Doanh nghiệp

Đến năm 2050 sẽ ‘khai tử’ nhiệt điện, doanh nghiệp than có chịu ảnh hưởng?

Quy hoạch VIII không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp than trong nước

Ngày 15/5, Thủ tướng vừa ký quyết định  phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ( Quy hoạch điện VIII).

Quy hoạch điện VIII nhấn mạnh chỉ thực hiện tiếp các dự án nhiệt điện than đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh và đang đầu tư xây dựng đến năm 2030. Đồng thời định hướng thực hiện chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối và amoniac với các nhà máy đã vận hành được 20 năm khi giá thành phù hợp. Dừng hoạt động các nhà máy có tuổi thọ trên 40 năm nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu.

“Định hướng năm 2050, không còn sử dụng than để phát điện, chuyển hoàn toàn nhiên liệu sang sinh khối và amoniac, tổng công suất 25.632 - 32.432 MW, sản xuất 72,5 - 80,9 tỷ kWh”, Quy hoạch điện VIII nêu rõ.

Trong báo cáo ngành điện, CTCP CHứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng trong ngắn hạn, điện than vẫn sẽ chiếm tỷ trọng chính trong cơ cấu nguồn phát, tuy nhiên về dài hạn, ngành này sẽ không còn được phát triển và vấp phải sự cạnh tranh của nhiều nhóm nguồn phát khác.

Hiện nay, 80% nguồn than khai thác trong nước đang được ưu tiên cho sản xuất điện, việc “khai tử” nguồn điện này vào năm 2050 đang đặt ra nhiều vấn đề cho doanh nghiệp khai thác than lớn như Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu thêm khoảng 40-50 triệu tấn than về phối trộn với 80% lượng than khai thác của TKV, tương đương 32-35 triệu tấn, cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện.

“Thực tế, chúng ta nhập khẩu than cho sản xuất điện nhiều hơn khai thác trong nước. Do vậy khi không còn nhiệt điện than nữa, chúng ta sẽ giảm nhập khẩu than, còn doanh nghiệp than trong nước cũng không ảnh hưởng quá nhiều.

Hiện, các doanh nghiệp đã khai thác xuống độ sâu 300m và nguồn tài nguyên không còn nhiều. Đến năm 2050, nước ta không còn huy động nhiệt điện than, thời điểm này có lẽ nguồn than trong nước cũng đã gần như cạn kiệt, doanh nghiệp có thể sẽ đóng cửa hoặc chuyển sang các ngành nghề khác”, ông Nguyễn Văn Vy nói.

Còn theo ông Phan Công Tiến, Chuyên gia về năng lượng và thị trường điện, Việt Nam đang chuyển dịch năng lượng theo hướng công bằng và sẽ có lộ trình chuyển đổi để không ai trong cuộc bị thiệt hại.

Nguy cơ thiếu điện, sản lượng than cấp cho nhiệt điện năm 2023 dự kiến tăng 6%

Khai tử nhiệt điện than là câu chuyện của tương lai, còn thời điểm hiện tại nguồn điện này vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong hệ thống điện của nước ta. Theo số liệu của EVN, tỷ lệ huy động nhiệt điện than trong quý I đạt 28,03 tỷ kWh, chiếm 45,3% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

 

Đặc biệt trong bối cảnh năm nay thời tiết cực đoan, nhiều hồ thủy điện lớn đã xuống dưới mực nước chết, điều này có thể gây khó khăn trong việc cung cấp điện trong các tháng 5, 6, 7 tại miền Bắc.

Trước nguy cơ thiếu điện vào những tháng cao điểm, TKV đã cấp bổ sung 300.000 tấn cho các nhà máy nhiệt điện của EVN trong nửa cuối tháng 5.

Các tháng 6, 7, TKV cho biết sẽ tăng khối lượng cấp cho các nhà máy nhiệt điện khoảng 180.000 tấn/tháng, trong đó các nhà máy của EVN khoảng 80.000 tấn/tháng, tăng 6% so với tiến độ cam kết trong hợp đồng.

"TKV sẽ cung cấp đủ than vận hành trong mùa khô cho các nhà máy nhiệt điện mà TKV có hợp đồng", đại diện TKV khẳng định.

Dự kiến cả năm 2023, TKV sẽ cung cấp đủ khối lượng hợp đồng đã ký với các nhà máy nhiệt điện. Riêng các nhà máy nhiệt điện BOT với tiến độ huy động của EVN, khả năng TKV phải cấp tăng khoảng 2.000.000 tấn.

Như vậy, tổng khối lượng than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện năm 2023 của TKV sẽ vượt khoảng 6% so với kế hoạch năm 2023.

Kết quả kinh doanh quý I của doanh nghiệp than khả quan

Cơn sốt than cho sản xuất điện khiến các doanh nghiệp cung cấp “vàng đen” phải tăng cường khai thác, sản xuất, điều này cũng giúp cho kết quả kinh doanh quý I của ngành than tăng trưởng khả quan.

Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam cho biết doanh thu quý I của TKV khoảng 40.595 tỷ đồng, đạt 24% kế hoạch năm, tăng 20% so với cùng kỳ 2022; lợi nhuận dự kiến đạt 1.300 tỷ đồng.

Phạm Mơ tổng hợp từ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp. 

Bảng thống kê kết quả kinh doanh quý I của một số thành viên đã niêm yết của TKV cho thấy 7/9 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương.

CTCP Xuất nhập khẩu than – Vinacomin (Coalimex - Mã: CLM) vừa ghi nhận kết quả kinh doanh quý I với doanh thu gần 5.408 tỷ đồng, gấp hơn 6,5 lần so với quý I/2022; lợi nhuận sau thuế cũng gấp 2,1 lần, đạt gần 21 tỷ đồng.

Ở quy mô nhỏ hơn, hai doanh nghiệp CTCP Than Đèo Nai - Vinacomin (Mã: TDN) và CTCP Than Hà Tu – Vinacomin (Mã: THT) cũng ghi nhận kết quả tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng.

Theo báo cáo hợp nhất quý I của Than Đèo Nai, doanh thu thuần đạt 915 tỷ đồng, tăng 18% so với quý I/2022. Công ty cho biết giá bán than bình quân quý I/2023 tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022 giúp lợi nhuận sau thuế tăng 93%, đạt 11 tỷ đồng.

Còn công ty Than Hà Tu ghi nhận doanh thu thuần đạt 904 tỷ đồng, giảm 11% so với quý I/2022. Nhờ tập trung vào các chủng loại than có chất lượng cao nên lãi sau thuế lại tăng 104%, đạt 16,5 tỷ đồng.

Trong nhóm doanh nghiệp than, chỉ có 2/9 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận giảm sút, bao gồm CTCP Kinh doanh Than Miền Bắc - Vinacomin (Mã: TMB) và CTCP Than Cọc Sáu – Vinacomin (Mã: TC6).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm