP C với tổng vốn đầu tư là 56 triệu USD;...

Tổng vốn FDI của Hải Phòng tại thời điểm sau hội nghị trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đạt khoảng 3,5 tỷ USD, bằng 140% kế hoạch năm, đưa thành phố vào top 5 địa phương thu hút FDI tốt nhất cả nước trong 11 tháng đầu năm.

Từ đó đến nay, thành phố cũng đã đón nhận thêm một số dự án cũng như lời mời hợp tác từ những nhà đầu tư nước ngoài. Mới đây nhất, ngày 26/12, trong chuyến thăm, làm việc và tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại Hải Phòng, ông Park Byeong Hoon, Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp Hệ thống Quản lý Năng lượng Hàn Quốc đã đề xuất tìm hiểu khả năng hợp tác xây dựng thành phố thông minh tại địa phương.

Sức hấp dẫn từ môi trường đầu tư

Hải Phòng là một trong số ít địa phương có đủ 5 loại hình giao thông: đường bộ, đường thuỷ nội địa, đường hàng không, đường sắt, đường biển. Đặc biệt, những năm gần đây, hạ tầng giao thông của thành phố đã được nâng cấp, mở rộng, tạo thành kết nối liên vùng đến các khu vực trong nước cũng như quốc tế.

Hiện tại, đây cũng là địa phương có nhiều bến cảng nhất cả nước, với khoảng 50 bến cảng. Trong đó, cảng Lạch Huyện đang là cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc, có khả năng đón tàu trọng tải lên tới 145.000 DWT.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, trung bình 5 năm gần đây, mỗi năm thành phố thu hút 3,6 tỷ USD vốn FDI, các dự án đầu tư FDI chiếm trên 15% số thu nội địa, đóng góp tích cực đối với ngân sách thành phố.

Năm nay, thành phố dự kiến sẽ thu hút 4,7 tỷ USD vốn FDI, gấp đôi kế hoạch đã đề ra, phá kỷ lục 3,4 tỷ USD ghi nhận vào năm trước, Chủ tịch TP Hải Phòng cho hay.

Bến cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) thuộc khu bến cảng Lạch Huyện. (Nguồn: Cổng TTĐT TP Hải Phòng).

Bên cạnh hạ tầng giao thông, hệ thống khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng được địa phương đầu tư phát triển mạnh mẽ. Tính chung toàn thành phố hiện có 14 khu công nghiệp và 10 cụm công nghiệp luôn sẵn sàng mặt bằng sạch để chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo quy hoạch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng đặt mục tiêu thành lập mới 20 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 7.700 ha và phát triển 31 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 2.150 ha.

Mới đây, ngày 4/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định thành lập khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng có quy mô diện tích 20.000 ha, với khoảng 2.909 ha là đất lấn biển, được xác định xây dựng và phát triển thành khu kinh tế ven biển tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, theo mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.

Ngoài việc chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng, “thỏi nam châm” hút vốn FDI vào Hải Phòng còn được tạo nên từ việc chính quyền thành phố luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài thông qua các chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế, hỗ trợ thủ tục hành chính và cung cấp thông tin đầu tư. 

Để chủ động tiếp cận với các nguồn vốn FDI, thời gian qua, lãnh đạo thành phố đã tích cực tham gia các sự kiện xúc tiến đầu tư tại nước ngoài để quảng bá hình ảnh địa phương và kết nối với các doanh nghiệp lớn trên thế giới.

Với quyết tâm sát cánh cùng doanh nghiệp, thành phố đã tổ chức những ngày hội tư vấn, các diễn đàn kết nối doanh nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp FDI, hội nghị tiếp xúc đối thoại doanh nghiệp FDI,... để kịp thời giải quyết những vướng mắc, bất cập của các nhà đầu tư.

Nhờ những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và thay đổi cách thức tiếp cận dòng vốn FDI của lãnh đạo thành phố, những năm gần đây, Hải Phòng đã khẳng định vị thế là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài khi rót vốn vào Việt Nam, với hàng loạt dự án của các doanh nghiệp lớn xuất hiện như: LG, SK, Haengsung, GE, Nikko,...

Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. (Nguồn: Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng).

Ông Yang Hojin, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ecovance thuộc tập đoàn SK (Hàn Quốc) cho biết, doanh nghiệp đã chọn Hải Phòng làm địa điểm đầu tư tại Việt Nam sau chuyến xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc của Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu vào năm 2023.

Dưới góc độ nhà đầu tư, ông Yang đánh giá môi trường đầu tư ở thành phố Cảng rất thuận lợi để doanh nghiệp tin tưởng có thể phát triển tốt, đồng thời khẳng định dự án tiếp theo của tập đoàn SK sẽ được đầu tư tại đây nếu dự án nhà máy sản xuất vật liệu phân huỷ sinh học công nghệ cao 100 triệu USD tại khu công nghiệp Đình Vũ vận hành thương mại thành công.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hải Phòng có được những kết quả tốt trong việc thu hút vốn FDI là nhờ việc thành phố đã lựa chọn các nhà đầu tư chất lượng, chủ động hỗ trợ, chủ động liên hệ các Bộ, ngành nhằm giúp các nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục nhanh nhất, sớm có giấy chứng nhận đầu tư để nhanh chóng tiếp cận thị trường.

Đến nay, Hải Phòng đã thu hút 1.000 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực là 32,5 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các dự án chủ yếu tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, chế biến tại các khu công nghiệp và khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm