Một người bạn của tôi, năm nay 32 tuổi, anh chàng này làm cho một doanh nghiệp cũng khá có tiếng. Suốt ngày thấy cậu ta mặc áo khoác màu vàng đất, đeo một cặp kính không viền, cộng thêm chiếc quần bò và đôi giày lười không biết được mấy trăm năm rồi, vừa nhìn là biết đây là một bậc thầy mảng kỹ thuật. Trông giản dị vậy, nhưng 3 năm trước, cậu ta đã giải quyết giúp công ty hai vấn đề kỹ thuật rất lớn. Trong buổi tiệc thường niên, đích thân chủ tịch đã bắt tay và nói với cậu ấy: có tiền đồ! Mọi người trong công ty khi đó đều nghĩ cậu ta sắp được đổi đời, sắp được vịt hóa thiên nga rồi, nhưng chẳng ngờ, hai năm trôi qua, đồng nghiệp cũng là đồ đệ cùng bộ phận mà cậu ta dẫn dắt đã được thăng chức, còn cậu ấy vẫn cứ ở lì ở chức quản lý bộ phận cỏn con.
Đối với việc thăng chức, suy nghĩ của cậu ấy giống hệt như tất cả các câu truyện truyền cảm hứng hoặc phim truyền hình thần tượng - nơi làm việc là nơi kiếm cơm bằng bản lĩnh, miễn là chăm chỉ nâng cao năng lực, không cần phải chủ động yêu cầu, người khác rồi cũng sẽ thấy, mọi thứ vẫn luôn ở đó!
Sau đó, sau một năm vứt bỏ nỗi buồn sang một bên và cố gắng không ngừng, trình độ kỹ thuật của cậu ấy có thể nói là đã đạt đến đỉnh cao, nhưng việc thăng chức dường như vẫn rất xa vời. Câu hỏi của cậu ấy rất đơn giản, tại sao tôi không muốn gì cả, chỉ muốn làm tốt mọi thứ, nhưng mãi vẫn chưa được thăng chức?
Câu trả lời cũng rất đơn giản, bởi vì cậu ấy "không muốn gì cả, chỉ một lòng muốn hoàn thành công việc thật tốt".
Cậu ấy đã vi phạm nguyên tắc vàng trong phát triển sự nghiệp: "Trên tiền đề là lòng trung thành, năng lực càng giỏi thì càng tốt. Trên tiền đề là lòng trung thành không chắc chắn, năng lực càng thấp thì càng tốt."
Ngoại trừ lãnh đạo ra, tức chủ công, tôi chia dân công sở thành bốn loại: trọng thần, thái giám, quan lại thông thường và dũng tướng.
Trọng thần là kiểu người được yêu thích nhất trong công ty, nghĩa là vừa trung thành năng lực vừa xuất sắc. Tay trái nắm quyền lực, tay phải nắm quyền lựa chọn, là vị trí nòng cốt của bộ phận cốt lõi trong doanh nghiệp. Thông thường mà nói thì con đường thăng chức luôn dành cho các trọng thần. Chẳng hạn như Chu Du hay Gia Cát Lượng.
Thái giám là kiểu nhìn lên thì được yêu thích, nhìn xuống thì đầy người ghét, nhưng vẫn luôn đứng sừng sững ở đó. Trên thực tế, các thái giám cũng khá tủi thân. Thay vì nói sự thăng tiến của họ là vì tâng bốc thì có lẽ là vì chủ công cần họ nhiều hơn. Chẳng hạn như trợ lý giám đốc, tài vụ, quản lý nhân lực, đây là những vị trí rất hợp với chức vụ thái giám. Thực ra người quản lý cũng biết năng lực của các thái giám là có hạn, nhưng năng lực có hạn cũng là một loại năng lực cạnh tranh. Dẫu sao thì cũng không ai muốn có một tài vụ hay quản lý nhân lực đầy dã tâm ở bên mình cả.
Tiếp theo là quan lại thông thường, kiểu người này ở nơi công sở số lượng vô cùng nhiều, thành tích bình bình, đâu đâu cũng thấy, không cần phải bàn nhiều.
Tầng lớp thú vị nhất đó là các dũng tướng. Chiến tích nhiều, khả năng chiến đấu mạnh mẽ, rảnh rỗi còn học hỏi để tích lũy kinh nghiệm, vấn đề là yêu cầu về vật chất của họ không nhiều, lòng chính nghĩa tỷ lệ thuận với năng lực, gay go hơn là năng lực quá giỏi và không dễ nắm bắt hay kiểm soát. Đối với kiểu nhân viên này, các doanh nghiệp luôn có thái độ vừa yêu vừa hận. Yêu là bởi khi cần ra một chiêu gì đó thật lớn đều sẽ cần đến mấy vị anh hùng này, hận ở chỗ nếu không đối đãi tử tế họ sẽ chạy sang công ty đối thủ. Điều này có nghĩa là bạn khó khăn lắm mới đào tạo được một dũng tướng, chiêu lớn còn chưa kịp ra, nói không chừng bản thân còn phải tiếp chiêu của người khác. Đứng giữa việc ra chiêu và tiếp chiêu, nhiều doanh nghiệp sẽ lựa chọn để các dũng tướng tránh xa khỏi các vị trí nòng cốt. Ở các vị trí nòng cốt, quan lại thông thường vẫn tốt hơn là các dũng tướng.
Tại nơi làm việc ngày nay, dũng tướng xung phong giết giặc, trọng thần cố thủ tại tổng bộ, thái giám ở trong triển khai hoạt động nhân lực, tài chính, quan lại thông thường thì đi lăn lộn khắp nơi. Bố cục như vậy trông có vẻ không thỏa đáng, nhưng nó thực sự là cơ chế tối ưu để tối đa hóa hiệu quả của các hoạt động nội bộ trong doanh nghiệp, thay vì nói đó là một chiến thuật, tốt hơn nên nói rằng đó là một chế ước giúp đảm bảo sự cân bằng trong công ty.
Nói đến đây bạn đã nhìn ra được chưa? Bất kể bạn là dũng tướng hay quan lại bình thường, việc tốt nhất mà bạn nên làm đó là nâng cao lòng trung thành của bạn trước.
Không khó để cải thiện lòng trung thành, có quyền lực mềm thì cũng có quyền lực cứng. Nếu bạn bình thường có thể khôn khéo, linh hoạt, chưa cần nói đã hiểu, cả tuần không ở với con mà theo lãnh đạo đánh gôn, vậy thì bạn thuộc vào loại quyền lực mềm. Nhưng nếu bạn cảm thấy rằng a dua nịnh nọt không phải là thứ bạn muốn, vậy bạn có thể cải thiện quyền lực cứng của mình. Ví dụ, bạn có thể điều chỉnh hướng phát triển năng lực của mình sao cho việc hợp tác với sếp của bạn tốt hơn, hoặc để bản thân có một vài việc mà bạn bắt buộc phải dựa vào công ty thì mới có thể làm được, để công ty có một số quyền kiểm soát đối với bạn ... Nếu bạn lười không muốn làm mấy điều đó, vậy thì hãy mua một căn nhà và kết hôn, và cho mọi người biết rằng bạn đã không còn ở cái độ tuổi có thể tung tăng, thích làm gì thì làm rồi. Đây không phải là một trò đùa, nhiều công ty tuyển dụng các vị trí quan trọng, thường yêu cầu đã kết hôn, thậm chí mua nhà rồi lại càng tốt.
Quay trở lại câu chuyện ở phần đầu, tôi nói với người bạn đó rằng cậu ấy bây giờ đang là một mãnh tướng, nếu muốn thăng tiến lên làm trọng thần, cậu ấy phải có một cái gì đó để cho công ty quản lý.
Cậu ấy dường như ngộ ra cái gì đó, sau khi về nhà đã gửi email yêu cầu công ty năm sau chi trả toàn bộ để cho ấy ra nước ngoài bồi dưỡng nghiệp vụ. Ba tháng sau, ngân sách được phê duyệt, nửa năm sau, cậu ấy được thăng chức.
Ông chủ khi đó có lẽ cũng đã thở phào nhẹ nhõm, cuối cùng cậu ta cũng thực sự là người của mình.