SHB:
Chiều nay, ngày 25/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tại khách sạn Melia trên phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đại hội sẽ biểu quyết thông qua nhiều nội dung, trong đó bao gồm kế hoạch kinh doanh năm 2024, phương án chia cổ tức và phương án tăng vốn điều lệ.
Theo báo cáo của Ban kiểm tra tư cách cổ đông, tại thời điểm 14h10 có 1.361 cổ đông tham dự, đại diện cho xấp xỉ 67% số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội đủ túc số để tiến hành.
Hoàn thành tất cả các nghị quyết do ĐHCĐ giao trong năm 2023
Đại diện cho Hội đồng quản trị (HĐQT), ông Đỗ Quang Vinh, Phó chủ tịch thường trực HĐQT đã báo cáo tóm tắt về hoạt động của HĐQT trong năm vừa qua. Ông Vinh cho biết, tất cả các nghị quyết do cổ đông giao ở đại hội năm 2023 đều được Ngân hàng thực hiện. Trong đó có: Kết quả kinh doanh đạt tốt, lợi nhuận trước thuế 9.239 tỷ đồng; vốn tự có hơn 70.268 tỷ; Trả cổ tức để tăng vốn thêm gần 6.000 tỷ đồng và phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên, qua đó nâng vốn điều lệ lên hơn 36.629 tỷ đồng; Thoái vốn của SHB tại Công ty tài chính SHB FC...
Đặc biệt việc việc được lựa chọn vào rổ chỉ số VN30 khẳng định tiềm lực tài chính, uy tín của SHB cũng như vị thế của cổ phiếu SHB trên thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, SHB và nhà đầu tư đã ký thoả thuận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của SHB tại SHB Lào và hiện đang làm các thủ tục xin phép Chính phủ và NHNN của hai nước để hoàn thiện thoả thuận. SHB cũng đang lựa chọn đối tác phù hợp để thực hiện chuyển nhượng vốn/ chuyển đổi mô hình hoạt động của SHB Campuchia.
Kế hoạch lãi 11.286 tỷ đồng trong năm 2024
HĐQT của SHB nhận định năm 2024, tình hình thế giới và khu vực còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; hậu quả của đại dịch Covid-19 còn tác động kéo dài. Trong nước, nền kinh tế có những thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen. Tuy thách thức và khó khăn lớn nhưng triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn còn điểm sáng và lạc quan. Nền kinh tế Việt Nam được nhiều chuyên gia dự báo sẽ phục hồi nhờ những động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh đó, SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 11.286 tỷ đồng, tăng 22,2% so với mức thực hiện của năm 2023. Tổng tài sản dự kiến sẽ tăng 11,2%, lên 701.000 tỷ đồng; trong đó tổng dư nợ cấp tín dụng tăng 14%, đạt 518.555 tỷ đồng. Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu dự kiến sẽ được kiểm soát dưới mức 3%.
Để thực hiện kế hoạch trên, Ngân hàng sẽ triển khai 6 nhóm giải pháp, bao gồm: quản trị điều hành; thúc đẩy tài chính xanh, phát triển bền vững; phát triển khách hàng; cơ chế, chính sách quản trị rủi ro; tổ chức bộ máy, nhân sự và chuyển đổi số.
Những chỉ số kinh doanh tích cực
Bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc SHB trình bày báo cáo của Ban điều hành. Bà Hà cho biết, trong năm 2023, bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam. Trước tình hình đó, Chính phủ chủ động, linh hoạt, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và nhờ đó kinh tế vẫn đạt kết quả khả quan. Riêng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, NHNN chủ động bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai tối ưu các công cụ và giải pháp nhằm đảm bảo sự an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Trong bối cảnh ấy, SHB hoàn thành nhiều chỉ tiêu trọng yếu được ĐHCĐ năm 2023 giao. Cụ thể, SHB ghi nhận tổng tài sản tăng 16,2%, đạt 630.501 tỷ đồng. Vốn tự có đạt hơn 70.268 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 9.239 tỷ đồng, giảm 405 tỷ so với năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu do SHB tăng cường trích lập dự phòng để đảm bảo an toàn hoạt động cho ngân hàng.
Đặc biệt, các chỉ số an toàn hoạt động, quản lý rủi ro của SHB đều đạt ở mức tốt so với quy định của NHNN và thông lệ chuẩn mực quốc tế. SHB cũng được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's giữ nguyên mức xếp hạng tín nhiệm B1. Điều này cho thấy, SHB tiếp tục củng cố hoạt động an toàn, hiệu quả và bền vững trong bối cảnh thị trường toàn cầu trải qua nhiều biến động và đầy thách thức.
Chia cổ tức tỷ lệ 16%, trong đó 11% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt
Tổng giám đốc SHB cũng báo cáo với cổ đông phương án phân phối lợi nhuận năm 2023. Cụ thể, dựa trên kết quả kinh doanh năm 2023 và mức lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ là hơn 5.900 tỷ đồng. HĐQT Ngân hàng SHB thực hiện phương án chia cổ tức với tổng tỷ lệ 16% vốn điều lệ (tương ứng 5.859 tỷ đồng), gồm 5% bằng tiền mặt và 11% còn lại bằng cổ phiếu.
Dự kiến sau khi hoàn tất chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên gần 40.658 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn vốn tăng thêm sẽ được dùng chủ yếu vào mục đích cho vay doanh nghiệp, bao gồm cho vay bổ sung vốn lưu động, tài trợ tài sản cố định và cho vay sản xuất kinh doanh, thực hiện dự án. Thời gian giải ngân dự kiến là quý 3 hoặc quý 4/2024 hoặc đến khi hoàn thành kế hoạch phát hành.
Tại đại hội cổ đông năm nay, SHB còn trình tới cổ đông một số nội dung quan trọng khác, trong đó có kế hoạch niêm yết trái phiếu SHB phát hành ra công chúng với số lượng 5000 tỷ đồng mệnh giá để tăng vốn cấp 2 nhằm tăng nguồn vốn trung và dài hạn để cấp tín dụng cho khách hàng.
SHB cũng trình kế hoạch miễn nhiệm nhân sự đối với hai người. Đầu tiên là ông Đỗ Đức Hải, thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027 do ông Hải muốn thôi chức thành viên HĐQT để chủ động, sẵn sàng đáp ứng quy định của Luật TCTD 2024 và tập trung công tác điều hành kinh doanh SHB. Tiếp theo là ông Haroon Anwar Sheikh cũng xin từ nhiệm thành viên HĐQT độc lập vì lý do cá nhân.
Hỏi đáp cổ đông: Cổ đông chất vấn nhiều câu hỏi "nóng"
Có 7 cổ đông đặt câu hỏi trực tiếp.
Đầu tiên, một cổ đông lâu năm của SHB phát biểu: (1) Tỷ lệ nợ xấu trong năm 2024 vẫn để 2,7% nhỏ hơn 3%, nên sửa lại là 2,5%. Việc giảm đi 0,1-0,2% là bớt được nợ xấu rất nhiều, tăng hiệu quả của ngân hàng. BĐH cần thẩm định tốt hoạch định đầu tư, đảm bảo tính hiệu quả kinh tế của từng dự án, kiểm tra trước và sau dự án và thu hồi vốn tốt.
(2) Về chia cổ tức, cổ đông đề nghị có 2 phương án chia, và nên chia cổ tức bằng tiền mặt trước sau đó chia cổ tức bằng cổ phiếu. (3) Trụ sở chính của ngân hàng không hoành tráng, đề nghị Ban lãnh đạo cho biết tiến độ xây trụ sở chính thế nào vì cổ đông cũng mong muốn ngân hàng có trụ sở đẹp, hoành tráng như ngân hàng khác. (4) Là ngân hàng trong VN30 nhưng hiện giá cổ phiếu chỉ có 11.1, thâm chí dưới 10, cổ đông không thích. Cổ đông đề nghị cần có biện pháp cụ thể, đưa giá cổ phiếu khớp lệnh lên trên 12 hay trên 15?
Cổ đông khác hỏi Chủ tịch SHB cho biết kế hoạch chuyển nhượng vốn cho NĐT nước ngoài, năm ngoái nhắc đến năm nay chưa nhắc lại? Cổ đông cũng hỏi Tổng giám đốc Ngô Thu Hà rằng kế hoạch kinh doanh rất táo bạo thì bà đánh giá thế nào về tính khả thi của mục tiêu năm nay? KQKD quý 1 thế nào?
Các cổ đông khác hỏi về dư nợ cho vay bất động sản và rủi ro của các khoản vay đó thế nào? Khoản đầu tư tại Lào có mức tăng so với giá trị của năm ngoái nhưng tại Lào có lạm phát rất cao năm vừa qua, vậy tình hình đó có ảnh hưởng đến việc thoái vốn của SHB hay không, đề nghị HĐQT làm rõ thêm?
Có cổ đông thì thắc mắc tại sao HĐQT lại phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức? Điều này có bị ảnh hưởng tới giá cổ phiếu và lo ngại pha loãng cổ phiếu hay không? Một số công ty khi phát hành thêm cổ phiếu thì giá cổ phiếu thường giảm và điều này khiến cổ đông lo ngại.
Ông Đỗ Quang Hiển và bà Ngô Thu Hà trả lời cổ đông
Ông Đỗ Quang Hiển cho biết, thực sự SHB luôn minh bạch, phản ánh đúng thực trạng hoạt động. Tình hình quốc tế cũng như Việt Nam trong năm qua có nhiều khó khăn. Khó khăn của doanh nghiệp ảnh hưởng đến ngân hàng. Nợ xấu tăng không ai mong muốn, do tình chung chúng ta xác định nợ xấu tăng là hiện nay ở mức 2,7%. Nói thật, đó là hoạt động chung của nên kinh tế và các doanh nghiệp và ngân hàng cần đồng hành và chia sẻ. Chúng ta vẫn kiểm soát được và đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đồng hành cùng SHB vượt qua khó khăn, đảm bảo hoạt động an toàn, bền vững.
Về xử lý nợ xấu, HĐQT, BĐH tập trung cao độ xử lý nợ xâu từ nay đến hết tháng 9. Chúng tôi thành lập các tổ từ hội sở đến chi nhánh phòng giao dịch, trực tiếp làm rõ với các giải pháp phù hợp, hỗ trợ đồng hành với khách hàng vượt qua khó khăn, thu hồi khoản nợ xấu cần thiết, giảm nợ xấu của SHB. Đưa ra con số thì như vậy, nhưng ban lãnh đạo quyết tâm là dưới 2,5%.
"Tôi muốn đưa con số khả thi chứ không muốn đánh bóng" - ông Hiển nói và nhận được tràng pháo tay lớn từ các cổ đông.
Bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc SHB trả lời. Về kế hoạch kinh doanh, Ngân hàng đặt ra dựa trên cơ sở rõ ràng, trong đó có các sản phẩm cho từng phân khúc khách hàng, hoặc chuỗi cung ứng giá trị cho khách hàng doanh nghiệp hay khách hàng bán lẻ; phải giảm chi phí đầu vào; đầu tư hệ thống bảng cân đối tài sản đã có, làm sao các kỳ hạn có hiệu quả, gia tăng thêm hoạt động phi tín dụng như ngoại tê,… SHB cũng giám sát chặt chẽ chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu đóng góp vào lợi nhuận 2024. Ngoài ra ngân hàng còn có dự án chuyển đổi số để tăng khách hàng, giảm chi phí vốn. Để minh chứng cho tính khả thi kế hoạch 2024, đến tháng 3/2024, lợi nhuận đạt hơn 4000 tỷ đồng.
Ông Đỗ Quang Hiển tiếp tục trả lời: Trong chiến lược của HĐQT, SHB có chiến lược rất rõ ràng và đặc biệt là công tác chuyển đổi với các khối chuyển đối là các thành viên là lãnh đạo ngân hàng nước ngoài về với SHB trực tiếp điều hành khối chuyển đổi.
SHB là ngân hàng đầu tiên thực hiện chủ trương của Chính phủ thực hiện sáp nhập với 1 ngân hàng lâu đời và đã thành công (Habubank). Đó là quá trình rất vất vả khi tập trung xử lý nợ. Đến bây giờ, Ngân hàng đã thực hiện sáp nhập và chuyển đổi thành công. "Chúng tôi tham gia vào các công trình trọng điểm thành công. SHB là ngân hàng có quy mô lớn của Việt Nam" - ông Hiển nói.
"Sau 30 năm chúng tôi thấy rằng phải thay đổi với 4 trụ cột. Hiện nay chúng tôi có 5 chủ thể thực hiện 4 trụ cột này như các chuyên gia hàng đầu về pháp lý cơ chế thể chế chính sách.
Riêng chiến lược, SHB tập trung am hiểu và đưa những sản phẩm tiện ích hiện đại làm thoả mãn lựa chọn của khách hàng trên nền tảng tệp khách hàng lớn, chuỗi cung ứng giá trị.
Chúng ta sẽ tăng dịch vụ, cải cách lấy khách hàng làm trung tâm. SHB đẩy mạnh tài trợ chuỗi sinh thái và xuất nhập khẩu để tăng thu từ dịch vụ. Chúng tôi xác định bứt phá, đưa ra công nghệ chuyển đổi số cạnh trạnh tạo ra sự khác biệt" - ông Hiển trả lời cổ đông.
Ông Hiển khẳng định thêm, 2024 là năm bản lề SHB bứt phá.
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển tiếp tục trả lời cổ đông.
Về trụ sở chính, các cổ đông cũ thì biết. Các cổ đông mới chưa biết. SHB có khu đất kim cương đã mua 10 năm trước tại ngã tư lý thường kiệt, Hàng Bài,… Và ngân hàng đã làm thủ tục theo quy định của Nhà nước. Cơ bản các bước tiến độ tiếp theo được cơ quan thành phố chấp thuận theo quy định. Theo dự báo khả thi trong năm nay chúng ta sẽ hoàn tất việc khởi công. Lô đất này là đất thổ cư, lâu dài, 3 mặt tiền, 2200 mét. Khi thi công và xây dựng lên, đây là điểm nhấn.
Trong năm nay SHB sẽ khởi công. Khoảng 3 năm nữa, SHB có trụ sở xứng tầm. SHB sẽ trở thành ngân hàng số 1 về hiệu quả cùng với trụ sở khánh thành khai trương.
Về cổ phiếu, ông Hiển nói: "Các vị chia sẻ nó thấp. Thấp hay cao do các nhà đầu tư, do khẩu vị, do sự lựa chọn. Khi các nhà đầu tư quan tâm đến mã đầu tư, chúng ta phải nghiên cứu đánh giá các chỉ số tài chính, giá trị của danh mục vừa ngắn hạn vừa trung hạn vừa dài hạn có bền vững hay không? Bản thân nội tại sức khoẻ của doanh nghiệp quyết định cái cổ phiếu. Đã là cổ đông ai cũng muốn giá trị cao. Nhưng chúng ta tự hào SHB là một mã cổ phiếu có giá trị thanh khoản liên dẫn đầu. Ngay trên sàn HOSE, chúng ta thấy nhiều người quan tâm. Các quý vị sẽ tự đánh giá. Các cổ đông tự lựa chọn. Với thanh khoản như vậy cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư là rất lớn".
Về việc SHB hoàn tất chuyển nhượng 50% công ty tài chính SHB FC, chủ tịch Đỗ Quang Hiển cho biết giá trị chuyển nhượng cao so với top đầu và các thương vụ chuyển vụ với nhà đầu tư nước ngoài. Về dự phòng rủi ro, đối tác nước ngoài vào thì phải xây dựng chỉ sổ phải đảm bảo an toàn theo chuẩn nên ông Hiển nói cổ đông cứ an tâm.
Về câu hỏi với các khách hàng lớn hoặc liên quan bất động sản, ông Đỗ Quang Hiển cho biết, các khách hàng của SHB đa dạng nhiều hoạt động, SHB xem xét cho vay trên cơ sở dự án khả thi, tài sản đảm bảo, đặc biệt luôn đồng hành từ đầu đến cuối trong hoạt động sản xuất kinh doanh đầu tư của khách hàng. SHB đảm bảo được hoạt động kinh doanh, và Ngân hàng ưu tiên lĩnh vực mà Chính phủ khuyến khích, như các khách hàng có chuỗi cung ứng xanh, tăng thu dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các khách hàng.
Về vấn đề chuyển nhượng vốn tại SHB Lào, ông Hiển cho biết, SHB ký hợp đồng thoả thuận cơ bản với đối tác ở bên Lào. Thương vụ này, ông khẳng định khi SHB chuyển nhượng vốn thì luôn đặt lợi ích của cổ đông SHB lên hàng đầu. "Chúng tôi tự hào có deal chuyển nhượng cao, giá trị tốt so với mặt bằng chung. Các quý vị an tâm khi đàm phán với đối tác, họ bảo chúng tôi ghê gớm, vì chi tiết quá nhưng họ rất thích" - ông Hiển nói.
Về việc thực hiện bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, hiện SHB đang từng bước chuyển nhượng vốn công ty tài chính cho đối tác nước ngoài, chuyển nhượng vốn của SHB Lào và SHB Campuchia. Khi chuyển nhượng đều vì lợi ích nhà cổ đông, nhà đầu tư và của SHB. Ban lãnh đạo đưa ra các yêu cầu thoả mãn cả 2 bên nhưng ưu tiên quyền lợi nhà cổ đông, nhà đầu tư, chứ nếu chuyển nhượng với điều kiện thấp thì nhanh lắm.
Về chia cổ tức tăng vốn có bị loãng không, ông Hiển cho biết, ngoài cổ tức bằng tiền mặt chúng ta phải nâng cao sức khoẻ, nó mang tính bền vững. Tăng vốn lên cũng góp phần và phục vụ vốn đấy, đầu tư kinh doanh, phát triển mạng lưới đâu tư kinh doanh, đem lại giá trị cho ngân hàng. Giá trị cổ phiếu lại nâng lên. Cho nên phải song song và ưu tiên nâng cao năng lực của doanh nghiệp. Đó là tầm nhìn chiến lược trung và dài hạn.
Cổ đông tiếp tục hỏi
Một cổ đông chúc mừng SHB năm 2023 có sự kiện lớn là kỷ niệm 30 năm, Đón Huân chương LĐ hạng 3 và lọt vào rổ VN30. SHB làm rất tốt việc chia cổ tứ và đột phá là chia tiền mặt trong năm nay. Cổ đông mong không chỉ năm 2024, mà việc này sẽ duy trì từ nay về sau. Ngoài ra cổ đông cũng hỏi Ban lãnh đạo ngân hàng xem liệu SHB có triển khai cái gì khác biệt mà các ngân hàng khác không làm được để phát triển mạnh hơn không?
Ông Đỗ Quang Hiển trả lời: SHB đã báo cáo với cổ đông và chưa nói hết thành tích của mình. Bên cạnh tuổi 30, năm 2023 SHB cũng nhận được nhiều giải thưởng danh giá hàng đầu của các tổ chức quốc tế. Đặc biệt trong những lúc khó khăn SHB là ngân hàng tiên phong đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp, đúng chủ trương chính sách của ngân hàng Nhà nước, bằng những con số rất lớn và rất thiết thực, thực tế bằng cái tâm của mình. Việc này đã ảnh hưởng ít nhiều đến lợi nhuận của ngân hàng. Nhưng trong khó khăn chung, SHB chia sẻ với cộng đồng.
Trong truyền thống 30 năm, SHB luôn luôn với chiến lược kinh doanh, cạnh tranh, luôn tìm và tạo ra sự khác biệt có tính định hướng lâu dài, phù hợp trong từng giai đoạn.
Trong chiến lược phát triển SHB có chiến lược cạnh tranh rõ, đang công khai rõ. Nếu kể khác biệt thì không hết, nó linh hoạt trong từng thời kì. Và ông Hiển tin những việc đang làm đó có khác biệt với tổ chức khác.
(Tiếp tục cập nhật...)