Sáng ngày 8/5, Công ty cổ phần Gỗ An Cường (Mã: ACG) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 theo hình thức trực tuyến.
Năm 2025, công ty đặt mục tiêu doanh thu gần 4.047 tỷ đồng, tăng 1,7% so với năm ngoái. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 450 tỷ đồng, cao hơn 7,2% so với cùng kỳ. Hạn mức tín dụng sẽ duy trì quanh 2.810 tỷ và ngân sách đầu tư 100 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo định hướng giai đoạn 2025-2030 sẽ tiếp tục lộ trình ứng dụng chuyển đổi số, tái cấu trúc nguồn lực nhằm gia tăng vị thế cạnh tranh, duy trì vị thế số 1 ở thị trường trong nước ở phân khúc cao và trung cấp, duy trì báo cáo lành mạnh và đảm bảo nguồn vốn dự phòng trước diễn biến phức tạp của thế giới.
Riêng 3 tháng đầu năm, công ty vẫn có sự tăng trưởng ổn định ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Doanh thu tăng hơn 15,4% lên 802 tỷ đồng (doanh thu xuất khẩu chiếm 195 tỷ) và lợi nhuận ròng tăng 4,4% đạt 85 tỷ đồng.
Công ty cho biết lợi nhuận không thể bắt kịp đà tăng trưởng của doanh thu bởi sự biến động ở một số đơn hàng xuất khẩu và doanh thu tài chính sụt giảm 17% so với cùng kỳ.

Chỉ tiêu kinh doanh của Gỗ An Cường. Nguồn: Huy Lê tổng hợp.
Về chính sách cổ tức, công ty sẽ duy trì mức chia 15% cho cả năm 2024 và 2025.
Trong đó, đơn vị đã thực hiện tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt đợt 1/2024 với tỷ lệ 8% và sẽ chi tiếp đợt 2/2024 tỷ lệ 7% vào quý II. Tổng mức chi trả 15%, tương đương số tiền 226 tỷ đồng.
Cũng tại đại hội, cổ đông bỏ phiếu về phương án sáp nhập Công ty TNHH Sản xuất Gỗ An Cường vào Công ty cổ phần Gỗ An Cường. Mục đích để tối ưu hóa nguồn lực tài chính, nhân sự và tài sản thông qua tái cơ cấu tổ chức.
Đây là công ty con do An Cường nắm 100% vốn điều lệ 797 tỷ đồng. Thời gian thực hiện sáp nhập trong giai đoạn 2025-2026, theo hình thức tiếp nhận toàn bộ quyền và nghĩa vụ liên quan.
Phiên thảo luận
Ảnh hưởng của thuế quan từ Mỹ lên công ty?
Chủ tịch HĐQT Lê Đức Nghĩa: Thực sự đây là vấn đề nhức đầu không chỉ Việt Nam mà còn thế giới. Năm nay xuất khẩu của An Cường vào Mỹ vẫn rất tốt, hiện tháng 3 nhưng nhà máy đã chạy hết công suất đến cuối năm. Nếu không có gì thay đổi thì năm nay chúng ta xuất vào Mỹ phải tăng gấp rưỡi, gấp đôi năm ngoái.
Tôi có nói chuyện với các bên liên quan thì nhìn nhận tình trạng không đến nỗi tồi tệ, đang cố gắng đàm phán về mức 15-20%, đây là mức mà nhà máy chúng ta có thể chạy được.
Trong trường hợp xấu nhất áp thuế 30-46%, bản thân tôi cũng có kế hoạch, đó là sẽ tìm đối tác ở những nước có thuế thấp để đem máy móc sang hợp tác sản xuất.
Chúng ta đã có sẵn khách hàng, đã có cách làm, đã có phần mềm quản trị, máy móc thì khấu hao gần hết. Cạnh tranh hơn nhau ở cách làm chứ không phải hơn nhau ở máy móc.
Ví dụ như Trung Quốc khi bị áp thuế thì đổ xô sang Việt Nam trong vòng 3 đến 4 tháng là họ có thể setup một nhà máy để sản xuất lại bình thường. Bản thân tôi cũng cũng nghiên cứu mấy năm nay về cách làm của người Trung Quốc, chỉ 3 đến 4 tháng là tôi có thể setup một nhà máy ở Philippines để chúng ta xuất ngược vào Mỹ.
Bản thân tôi hy vọng có thể đàm phán được thuế hợp lý và chúng ta sẽ vẫn tiếp tục làm. Bởi vì làm gì có dân Mỹ nào đi làm may mặc, làm gì có dân Mỹ nào đi làm nội thất đâu. Nên là họ không mua hàng nội thất của chúng ta thì họ mua đâu. Thực sự là như vậy nên tôi vẫn rất tự tin là không có gì tồi tệ lắm.

Lãnh đạo Gỗ An Cường điều hành đại hội. Ảnh: Huy Lê.
Kế hoạch bán hàng của công ty trong trường hợp xấu nhất là thuế vẫn giữ nguyên? Tỷ trọng tại thị trường Mỹ hiện bao nhiêu? Nếu chuyển sang các thị trường khác thì chi phí sẽ thế nào và độ trễ là bao lâu?
Chủ tịch: Có thể chuyển sang các nước có thuế rẻ, có thể chuyển sang Trung Đông, Nhật, Australia, Canada, Đông Nam Á... với doanh số vài triệu USD để giảm phần hụt thu từ thị trường Mỹ
Với kinh nghiệm 30 năm trong nghề, tôi nghĩ chúng ta không đến nổi tệ, và có nhiều điểm sáng hơn các công ty trong ngành.
Toàn bộ xuất khẩu sang Mỹ đâu đó 12% doanh, là một tỷ lệ không lớn. Trong trường hợp xấu nhất mất 12% thì có thể bù đắp bằng cách sang các thị trường Nhật, Canada, Trung Đông... thì có thể lấy lại được 7% và nhiều nhất mất 5%.
Công ty có thể chia sẻ triển vọng nhu cầu và xuất khẩu năm 2025-2026? Có hiện tương gia tăng đơn hàng không?
Chủ tịch: Các mặt hàng của An Cường vẫn chịu thuế, nhưng ở một số mặt hàng tạm thời không bị vì đang thuộc diện điều tra. Nói chung là gỗ là cũng bị ảnh hưởng từ Mỹ chứ không phải không bị, sẽ tùy thuộc vào đàm phán.
Hiện tại đơn hàng tất nhiên là tăng lên vì chúng ta đang gồng mình chạy. Công ty cũng có đàm phán với lại các đối tác Mỹ để bơt 8-10% lợi nhuận để giải quyết hết hàng tồn.
Lợi nhuận xuất khẩu quý I năm nay thấp vì phải giảm giá cho khách hàng, chiết khấu khi khách hàng mua khối lượng lớn, áp lực cạnh tranh cũng phải hạ giá bán để có thể tăng sản lượng nhằm giúp nhà máy chạy hết công suất.
Thị trường nội địa chưa tăng vì sao? Đánh giá thị trường bất động sản?
Chủ tịch: Từ đầu năm đến giờ chúng tôi chào vào các dự án bất động sản ở Việt Nam thì tăng vài lần. Năm ngoái các dự án bất động sản bắt đầu được tháo gỡ là một cơ hội rất lớn,
Bây giờ bất động sản nó bắt đầu triển khai thì mảng nội thất của công ty đâu đó phải điểm rơi phải vào 2026 2027 và sớm nhất vào cuối năm 2025, chứ không thể nào ăn xổi ở thì ngay được.
3 năm qua là cực kỳ khó khăn khi bất động sản đóng băng và đại dịch Covid-19, nếu không thì An Cường đã có thể lãi nghìn tỷ là chuyện bình thường.
Bất động sản đã có tín hiệu tốt rất tốt trở lại sẽ giúp công ty tăng trưởng rất lớn. Năm ngoái công ty gần như mất nguồn thu từ bất động sản, bù lại bằng bán lẻ và bằng xuất khẩu. Bây giờ xuất khẩu khó khăn thì lại có bất động sản quay lại.
Tôi tin rằng chính phủ đợt này sẽ tháo gỡ rất triệt để, từ đầu năm đến nay An Cường chào vào các dự án tăng chóng mặt. Điểm rơi cho nội thất An Cường sớm nhất cuối 2025 hoặc 2026-2027 khi bất động sản nóng lên.
Trước biến cố thế quan từ Mỹ, ban lãnh đạo có ý định sẽ điều chỉnh kế hoạch kinh doanh không?
Chủ tịch: Tôi cũng khẳng định là không điều chỉnh. Năm ngoái nhiều cổ đông cũng nói với tôi là tại sao là kế hoạch kinh doanh 2024 lại bằng 2023, bởi vì tôi thấy kinh doanh rất là tốt nhưng mà tôi lường trước được phải trích lập dự phòng
Năm nay công ty cũng phải trích lập một ít và tình hình biến cố của Mỹ, nhưng chúng ta sẽ bù đắp bằng các thị trường như Nhật, Canada, Đông Nam Á, Trung Đông, Hồng Kông (Trung Quốc).
Chúng tôi không không điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chúng tôi vẫn tự tin là sẽ đạt được mục tiêu trong năm 2025.
Vấn đề trích lập khoản phải thu thu, nhất là với Novareal?
Chủ tịch: Báo cáo với cổ đông là năm ngoái trích lập dự phòng đâu đó hơn 200 tỷ, làm giảm lợi nhuận về còn 420 tỷ đồng. Riêng hoạt động sản xuất cốt lõi năm ngoái vẫn rất tốt và kỳ vọng năm nay sẽ giảm trích lập.
Dự phòng năm ngoái chủ yếu là khoản nợ của Novareal, hiện đã được đàm phán xử lý. Phần lãi dự kiến trả bằng 13 shophouse và tiền gốc sẽ trả dần 2-3 năm.
Tình hình sẽ ra sao sau 90 ngày hoãn thuế?
Chủ tịch: Chúng ta đang hy vọng là đạt được mức thuế 15-20%. Tôi cũng nói chuyện với đối tác Mỹ thì mức 15-20% thì vẫn làm được, vẫn làm tốt. Nên là quý vị cũng yên tâm, cũng đừng có hoang mang quá bởi vì thực sự là thị trường Mỹ họ vẫn rất cần chúng ta.
Lợi nhuận công ty gần như đi ngang, có động lực tăng trưởng nào không?
Chủ tịch: Chúng tôi cũng còn rất nhiều kế hoạch lớn, liên doanh với nước ngoài, xây thêm nhà máy và kế hoạch làm thêm một vài thứ nữa. Tôi tin rằng khi mà thị trường bất động sản ấm lên và thị trường Mỹ quay trở lại thì An Cường sẽ phất lên.
Mức doanh thu tăng trưởng 20-30% năm và lợi nhuận tăng trưởng đâu đó 20%/năm là điều hoàn toàn làm được.
Còn thực sự mấy năm sống sót được và có lợi nhuận được 400-500 tỷ, duy trì được vốn chủ sở hữu với lượng tiền mặt lớn thì cũng cho chúng tôi một lời khen, chứ không phải đơn giản.
Cạnh tranh hàng giá rẻ Thái Lan, Trung Quốc ra sao?
Chủ tịch: Hiện nay hàng của Thái Lan hay hàng Trung Quốc làm rất tệ. Tôi cảm thấy chẳng có gì phải sợ cả bởi vì trong một thị trường như này họ càng làm tệ hại, càng là lộn xộn thì họ càng mất thị phần thôi.
Còn An Cường không mất thị phần. Công ty vẫn có một sân chơi riêng bởi vì hàng của chúng ta đảm bảo chất lượng, tiêu chí an toàn sức khỏe cho con người và ở một phân khúc chất lượng khác.
Thị phần gỗ công nghiệp An Cường đâu đó khoảng hơn 10% nhưng ở phân khúc trung cao cấp thì phải nắm trên 50%. Công ty cũng bám theo thị trường trugn và cao cấp và cao cấp thay vì thị trường thấp cấp.
Làm sao tăng thanh khoản cổ phiếu
Chủ tịch: Cổ phiếu công ty khá cô đặc, bản thân tôi nắm giữ 51% và hai quỹ đầu tư lớn cũng nắm gần 40% nữa, chưa kể cán bộ công viên cũng không bán ra nhiều, do đó lượng cổ phiếu ngoài thị trường đâu đó chỉ 5-10%.
Sắp tới mà khi mà tôi có những thỏa thuận với các quỹ đầu tư về việc tôi không phải nắm quá 51% nữa thì tôi cũng sẽ bán ra một phần để tăng thanh khoản cho cổ phiếu.
Tỷ lệ chia cổ tức thấp so với giá cổ phiếu?
Chủ tịch: Tỷ lệ chia cổ tức thực sự chưa được như kỳ vọng, nhưng mà so thị trường thì vẫn rất tốt, nhất là trong lúc công ty kinh doanh khó khăn, dòng tiền bị ở các dự án bị tắc làm tăng nợ xấu.
Công ty vẫn cam kết chia vài trăm tỷ mỗi năm, cố gắng tăng mức chia cho cổ đông lên tương đương với mức lãi suất ngân hàng.
Năm nào chúng ta cũng chia vài trăm tỷ đồng cổ tức, trong khi có những công ty 5-10 năm chẳng chia đồng nào dù có lãi. Bản thân tôi cũng rất muốn chia bởi vì gia đình tôi cũng phải cần tiền để tiêu xài, chúng tôi sẽ tăng tỷ lệ này lên một mức hài hòa.