Theo biên bản ghi nhớ được ký kết tháng 5 vừa qua, BSSC sẽ hỗ trợ các startup Thái Lan mở rộng hoạt động ở thị trường Việt Nam – nơi mà các startup đang bùng nổ, đặc biệt trong lĩnh vực fintech và thương mại điện tử.
Chia sẻ với Nikkei Asian Review, bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, phó giám đốc của BSSC, cho biết trung tâm sẽ giúp các doanh nghiệp Thái hiểu thêm về văn hóa truyền thống, chính trị của Việt Nam cũng như hoạt động của các doanh nghiệp Việt. BSSC có thể giúp họ tìm kiếm các đối tác Việt và hỗ trợ về pháp lý, với mục đích tạo ra những startup kỳ lân (doanh nghiệp khởi nghiệp giá trị từ 1 tỷ USD) trở lên, của cả Việt Nam và Thái Lan.
Hiện Thái Lan vẫn chưa có startup kỳ lân nào, trong khi Việt Nam có duy nhất 1 công ty là VNG Corporation.
Kể từ năm 2016, Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ cho hệ sinh thái startup, trong đó phải kể đến nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông và thái độ sẵn sàng chào đón nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao. Tỷ lệ phổ cập internet ở Việt Nam hiện đã lên đến 52% (ở Thái Lan chỉ là 42%), giúp nước ta trở thành môi trường rất thuận lợi cho các startup trong lĩnh vực fintech cũng như các công nghệ khác.
Năm 2018, dòng vốn đầu tư vào các startup Việt đạt 889 triệu USD, gần gấp 3 so với mức 291 triệu USD của năm 2017, theo báo cáo của Topica Founder Institute.
Bà Hằng cho biết vẫn còn quá sớm để kể tên các startup Việt hay Thái có kế hoạch mở rộng xuyên biên giới. Tuy nhiên, đã có những công ty đủ điều kiện để trở thành ứng viên tiềm năng nhờ nhu cầu rất mạnh mẽ ở một số lĩnh vực như fintech, thương mại điện tử, traveltech (ứng dụng công nghệ trong dịch vụ du lịch) và edutech (công nghệ trong giáo dục).
Bên cạnh BSSC, Chính phủ cũng đã thành lập đề án có tên gọi Silicon Valley Ecosystem có nhiệm vụ hỗ trợ các startup Việt.