Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ Tập đoàn Cao su (GVR): Dự kiến thu ít nhất 500 tỷ đồng từ thoái vốn, sắp triển khai dự án KCN tại tỉnh Tây Ninh

Sáng 17/6, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) với 90 cổ đông tham dự, đại diện cho hơn 3,8 tỷ cổ phần, chiếm 97% số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.

Năm 2022, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu và thu nhập khác 29.700 tỷ đồng, tăng 4,79% so với thực hiện cả năm 2021. Lợi nhuận sau thuế dự kiến 5.340 tỷ đồng, tương đương với thực hiện năm 2021. Tuy nhiên, tại đại hội, ông Trần Công Kha, Chủ tịch HĐQT cho biết tập đoàn sẽ cố gắng đạt mức tăng trưởng 5-10%/năm.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của GVR.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, cho năm 2021, công ty dự kiến chia với tỷ lệ 4,1% bằng tiền mặt, tức khoảng 1.640 tỷ đồng, thấp hơn so với 6% công bố hồi ĐHĐCĐ năm 2021.

Cho năm 2022, GVR dự kiến dành 2.000 tỷ đồng trả cổ tức tức tương đương khoảng 5% vốn điều lệ.

Về tình hình chung của ngành cao su, năm 2022 được dự báo là một năm tiếp tục đầy khó khăn, thách thức. Đầu tiên, lĩnh vực cao su là ngành nghề kinh doanh chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất tập đoàn, giá mủ tuy có tín hiệu khởi sắc nhưng vẫn ở mức thấp.

Ở lĩnh vực gỗ, sản phẩm gỗ và công nghiệp cao su tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh gay gắt. Lĩnh vực bất động sản của tập đoàn gặp khó khăn về việc phát triển khu công nghiệp (KCN), cơ chế thuê đất, giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng chưa thuận lợi.

Ngoài ra, rủi ro dịch bệnh COVID-19, xung đột quân sự Nga và Ukraine khiến lạm phát tăng cao, tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh tập đoàn trong năm 2022.

Về nhiệm vụ chính của năm 2022, đầu tiên, GVR dự kiến hoàn thành việc trình và phê duyệt tăng vốn điều lệ cho các công ty TNHH MTV cao su.

GVR cũng dự kiến hoàn thành đề án tái cơ cấu toàn diện tập đoàn sau cổ phần hóa, trọng tâm là thoái vốn đầu tư ngoài ngành, sáp nhập doanh nghiệp, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp và phát triển các khu công nghiệp trên đất cao su.

 Ông Phạm Văn Thành, Thành viên HĐQT của GVR. (Ảnh chụp màn hình).

Phần thảo luận:

Xuyên suốt buổi thảo luận, ông Phạm Văn Thành, Thành viên HĐQT đã trả lời nhiều câu hỏi của cổ đông.

Câu hỏi: Tại sao kế hoạch lợi nhuận năm 2022 lại đi ngang so với năm ngoái?

Hoạt động cốt lõi của tập đoàn có tới 5 mảng, tuy nhiên mảng chiếm lợi nhuận cao nhất vẫn là cao su. Riêng cao su so với năm 2021, điều thuận lợi là thời tiết ổn định hơn, sản lượng dự kiến vượt 6 - 8% với 2021. Tuy nhiên tập đoàn đối mặt với nhiều khó khăn như các chi phí tăng cao, khó có thể cắt giảm được như giá phân bón tăng gấp đôi, giá logistics tăng,...

Ông Thành chia sẻ, định hướng đến 2025, Tập đoàn phát triển mạnh KCN, tuy nhiên các cơ chế về đất đai chưa được tháo gỡ. Tùy tình hình, nếu cơ chế trên được tháo gỡ thì khả năng tập đoàn sẽ vượt kế hoạch trong năm nay.

Khả năng GVR có hoàn thành mục tiêu thoái vốn trong năm 2022?

Hiện tập đoàn trình lên cấp trên và đang chuẩn bị các thủ tục. Nếu kế hoạch được phê duyệt sớm thì GVR sẽ thuê tư vấn thẩm định giá. Tuy nhiên ông Thành cũng nhấn mạnh có yếu tố cần cân nhắc, nếu thị trường khó khăn thì việc thoái vốn sẽ tạm dời vì lý do không hiệu quả. Tập đoàn cố gắng hoàn tất thủ tục trong quý III, và sẽ sớm thoái vốn. Mảng này dự kiến đem về 500 - 600 tỷ đồng lợi nhuận cho tập đoàn.

Vấn đề của KCN Nam Tân Uyên đã được giải quyết chưa ? Lợi thế của KCN VSIP III với KCN Nam Tân Uyên?

Ông Thành cho biết, cơ bản khó khăn KCN Nam Tân Uyên dã được tháo gỡ. Trong quý III, UBND tỉnh sẽ có quyết định giao đất cho KCN này để triển khai giai đoạn 2.

Đại diện tập đoàn cũng cho biết thời gian qua nhiều nhà đầu tư đã đặt cọc, quan tâm nhiều đến các dự án tại KCN Nam Tân Uyên.

Đánh giá lợi thế cạnh tranh giữa VSIP III và Nam Tân Uyên, ông Thành kỳ vọng KCN này sẽ khá tốt và đem lại lợi nhuận cho cổ đông.

Diện tích trồng cao su cụ thể tại mỗi khu vực? Giá cao su dự kiến 6 tháng còn lại?

Diện tích cao su của cả tập đoàn trên 400.000 ha, nước ngoài 115.000 ha, riêng Campuchia 90.00 ha. Cụ thể trong nước, Đông Nam Bộ là khu vực có cao su lớn nhất với trên 150.000 ha. Tây Nguyên 70.000 ha, miền Trung 30.000 ha và phía miền núi Bắc 26.000 - 27.000 ha.

Năm ngoái, năng suất bình quân của cả tập đoàn khoảng 1,51 tấn cao su. Lãnh đạo GVR cho biết năng suất của Việt Nam đang dẫn đầu thế giới.

Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc chiếm trên 50% thị phần tiêu thụ cao su thế giới, tuy nhiên tỷ lệ xuất khẩu của tập đoàn sanng thị trường tỷ dân này chỉ từ 20-30%, còn lại là các thị trường khác: Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu,… Do đó ông Thanh khẳng định tập đoàn ít bị lệ thuộc khi Trung Quốc tăng giá mủ.

Giá mủ cao su bình quân 2021 trên 39 triệu/tấn. 6 tháng qua, giá vẫn giữ đượcc 38-39 triệu đồng/tấn. Ông Thanh đánh giá giá cao su năm 2022 cũng sẽ tương đương 2021 với lợi nhuận đem về khoảng 2.400 - 2.500 tỷ đồng.

Về vật tư phân bón, tập đoàn sẽ cố gắng khống chế, giảm lượng phân bón trong đợt 1, nếu giá giảm thì tiếp tục bón đúng số lượng theo quy trình.

Lý do giảm tỷ lệ cổ tức năm 2021 từ 6% xuống 4,1% bằng tiền mặt?

Thực tế nếu tập doàn dồn để thanh toán cho cổ đông thì vẫn đủ, khoảng 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên chúng tôi dự định trích ra khoảng 670 tỷ đồng cho quỹ đầu tư phát triển và quỹ này dùng để triển khai một dự án KCN tại Tây Ninh mà tập đoàn là chủ đầu tư.

Tính đến cuối quý I/2022, GVR ghi nhận 4.136 tỷ đồng cho quỹ đầu tư phát triển, trong tổng vốn chủ sở hữu gần 54.000 tỷ đồng.

Năm nay, GVR và các đơn vị thành viên sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển các dự án khu công nghiệp/cụm công nghiệp trên đất cao su chuyển đổi theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt (dự án Nam Tân Uyên/An Điền mở rộng tại tỉnh Bình Dương, dự án Hiệp Thạnh tại tỉnh Tây Ninh…).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm