Kế hoạch lợi nhuận 4.370 tỷ đồng năm 2022
Trong năm nay, Chứng khoán SSI trình đại hội đồng cổ đông kế hoạch kinh doanh 2022 đạt 10.330 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng trưởng 31% so với năm 2021, lợi nhuận trước thuế 4.370 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với số thực hiện năm 2021.
Bên cạnh đó, HĐQT cũng trình ĐHĐCĐ thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông với tổng số lượng dự kiến là hơn 104 triệu cổ phiếu. Giá chào bán sẽ không thấp hơn 90% giá đóng cửa bình quân của 10 ngày giao dịch liên tiếp liền trước ngày HĐQT quyết định phê duyệt phương án phát hành chi tiết.
Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ Chứng khoán SSI dự kiến tăng từ 14.921 tỷ đồng lên 15.962 tỷ đồng. Nguồn vốn thu được từ đợt chào bán bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh với mục đích nâng cao năng lực bảo lãnh phát hành, năng lực đầu tư và năng lực giao dịch cho vay ký quỹ.
Bên cạnh đó, HĐQT cũng trình đề nghị ĐHĐCĐ phê chuẩn tiếp tục thực hiện phương án chào án thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 2:1 và sửa đổi, bổ sung mục đích sử dụng vốn của đợt chào bán 6:1 đã thực hiện trong năm 2021 theo yêu cầu của UBCKNN trong quá trình xét duyệt hồ sơ đăng ký chào bán lần này. Đây là nội dung mới phát sinh, chưa được công bố trong tài liệu họp ĐHĐCĐ được công bố thông tin trước đó.
Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng cho biết: “Không giống các doanh nghiệp đa ngành có thể huy động tiền về chỗ này nhưng lại dùng vào mục đích khác, các công ty tài chính chỉ có một nguồn là kinh doanh tiền. Do đó việc huy động vốn phải liệt kê rõ đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương để bổ sung cho đợt phát hành lần này.”
Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng: Ban điều hành chỉ làm sao để công ty hoạt động tốt hơn, nhiều lợi nhuận hơn, giá cổ phiếu do thị trường quyết định
Trong phần đầu đại hội, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Chứng khoán SSI chia sẻ về bối cảnh thị trường hiện tại. “Trong bối cảnh hiện nay nền kinh tế cũng như chứng khoán không chỉ trong nước mà cả trên thế giới đang rất khó dự đoán. Các phiên trồi sụt trên thị trường làm cho nhiều NĐT tham gia cảm thấy không vui vì bị mất tiền. Không ngoài số đó, trong hơn 80.000 cổ đông của SSI cũng có rất nhiều người đang buồn phiền vì hoàn cảnh này.
Những người làm chủ công ty chỉ mong sao giá cổ phiếu của công ty mình tốt nhất và làm sao cho công ty phát triển bền vững, đạt nhiều lợi nhuận nhất. Nhưng thực tế những người đang điều hành công ty chỉ làm được việc là làm sao công ty hoạt động tốt hơn, minh bạch hơn và mang lại nhiều lợi nhuận, còn giá cổ phiếu hoàn toàn do thị trường quyết định.
Thị trường chứng khoán sinh ra với hai mục đích. Thứ nhất là huy động vốn cho nền kinh tế, thứ hai là để nhà đầu tư có thể chuyển dịch, đầu tư, đầu cơ vào tài sản của mình. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đều có những cơ hội kèm với rủi ro tiềm ẩn mà mỗi người tự chọn cho mình.”
Chia sẻ tại tại hội, ông Nguyễn Hồng Nam, Tổng Giám đốc của Chứng khoán SSI cho biết trong năm vừa qua công ty tăng cường tiếp cận nguồn vốn quốc tế từ các định chế tài chính từ Đài Loan, Hàn Quốc. Đây là nguồn vốn có nguồn vốn có chi phí vốn tối ưu nhằm tăng sức cạnh tranh khi cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên thị trường. Về SSIAM, đơn vị này đang quản lý hơn 9.000 tỷ đồng tài sản.
Sau phần đọc các tờ trình, đại hội bước vào phiên thảo luận, nhà đầu tư đặt các câu hỏi liên quan đến hoạt động kinh doanh cho ban lãnh đạo công ty.
HỎI - ĐÁP:
SSI tham gia kinh doanh trái phiếu có phần muộn hơn và gần đây thị trường có nhiều biến động, ông đánh giá sao về mảng này và gần đây tác động ra sao tới SSI?
Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng: Thứ nhất, tôi xin đính chính SSI tham gia mảng trái phiếu muộn hơn là không đúng. SSI tham gia mảng trái phiếu sớm. Tuy nhiên có thể tham gia với quy mô vừa phải và từng bước chứ không phải chậm hơn.
Tôi nghĩ bất kỳ sản phẩm tài chính nào đều có hai mặt của nó. Nếu chúng ta làm tốt quy trình pháp luật rồi có khả năng đảm bảo an toàn cho trái phiếu, chi trả cho trái phiếu. Công ty phát hành trái phiếu không vượt quá mức vốn có, tổ chức kinh doanh có khả năng sinh lời vượt lợi tức trái phiếu để giữ được thanh khoản cho nhà đầu tư. Tôi nghĩ đó là điều tốt, kênh huy động tốt cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, tất cả điều gì được lạm dụng quá lên trở thành nguy cơ cho nền kinh tế cũng như là nguy cơ cho hệ thống tài chính ngân hàng. Khi trở thành nguy cơ thì cơ quan quản lý nhà nước cần phải siết lại, đâu đấy cũng là một việc chính đáng.
Ở SSI, tất cả chương trình làm trái phiếu cho doanh nghiệp cũng như tư vấn doanh nghiệp, tôi có thể khẳng định rằng tất cả đều trong khuôn khổ pháp luật và hiện nay có thể kiểm soát một cách tuyệt đối tất cả “deal”phát hành trái phiếu, nhà đầu tư, phát hành đều có tài sản đảm bảo và khả năng trả của các doanh nghiệp liên quan đến SSI là đầy đủ. Lượng phát hành trái phiếu của SSI là không lớn.
Năm 2020 – 2021, dòng tiền NĐT cá nhân nâng đỡ thị trường. Vậy năm 2022 đâu là điểm tựa của thị trường chứng khoán, SSI có nghi ngại dòng tiền rút bớt khỏi thị trường hay không?
Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng: Như tôi nói, thị trường chứng khoán có hai chức năng. Thứ nhất là huy động vốn cho nền kinh tế, chức năng thứ hai là tổ chức giao dịch để tăng thanh khoản của thị trường để nhà đầu tư có thể chủ động được với tài sản của mình. Nếu người này mua rẻ thì người khác đã bán rẻ, nếu người khác mua đắt thì người khác đã bán đắt.
Bản thân thị trường chứng khoán không sinh ra tiền. Chính vì vậy sẽ có các chu kỳ. Chu kỳ thứ nhất là chu kỳ thứ nhất là khi tiền rẻ được bơm vào, những người nào chấp nhận rủi ro đầu cơ tài sản sẽ thu lợi rất nhiều. Khi tiền rẻ giảm thì lúc đó những tài sản có khả năng sinh lời sẽ trở thành điểm quan trọng để thu lời trong thị trường tài chính.
Tôi nghĩ khi vốn trong nước trở nên đắt, thị trường chứng khoán giảm là cơ hội cho các dòng tiền nước ngoài vào để họ có thể tham gia kinh doanh ở thị trường chứng khoán Việt Nam. Thế nên tất cả phụ thuộc vào quản trị rủi ro, nhận định về tương lai của thị trường của mỗi nhà đầu tư là khác nhau. Chính vì nhận định khác nhau nên có người mua sẽ có người bán chứ cùng nhận định theo một kiểu thì chẳng có ai mua, chẳng có ai bán.
Tôi nghĩ rằng cơ hội của năm 2022 là cơ hội của những người có dòng tiền có thể không vay mượn để mua được tài sản trong khoảng giá để có thể thu lời, thực sự an toàn hơn rất nhiều khi ta “đu đỉnh”. Tức là mua xong chờ lên chứ không biết tại sao lên và tại sao xuống.
TTCK sau hai năm bùng nổ bởi các NĐT cá nhân thì đang có dấu hiệu hạ nhiệt, giá trị giao dịch gần đây chỉ khoảng 14.000 – 17.000 tỷ đồng. Theo ông, việc này ảnh hưởng ra sao tới ngành chứng khoán?
Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng: Những phiên giao dịch cuối năm 2021 và đầu năm 2022 là những phiên giao dịch trong mơ của những người làm chứng khoán. Nếu như cách đây 1 năm chúng ta đạt được mức giao dịch 14.000 – 17.000 tỷ đồng một phiên là điều mơ ước. Vì chúng ta đạt được phiên giao dịch lên đến 30.000, 40.000 tỷ đồng nên xuống 14.000 – 15.000 tỷ đồng chúng ta cảm thấy đó là sự thay đổi khủng khiếp. Nhưng thực sự cứ tăng dần dần từ năm ngoái đến năm nay mà không có bước đột phá như kia thì đây lại là điều mơ ước.
Tôi nghĩ rằng 14.000 – 17.000 tỷ đồng đối với nền kinh tế Việt Nam khoảng 300 tỷ USD GDP tôi nghĩ vẫn là con số lý tưởng. Tất nhiên cơ hội kinh doanh của các CTCK sẽ giảm đi nếu thanh khoản giảm đi như thế này. Nhưng chúng ta không thể lấy điều kiện trong mơ mãi trong đời thực.
Tôi nghĩ rằng con số 14.000, 17.000 cho đến 20.000 tỷ đồng vẫn là con số mơ ước đối với những người làm tài chính chứng khoán tại Việt Nam trong giai đoạn này cũng như những năm tiếp theo. Với mức độ tăng trưởng 10 – 15% mỗi năm, tôi nghĩ đấy là một điều lý tưởng.
Với SSI, như chúng ta vừa nghe anh Nguyễn Hồng Nam, CEO trình bày kế hoạch kinh doanh. Chúng tôi đánh giá với điều kiện như thế này thì chưa cần điều chỉnh kế hoạch kinh doanh đặt ra và vẫn đạt tăng trưởng trên 30% so với năm 2021. Đây là một năm đỉnh cao của SSI trong 21 năm hoạt động, đây là năm đỉnh cao nhất. Nếu có gì đấy thay đổi lớn hơn chúng tôi đã có điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trong phiên đại hội cổ đông này rồi.
Ông bình luận như thế nào về xu hướng thị trường gần đây và trong tương lai gần khi nhiều nhà đầu tư đang lo ngại giai đoạn 2018 trở lại?
Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng: Trong kinh doanh chứng khoán mà cứ dự báo những cái ngắn hạn thì thực ra những người làm vĩ mô như tôi không phải năng khiếu. Tôi quan tâm hơn đến nền tảng của nền kinh tế dài hạn. Tôi vẫn đánh giá cao cơ hội của thị trường. Tuy nhiên, những điều kiện biến đổi bên ngoài mà thực ra chúng ta không kiểm soát được ví dụ câu chuyện chiến tranh Nga – Ukraine dẫn đến câu chuyện của phương Tây và Nga, chuyện toàn cầu hóa chúng ta nhận thấy là rất nguy hiểm. Sau này tăng giá vận chuyển rồi các thị trường.
Tất nhiên rủi ro chỗ này thì sẽ phát sinh cơ hội. Ví dụ bên Ả Rập, lương thực thực phẩm từ Nga, Ukraine sang không có thì lại là cơ hội bán lương thực thực phẩm sang bên đó. Quý I ngành sản Việt Nam phát triển rất tốt. Đâu đó có cơ hội và chúng ta phải thích nghi. Việc quan tâm chính sách phát triển dài hạn của thị trường như phát triển thị trường vốn, nâng hạng thị trường, mức độ tham gia của nhà đầu tư cá nhân và độ quan tâm của nhà đầu tư đối với thị trường thì tôi nghĩ những biến đổi ngắn hạn có thể làm nhiều nhà đầu tư mất tiền nếu như chúng ta cũng chỉ dựa bảo biến đổi ngắn hạn để đầu tư.
Chúng ta dựa vào biến đổi ngắn hạn để quyết định đầu tư mua hay bán, chúng ta sẽ thua thiệt. Nhưng nếu chúng ta nhìn nhận một câu chuyện vĩ mô dài hơn, nhìn nhận cơ hội đánh giá vĩ mô, quyết tâm nâng hạng thị trường, quan tâm của nhà đầu tư trong ngoài nước, đặc biệt là quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.