Bất động sản

Chiêu trò "cắt lỗ" để thoát hàng chung cư

Cuối năm, thấy thị trường chung cư có dấu hiệu giảm nhiệt, chị Thuỳ Linh, quận Nam Từ Liêm, khởi động lại kế hoạch mua nhà. Tình cờ xem được một tin rao cắt lỗ 200 triệu đồng căn 117 m2 tại dự án ở đại đô thị phía Tây của chủ đầu tư nước ngoài, chị nhanh chóng liên hệ môi giới, hy vọng lấy được căn giá hợp lý.

Môi giới cho biết giá căn này trên hợp đồng mua bán khoảng 10,2 tỷ đồng (chưa gồm VAT, phí bảo trì). Chủ nhà đã thanh toán đợt một 20%, tương đương 2 tỷ đồng. Hiện chủ muốn thu về 1,8 tỷ, sau đó người mua tiếp tục trả theo tiến độ. Thấy giá "cắt lỗ" vẫn cao, chị Linh tham khảo thêm một số môi giới và biết căn này mua đợt đầu được áp dụng chiết khấu 12% từ chủ đầu tư. Tính ra tổng giá bán sau chiết khấu chưa đến 9 tỷ đồng, tương đương 20% khoản tiền đợt 1 chỉ gần 1,8 tỷ.

"Thực tế khách mua không được giảm chút nào, còn chủ nhà cũng không lỗ, chị nói.

Tương tự, anh Đức Tuyên, một nhà đầu tư ở khu Tây, liên tục được môi giới chào bán suất booking (đặt quyền mua) căn hộ với giá "cắt lỗ" tại phân khu cuối cùng đại đô thị phía Tây. Ba tháng trước, thời điểm dự án ra mắt, anh Tuyên đã đặt mua thất bại vì không lấy được căn ưng ý.

Hỏi môi giới về loại căn 49 m2 từng "cháy hàng" trước đó, anh Tuyên bất ngờ vì giỏ hàng sang nhượng rất nhiều, gồm cả những căn diện tích nhỏ hơn. Tuy nhiên, giá bán không giảm như tin rao. Môi giới báo khách mua sẽ nhận chuyển nhượng ký quỹ 400 triệu đồng kèm "khoản chênh giảm một nửa". Người này cho hay loại căn này dễ thanh khoản, mức chênh trên thị trường ít nhất 60 triệu đồng.

"Tính ra tôi vẫn phải trả thêm 30 triệu tiền chênh, gọi "cắt lỗ" chứ thực ra cắt lãi kỳ vọng của chủ nhà thôi", anh Tuyên cho hay.

Theo khảo sát nhanh của VnExpress, thông tin rao bán chuyển nhượng căn hộ cao cấp xuất hiện dày đặc trên các group cư dân, mua bán bất động sản, tập trung ở phía Tây và Đông Hà Nội. Trong đó, những tin rao "cắt lỗ" 100-200 triệu đồng một căn xuất hiện ngày càng nhiều và thu hút tương tác hơn.

Tình trạng trên cũng được Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) ghi nhận. Tại diễn đàn địa ốc mới đây, ông Lê Đình Chung, thành viên Tổ công tác Nghiên cứu thị trường VARS cho biết tính chung cả năm, toàn thị trường có hơn 47.000 giao dịch chung cư thành công, gấp ba lần so với năm ngoái. Hơn một nửa lượng giao dịch sơ cấp đến từ nhóm đầu tư và cả đầu cơ.

Ông Chung nói, nhiều sản phẩm được sang tay ngay cả khi chưa ký hợp đồng mua bán. Không ít nhà đầu tư trót "lướt sóng" căn hộ buộc phải "cắt lỗ" do gặp áp lực tài chính.

Thị trường bất động sản quận trung tâm Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Thị trường bất động sản quận trung tâm Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Nhiều tin rao "cắt lỗ" chung cư cao cấp thực chất là chiêu trò của môi giới và người bán nhằm hút khách mua, theo ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc EZ Property.

Ông Toản nói, chiêu này thường xuyên được môi giới sử dụng trong lúc thị trường giảm nhiệt. Thay vì chi nhiều tiền chạy quảng cáo, môi giới rao "cắt lỗ" có thể nhanh chóng tiếp cận với khách có nhu cầu mua nhà. Trường hợp không có căn khách muốn, môi giới sẽ chuyển hướng giới thiệu các căn khác trong giỏ hàng chuyển nhượng.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Cao ốc quốc tế Hồ Tây, cho biết thông tin "cắt lỗ" chung cư được chú ý hơn cả bởi nhiều người mua hụt thời gian trước đều đang chờ đợi sản phẩm giá tốt. Tuy nhiên, không ít môi giới lợi dụng tâm lý này để rao giảm giá, thực chất để nhanh chóng đẩy hàng cho đại lý.

Cuối năm là thời điểm nhiều sàn giao dịch chịu áp lực chốt doanh số nên quỹ căn được ôm trước đó tung ra nhiều, buộc cả nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng tìm cách thoát hàng. Nhiều đại lý "xả hàng" dẫn đến khoản chênh giảm mạnh 70-80%, thậm chí ngang với giá hợp đồng mua bán, tập trung ở loại căn khó thanh khoản như diện tích lớn, tầng thấp hoặc áp mái, hướng (view) xấu...

Theo ông Thanh, chiêu trò này không mới nhưng gây nhiễu loạn cho thị trường, khiến người có nhu cầu lại khó tiếp cận được sản phẩm như mong muốn. Người mua thiếu kinh nghiệm có thể rơi vào cảnh "mua hớ", ôm hàng giá cao.

Các chuyên gia dự báo thời gian tới, thị trường nhà ở sẽ dần ổn định trở lại, song chung cư khó có nhịp giảm sâu mà vẫn neo giá cao. Lý do, theo ông Nguyễn Chí Thanh, quỹ đất phát triển dự án ở trung tâm ngày càng khan hiếm, trong khi chi phí sử dụng đất, vật liệu xây dựng, nhân công... ngày càng tăng cao.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm