Các mảng kinh doanh đều suy giảm trong năm 2023
Ông Trần Trung Tuấn, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, cho biết trong năm 2023, các mảng kinh doanh chính của tổng công ty đều gặp khó khăn.
Kết quả tổng doanh thu đạt 8.869 tỷ đồng và lãi sau thuế 260 tỷ đồng, thực hiện được 89% kế hoạch doanh thu và vượt 4% kế hoạch lợi nhuận năm.
Theo lý giải của ban điều hành, nguyên nhân chưa đạt kế hoạch doanh thu chủ yếu do lĩnh vực khu công nghiệp và bất động sản bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu nên việc khai thác cho thuê đất, nhà xưởng và kinh doanh bất động sản gặp khó khăn.
Trong năm, CTCP Khu công nghiệp Tín Nghĩa - Phương Đông đã ký hợp đồng cho thuê 1 ha đất và ký biên bản thỏa thuận cho thuê 10,6 ha đất. Tính đến nay, KCN Đất Đỏ I đã thu hút 48 nhà đầu tư với tổng diện tích cho thuê 150,5 ha, tương ứng tỷ lệ lấp đầy 40%.
CTCP Đầu tư Nhơn Trạch tập trung phục vụ công tác thanh kiểm tra của cơ quan chức năng và kiện toàn bộ máy tổ chức. Năm qua công ty lỗ 36 tỷ đồng chủ yếu do dự án chưa triển khai nên không có nguồn thu, đồng thời phải trích lập dự phòng đầu tư khoản góp vốn công ty liên kết là Công ty TNHH Thành phố Công nghiệp mới Nhơn Trạch.
CTCP Đầu tư Tín Nghĩa - Á Châu chưa có nguồn thu từ bán bất động sản. Hiện đơn vị này đang tập trung bán hàng, xây dựng nhà và các tuyến đường; đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, xác định, đề xuất vị trí đất phù hợp làm nhà ở xã hội thay thế.
Ở lĩnh vực sản xuất, chế biến, CT CP Chế biến Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm Đồng Nai (Donafoods) đã dừng kinh doanh cà phê do lĩnh vực này trong năm có nhiều biến động, giá cả phê tăng cao kỷ lục, việc kinh doanh thương mại cà phê nhân tiềm ẩn nhiều rủi ro và thiếu hụt nguồn vốn tín dụng.
CTCP Tín Nghĩa – Lào tiếp tục thực hiện hợp đồng giao khoán vườn cà phê và công ty đã giảm được lỗ so với thời gian trước. CTCP Hiệp Phú phải giảm giá thuê kho để giữ khách hàng.
Ở lĩnh vực xăng đầu, CTCP Tổng kho xăng dầu Phú Hữu đã có báo cáo Thường trực Tỉnh ủy về khó khăn vướng mắc trong việc gia hạn tiến độ chủ trương đầu tư dự án; hoàn tất các hồ sơ về điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/500, thiết kế hệ thống kho xăng dầu, cầu cảng 40.000 DWT và đánh giá tác động môi trường.
Mục tiêu lãi 250 tỷ trong năm 2024
Trong năm 2024, tổng công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu 10.000 tỷ đồng, bằng với kế hoạch năm 2023 và tăng 13% so với kết quả đã đạt được. Lợi nhuận sau thuế 250 tỷ đồng, giảm 4% so với thực hiện ở năm 2023.
Lĩnh vực kinh doanh cà phê kỳ vọng sản lượng xuất khẩu và nội địa đạt 100.000 tấn, doanh thu xấp xỉ 5.500 tỷ đồng.
Diện tích đất cho thuê tại các KCN khoảng 23 ha (năm 2023 cho thuê được 4 ha), được phân bổ: KCN Nhơn Trạch 3 (9 ha), KCN Ông Kèo (9 ha), KCN An Phước (4 ha), KCN Tân Phú (1 ha).
Tổng công ty đảm bảo đủ vốn để thanh toán tiền bồi thường dự án KCN Ông Kèo, dự án mở rộng KCN Đất Đỏ và phát triển các KCN mới theo quy hoạch.
Tổng công ty sẽ làm việc với các tổ chức tín dụng để tìm kiếm nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh cà phê 2.000 tỷ đồng, cho đền bù và xây KCN Ông Kèo 1.000 tỷ đồng.
Tổng công ty sẽ tiếp tục hỗ trợ CT CP Đầu tư Tín Nghĩa - Á Châu và CTCP Đầu tư Phước Tân tìm khách hàng, cơ cấu tình hình tài chính và hoàn thiện thủ tục pháp lý để đủ điều kiện bán sản phẩm dự án, chuyển nhượng bất động sản tại CTCP Đầu tư Nhơn Trạch, tiếp tục tìm kiếm đối tác để thoái phần vốn đầu tư tại CTCP Tín Nghĩa - Lào, CTCP Hiệp Phú.
Dừng chào bán cổ phiếu huy động vốn cho KCN Ông Kèo
Phương án chào bán cho cổ đông hiện hữu để huy động vốn cho KCN Ông Kèo đã được cổ đông thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 đến nay vẫn chưa thực hiện được do công ty chưa đáp ứng đủ điều kiện theo yêu cầu của UBCNKK là hoàn thiện các hồ sơ pháp lý liên quan đến dự án.
Cụ thể, công ty có kế hoạch chào bán 50 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền là 4:1 và giá phát hành là 18.000 đồng/cp. Vốn huy động được dùng để đầu tư dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN Ông Kèo 856 ha (xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Trong đó, chi phí bồi thường 700 tỷ đồng, chi phí xây dựng hạ tầng 200 tỷ đồng. Thời gian giải ngân dự kiến 2022 - 2023.
Việc điều chỉnh tiến độ dự án KCN Ông Kèo đã được hoàn tất trong năm 2023. Các công việc còn lại phải thực hiện tiếp gồm: Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, lập lại dự án đầu tư do dự án trước đây được lập từ năm 2008 và đến nay không còn phù hợp, hoàn tất đền bù phần diện tích còn lại để thi công hạ tầng kỹ thuật.
TID đã làm việc với UBND huyện Long Thành về việc thu hồi đất của hai hộ dân còn lại (2,9 ha). Công ty đang tập trung bồi thường phần còn lại gần 207 ha tại KCN Ông Kèo.
HĐQT trình và đã được cổ đông thông qua quyết định dừng triển khai thủ tục chào bán cổ phiếu. Sau khi hoàn tất hồ sơ pháp lý dự án, HĐQT sẽ đánh giá tình hình thực tế và nhu cầu sử dụng vốn tại thời đó để báo cáo cổ đông xem xét lại phương án này.
Phiên thảo luận
Cổ đông: Hiện trạng quỹ đất tại Nhơn Trạch, Đồng Nai, đặc biệt là pháp lý và kế hoạch triển khai?
Bà Đặng Thị Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT: TID trực tiếp quản lý đầu tư, kinh doanh các KCN: Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 6D, An Phước, Tân Phú, Ông Kèo với tổng diện tích 1.800 ha.
Đối với các KCN của công ty con ở Nhơn Trạch do TID quản lý trực tiếp là 1.573 ha diện tích cho thuê. Các KCN này đã hoàn tất xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ bản đã lấp đầy trên 90%.
Riêng KCN Ông Kèo đang đầu tư cơ sở hạ tầng và còn tiếp tục thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Khu dân cư Phú Thạnh - Long Tân thuộc CTCP Đông Sài Gòn nằm ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, TID đang sở hữu 51,52% cổ phần. Kế hoạch năm 2024 tập trung hoàn thiện thủ tục hồ sơ pháp lý dự án, bao gồm bồi thường giải phóng mặt bằng, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng, định hướng sản phẩm và phân khúc phù hợp.
Cổ đông: Kế hoạch niêm yết TID trên HOSE?
Bà Đặng Thị Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT: Đã có chủ trương niêm yết TID tại HOSE và sẽ trình cổ đông phương án vào thời điểm phù hợp.
Chiến lược 2024 - 2030, tổng doanh thu hợp nhất bình quân hàng năm đạt tối thiểu 10.000 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm đạt 10 triệu USD. Đến năm 2035, vốn điều lệ đạt 4.000 - 5.000 tỷ đồng.
Cổ đông: Tỷ lệ sở hữu của TID tại Cảng Phước An?
Bà Đặng Thị Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT: TID không có sở hữu cổ phần tại Cảng Phước An.
Cổ đông: Công ty có ý định thoái vốn ở những lĩnh vực kinh doanh không hiệu quả như cà phê không?
Bà Đặng Thị Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT: Năm 2023, lĩnh vực kinh doanh cà phê có hiệu quả so với những năm gần đây. Sản lượng tiêu thụ đạt 66.423 tấn, tương đương 83% kế hoạch, tăng 18% so với cùng kỳ.
Hoạt động kinh doanh xăng dầu có hiệu quả nhiều năm. Tổng công ty định hướng trong thời gian tới sẽ xuất nhập khẩu xăng dầu.
Cổ đông: Tiến độ dự án Cù lao Tân Vạn, khó khăn lớn nhất hiện nay là gì, TID có kế hoạch gì hỗ trợ công ty con?
Bà Đặng Thị Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT: Khó khăn lớn nhất hiện nay là ảnh hưởng khó khăn chung, bất động sản hiện vẫn trầm lắng, các thủ tục pháp lý gia hạn chứng nhận đầu tư kéo dài hơn so với dự kiến; việc đền bù, giải phóng mặt bằng hai tuyến đường đi vào dự án gặp khó khăn.
Đến nay, dự án đã được gia hạn tiến độ đầu tư do ảnh hưởng dịch COVID-19, đã tái cơ cấu nợ ngân hàng khoảng 1.200 tỷ đồng, đã kiến nghị với UBND tỉnh Đồng Nai về vị trí quỹ đất làm nhà ở xã hội bên ngoài dự án, phấn đấu trong quý III – IV/2024 hoàn tất việc giải phóng mặt bằng hai tuyến đường và phân kỳ đầu tư, đã triển khai thi công 154 căn nhà hình thành trong tương lai.
TID đã hỗ trợ nhân lực có kinh nghiệm, chuyên môn để quản lý, triển khai dự án.
Cổ đông: Những khó khăn khi bồi thường KCN Ông Kèo, tiến độ dự án tính đến nay và kế hoạch triển khai các bước tiếp theo?
Ông Trần Trọng Tuấn, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc: TID được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện dự án KCN Ông Kèo từ năm 2008 với tổng diện tích theo quy hoạch trước đây khoảng 855 ha. Trước khi hình thành KCN Ông Kèo, tỉnh đã cho 10 nhà đầu tư thuê phần diện tích hơn 222,5 ha. Do đó, diện tích dự án khi TID triển khai còn khoảng 633 ha.
Hiện nay, TID đã thực hiện đền bù thỏa thuận 426 ha, còn lại khoảng 207 ha đang đôn đốc các cơ quan chức năng, UBND huyện lên phương án thỏa thuận, bồi thường để TID thực hiện.
Vừa rồi TID đã xin gia hạn giấy phép đầu tư dự án đến năm 2035 tính từ thời điểm Nhà nước giao đất. Trong khi phần diện tích 207 ha chưa được Nhà nước giao đất nên việc đầu tư đồng bộ hạ tầng còn gặp khó khăn.
Mặt khác, quy định pháp luật có nhiều thay đổi, cả quá trình đã tác động đến dự án. Cụ thể, luật trồng trọt quy định về đất lúa mà trước đây không có. Từ năm 2019 quy định phải xử lý mặn 25 cm trên đất lúa thì mới được tiến hành các thủ tục khác.
Hoặc cơ chế xác định bồi thường cây trồng trên đất, xác định đơn giá như thế nào cũng có sự thay đổi… làm ảnh hưởng đến tiến độ bồi thường, thống nhất với người dân.
Một số hộ dân có đất nhưng đến khi lên phương án bồi thường, nhận tiền vẫn chưa tìm được địa chỉ, xác minh thông tin, điều này cũng gây khó khăn về vấn đề thời gian đối với các cơ quan địa chính địa phương, UBND huyện.
Cổ đông: Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 gặp vướng mắc thủ tục đất đai liên quan đến Tín Nghĩa. Ban điều hành chia sẻ thông tin chi tiết về vấn đề này, TID có thiệt hại gì không?
Ông Trần Trọng Tuấn, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc: Thủ tướng có quyết định choTổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, Mã: POW) đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 vào ngày 27/2/2019, tức vào thời điểm KCN của TID đã được hình thành và phát triển. Trong quyết định có nêu việc đầu tư nhà máy nhiệt điện trong KCN Ông Kèo, đồng nghĩa với việc phải tuân thủ theo những quy định của chủ đầu tư hạ tầng KCN như phải ký hợp đồng với TID về thuê đất, sử dụng các dịch vụ hạ tầng.
Trong thời gian qua, TID đã tạo mọi điều kiện như đầu năm 2022 giao trước 36 ha trên tổng diện tích khoảng 48 ha để thực hiện dự án nhiệt điện.
TID đã đeo bám và hoàn tất các thủ tục, đến ngày 17/5 vừa qua TID đã ký hợp đồng thuê đất với Nhà nước và sắp tới sẽ ký hợp đồng cho thuê đất lại đối với nhà đầu tư dự án nhiệt điện 3 và 4.
Về việc PV Power và TID chưa thống nhất được phí sử dụng hạ tầng, TID nhận thức được rằng đây là dự án trọng điểm của quốc gia nên đã xác định mức phí trên cơ sở hài hòa, đã có gia giảm.
PV Power cũng là doanh nghiệp có một phần vốn của Nhà nước, họ có những dự án đầu tư ở những nơi khác và hầu như những dự án này nằm ngoài khu công nghiệp hoặc một số dự án được tỉnh ưu đãi phí hạ tầng bằng ngân sách Nhà nước nên họ không phải trả phí hạ tầng và đề nghị TID xem xét.
Thế nhưng TID là một đơn vị kinh doanh độc lập, không thể nào bao cấp những việc đó được, cho nên TID vẫn giữ quan điểm các nhà đầu tư vào KCN thuê đất, trả phí sử dụng hạ tầng như thế nào thì PV Power vẫn như thế nhưng chúng tôi đã có cân nhắc giảm giá ở mức độ hợp lý.
Hiện nay, hai bên đang đàm phán để đi đến thống nhất mức phí sử dụng hạ tầng này. Có thể việc đàm phán chậm về thời gian nhưng thiệt hại với TID là không có.
Cổ đông: Tổng công ty có kế hoạch mở rộng quỹ đất công nghiệp không và ban điều hành chia sẻ thêm về kế hoạch này nếu có?
Ông Trần Trọng Tuấn, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc: