Người Việt Nam đứng đầu khu vực về làm từ thiện
11 năm điện thoại của người trực tổng đài của dự án "Ước mơ của Thúy" do báo Tuổi trẻ tổ chức luôn bật 24/24. Dự án này được lập ra với mong muốn tài trợ những chuyến xe cuối cùng đưa những bệnh nhân nhi ung thư "về nhà". Suốt 11 năm qua, đã 1.026 chuyến xe tiễn đưa các em, với tổng kinh phí hơn 3,8 tỷ đồng.
Không chỉ báo Tuổi trẻ, nhiều tờ báo uy tín cũng là nơi đứng ra vận động quyên góp cho các dự án từ thiện tại Việt Nam. Ngoài các đơn vị chuyên nghiệp, không khó để thấy hình ảnh của các cá nhân cũng đứng lên thực hiện những hành động thiện nguyện.
Khảo sát về chi tiêu có ý thức và hoạt động từ thiện của Mastercard năm 2017 cho biết người Việt Nam dẫn đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về hoạt động từ thiện, với 78,5% người tiêu dùng đóng góp cho từ thiện, theo sau đó là Thái Lan (66,3%) và Hong Kong (60,2%).
"Số liệu khảo sát năm 2011 của tổ chức Asia Foundation cho thấy trung bình mỗi năm một hộ gia đình ở thành phố bỏ ra trung bình khoảng 800 nghìn đồng để làm từ thiện. Tới năm 2019 con số này lên tới 1,5 triệu đồng, nếu nhân với khoảng 35% dân sống thành thị tương đương với khoảng 10 triệu hộ gia đình, thì tổng thị trường quyên góp vào khoảng 15.000 tỉ đồng, đó là chưa kể đóng góp cho hoạt động CSR âm thầm của rất nhiều doanh nghiệp", anh Phan Hồng Sơn- nhà sáng lập startup có tên Fundme cho biết.
Mặc dù nhìn vào điểm tích cực là người Việt Nam giàu lòng tương thân tương ái và các Doanh nghiệp có nhận thức rất tốt về Trách nhiệm xã hội, nhưng không phủ nhận còn một số hoạt động từ thiện, phi lợi nhuận tồn tại một vài khiếm khuyết về tính minh bạch với các bên, hiệu quả, đúng người đúng việc của các dự án, chương trình.
Ước mơ về một nền tảng kết nối tài trợ cộng đồng
"Ước mơ của chúng tôi là tạo nên một nền tảng kết nối nhiều bên mà trung tâm là sự rõ ràng và hiệu quả cho các Quỹ, nhóm, dự án cộng đồng thiện nguyện, phi lợi nhuận và trách nhiệm xã hội", anh Sơn chia sẻ về ý tưởng thành lập Fundme. Kết nối đó là giữa các doanh nghiệp, nhà tài trợ, tổ chức từ thiện, doanh nghiệp xã hội, nhóm, cá nhân ủng hộ và các nền tảng công nghệ tài chính khác cho các dự án.
Ở góc nhìn cụ thể hơn, startup này sử dụng tối đa thế mạnh công nghệ 4.0 và truyền thông xã hội giúp thực hiện chiến dịch kêu gọi và ghi nhận giao dịch tài trợ trực tuyến kết hợp vận hành thương mại điện tử (ví dụ: bán sản phẩm gây quỹ) trở nên dễ dàng thuận tiện, đồng thời các quỹ, nhóm, cá nhân quản lý được toàn bộ thông tin tiền ủng hộ, đơn hàng mua và trạng thái giao hàng ở thời gian thực.
Năm 2018, Fundme tổ chức phối hợp cùng chị Phạm Quỳnh Giang bán cuốn sách "Người tối giản" có chữ kí và trích lại một số tiền để tài trợ dự án "Xây sân chơi cho trẻ khuyết tật" tại Pleiku. Theo đó, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục trẻ khuyết tật An Yên (thôn 5, xã Trà Đa, Pleiku) là nơi tiếp nhận khoảng trên 20 trẻ khiếm thính, tự kỉ và chậm phát triển trí tuệ có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Đây là một cơ sở dạy trẻ tư nhân hoạt động gần như phi lợi nhuận (học phí hiện tại chỉ khoảng 700-800 nghìn đồng/tháng) với sự hỗ trợ chính từ cô Trần Diễm Trinh là một người có chuyên môn trong giáo dục trẻ đặc biệt và cơ sở này thiếu một sân chơi cho các bé.
Hội Cựu du học sinh Việt Nam tại Pháp (UAVF) trao cho Đại diện Đại Sứ Quán Pháp tại Việt Nam.
Hay cách đây hơn 1 tháng, Fundme cũng thực hiện thành công dự án Ủng hộ khôi phục lại Nhà thờ Đức Bà Paris với số tiền ủng hộ lên tới 75 triệu đồng. Với mục đích sẻ chia mất mát của người dân Pháp và bồi đắp thêm tinh thần hữu nghị Việt - Pháp, Hội Cựu du học sinh Việt Nam tại Pháp (UAVF) đứng lên kêu gọi sự chung tay ủng hộ khôi phục lại Nhà Thờ Đức Bà Paris – Di sản văn hóa thế giới đã bị cháy ngày 16/4/2019. Đơn vị này đã triển khai hợp tác công nghệ thu hộ và toàn bộ số tiền nhận được đã trao cho Đại diện Đại Sứ Quán Pháp tại Việt Nam.
"Với tiêu chí đặt minh bạch lên hàng đầu, thậm chí tài khoản ngân hàng của Fundme để nhận tiền ủng hộ được UAVF kiểm soát, dự án này được đánh giá rất cao từ phía UAVF và Đại sứ quán Pháp", anh Sơn chia sẻ. Cũng nhằm đảm bảo minh bạch đối với người ủng hộ, mọi thông tin về tình trạng dự án và thực thi tới bước cuối cùng đều được cập nhật ở trang fanpage chính thức của các bên và đơn vị kết nối.
Ngoài mô hình ủng hộ tiền mặt, bán sản phẩm gây quỹ, startup này còn hướng tới kết nối và giúp lan tỏa tốt nhất hoạt động CSR của các doanh nghiệp trong đó tập trung hướng tới các ngành hàng tiêu dùng, tài chính, công nghệ và bảo hiểm… Với các đối tượng cá nhân, đơn vị này nhắm tới việc thành lập một sàn giao dịch các sản phẩm thanh lý qua đó trích số tiền bán được để ủng hộ các quỹ, nhóm thiện nguyện.
Anh Sơn cho biết trong tương lai Fundme sẽ kết hợp cùng các ví điện tử như Grab, Momo, Viettelpay, các ứng dụng mobile banking … tới hầu hết các các dự án cộng đồng và quỹ thiện nguyện của Việt Nam. Trong đó nền tảng này sẽ là đơn vị kết nối vừa giúp hoạt động quyên góp ủng hộ của người dùng trở nên dễ dàng, tăng "doanh số huy động" cho các tổ chức, vừa giảm chi phí thời gian công sức xã hội nếu từng quỹ, nhóm ấy "đi kết nối" với từng ví… để kết quả là thúc đẩy sự lan tỏa và hiệu quả của dự án cộng đồng.
Mô hình hoạt động của Fundme.
"Nếu nhìn sâu hơn một chút, ở một vài dự án thiện nguyện tại Việt Nam, trên báo và trên Facebook có hiện tượng "ủng hộ theo phong trào". Khi một dự án nhận được hưởng ứng từ cộng đồng và nhận được số tiền lớn hơn nhiều so với "yêu cầu", điều này thực sự tốt, nhưng đâu đó lại chưa hiệu quả. Vẫn còn rất nhiều dự án cộng đồng, trường hợp khó khăn khác cần được chia sẻ nguồn lực này", nhà sáng lập Phan Hồng Sơn chia sẻ.
Do đó, startup này đã triển khai công nghệ theo dõi tiếp nhận ủng hộ và có thể "tự động ngắt" khi đủ số tiền và người ủng hộ được hướng đến những dự án cộng đồng khác giúp hài hòa, cân bằng và chia sẻ hơn.