Tôi quen một người tự nhận kém thông minh. Khi tôi hỏi tại sao lại tự nhận mình như vậy, cậu ta nói: "Bởi vì trí nhớ của tôi không được tốt."
Chỉ vậy thôi sao?
Nếu chỉ đơn thuần là trí nhớ không tốt, nó có nghĩa rằng bạn nên giữ những thói quen cố định và ghi chú thường xuyên hơn. Ví dụ treo chìa khóa một góc, để tai nghe một chỗ, công việc thì phân thành các tasks và ghi chú ra giấy.
Trí nhớ của tôi gần đây cũng KHÔNG TỐT. Nếu không làm như vậy, tôi sẽ chỉ nhớ được 1, 2 việc chính còn lại thì quên sạch.
Nhiều người cũng hỏi tôi, "Làm sao để ghi nhớ lâu hơn khi đọc sách?"
Đơn giản thôi! Chả ai nhớ được tất cả. Nhưng nếu bạn đánh dấu lại và tự tay ghi chú phần thú vị mà bạn đọc được. Khi xem lại ghi chú, bạn sẽ nhanh chóng nhớ lại cả đoạn trước đó thay vì lãng quên.
Hay tệ hơn, nếu cảm thấy bản thân chậm hiểu, tôi sẽ chỉ cho bạn biết lý do ngay thôi.
Bạn thấy mình chậm hiểu là bởi đầu óc của bạn chưa có sự liên hệ tới sự việc đó.
Ví dụ như edit video chẳng hạn. Nào là canva 1, canva 2, tầng tầng lớp lớp, với những người chưa từng tiếp xúc sẽ cảm thấy vô cùng khó hiểu. Nhưng với những người có một chút liên hệ, chẳng hạn như đã từng học qua photoshop, từng làm quen với khái niệm layer 1, layer 2. Họ sẽ cảm thấy dễ hiểu và làm quen nhanh chóng hơn.
Vì thế vấn đề chậm hiểu hoàn toàn có thể cải thiện bằng trải nghiệm. Bạn càng nhiều trải nghiệm, bạn càng có nhiều sự liên hệ, bạn càng tiếp thu mọi thứ nhanh hơn.
Kém thông minh hay vỏ bọc hoàn hảo để lười biếng?
Có một số người tự nhận mình kém thông minh. Để rồi sau đó thúc ép bản thân phải chăm chỉ hơn người khác. Lại có những người gọi mình kém thông minh để thoát khỏi sự chú ý của kẻ khác. Rõ ràng, họ hiểu đối phương và ranh mãnh hơn đối phương một bậc.
Vấn đề là những người như vậy không nhiều. Áp đảo và hung hãn hơn, đó là những người tự nhận kém thông minh để có thể sống an toàn và lười biếng.
Bắt tay vào làm gì đó, "Ui việc này khó lắm, người kém thông minh như mình không thể làm được."
Đứng trước một cơ hội nào đó, "Việc này chắc phù hợp với những người thông minh hơn mình."
Thậm chí muốn thoát ra khỏi cuộc sống tệ hại họ cũng không làm được, "Cuộc đời mình kém thông minh nên có lẽ chỉ sống như vậy thôi."
Những người như vậy không phải là những người kém thông minh, họ là những người lười biếng kém thông minh.
Nhưng một khi bạn đặt ra câu hỏi: Người kém thông minh phải làm gì để giàu có? Có lẽ bạn cũng không muốn sống cuộc sống tầm thường. Bạn muốn một cuộc sống tươi đẹp. Bạn muốn những thứ mình xứng đáng được có. Và đó là điều tuyệt vời!
Con đường làm giàu là như nhau
Rich kids, họ nhập cuộc dễ dàng hơn tôi và bạn rất nhiều. Nhưng nói về làm giàu self-made, lộ trình là như nhau cho cả người thông minh lẫn người kém thông minh.
Họ đều học hỏi từng ngày: Ra trường, bạn mừng rỡ vì thoát khỏi việc học. Từ giờ sẽ không phải đọc tài liệu, không phải đến lớp, không phải nhét thêm bất cứ thứ gì vào đầu nữa. Nhưng người giàu thì khác, sau khi tốt nghiệp đại học mới là lúc họ thực sự chú tâm vào việc học.
Họ học về tâm lý con người, về xã hội, về cách thức mọi thứ trong xã hội vận hành. Họ học về mua bán, thương lượng, lãnh đạo. Khi bạn học hỏi từng ngày, bạn sẽ thấy danh hiệu "kém thông minh" chỉ là trò đùa ngớ ngẩn. Bạn thông minh và khôn ngoan hơn bất cứ ai dừng lại việc học, ngay cả khi cầm tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi trong tay.
Họ bán thứ gì đó: Để trở nên giàu có, bạn bắt buộc phải kinh doanh, bạn bắt buộc phải bán thứ gì đó. Đó có thể là sản phẩm bạn tự tạo ra, đó có thể là giao thương mua đi bán lại, đôi khi bạn bán cả dịch vụ. Dù đó là gì đi nữa, bạn không thể giàu với đồng lương được trả đều đều mỗi tháng. Nên nhớ là như vậy!
Họ tham vọng hơn người bình thường: "Ước gì lương mình từ 8 triệu thành 10 triệu/tháng nhỉ."
Người giàu họ cũng muốn tăng thu nhập tương tự người bình thường. Chỉ có điều tham vọng của họ LỚN HƠN.
Khi kiếm được 8 triệu/tháng, họ sẽ nghĩ ra cách để kiếm được 20 triệu. Kiếm được 20 triệu, họ sẽ nghĩ cách kiếm ra 50 triệu. Dịch vụ này tốt, họ mở rộng nó ra. Việc kinh doanh đó tốt, họ nghĩ cách mở thêm cửa hàng, tăng thêm doanh số.
KHÔNG DỪNG LẠI! Đó là suy nghĩ của người giàu. Bất kể bạn là ai, thông minh hay kém thông minh. Chỉ cần di chuyển đúng hướng là sẽ tới đích!
Quan trọng hơn, tất cả đều đến từ suy nghĩ của bạn
Nam, công việc tốt, thu nhập ổn, ngoại hình khá, nhưng nghĩ mình không xứng đáng với một cô gái 8 điểm. Cuối cùng anh ta lấy một cô vợ 6 điểm, "xứng đáng" với suy nghĩ mặc định.
Hùng, một gã thất nghiệp, tối ngày chỉ biết đá gà, lô đề, bài bạc. Nhưng chỉ bởi gã nghĩ chẳng thiếu những cô gái 8 điểm, thế nên những cô gái mà gã cặp khi thì 8 điểm, khi thì 9 điểm.
Kém thông minh chỉ là cái giới hạn bạn đặt ra trong suy nghĩ của mình. Nam rõ ràng phải là người thông minh hơn, nhưng vì suy nghĩ bị giới hạn nên kết thúc với một cô gái 6 điểm. Trong khi Hùng kém thông minh hơn, nhưng suy nghĩ không bị giới hạn. Sau cùng, kết quả của gã xem ra có vẻ viên mãn hơn.
Trên thế giới đã có quá nhiều ví dụ để minh chứng. Nick Vujicic, không tay không chân nhưng vẫn có thể trở thành diễn giả, người truyền cảm hứng, giá trị tài sản ròng đáng giá 500 ngàn đô; Les Brown được chẩn đoán trí tuệ chậm phát triển nhưng sau cùng trở thành speaker nổi tiếng về động lực và phát triển, có đài radio riêng, với giá trị tài sản ròng đáng giá 10 triệu đô.
Họ đã dũng cảm tiến lên và giành lấy thứ mình đáng được hưởng.
Còn bạn, nếu cứ mặc cảm và sống với vỏ bọc kém thông minh do chính mình tạo ra, bạn sẽ chả đi được tới đâu ngoài quanh quẩn bên những việc tầm thường, kém thông minh.
Người kém thông minh phải làm gì để giàu có? Câu trả lời chả có gì khác so với tất cả mọi người cả. Hít một hơi thật sâu, tiến lên và giành lấy chiến thắng. Tất cả chỉ đơn giản có vậy!
(chinhem.com, Lai H.)