Kỹ năng sống

9X xương thuỷ tinh chinh phục hơn 30 tỉnh thành

Ngày bé, mỗi khi nhìn ngắm những chiếc máy ù ù trên bầu trời, Lý tự hỏi liệu nó sẽ đi về đâu, điểm đến ấy có gì thú vị.

Khi lớn lên, Lý ghi dấu khao khát tự do bằng hình xăm một chiếc máy bay nho nhỏ trên cánh tay trái. Hình xăm ấy có ý nghĩa đặc biệt vì luôn nhắc nhở cô sống một cuộc đời có ích. Bởi khi mang trong mình căn bệnh xương thuỷ tinh và khối u tuyến giáp, Lý ý thức rõ hơn sự hữu hạn của đời người và biết rằng bản thân sẽ hối tiếc vì những gì bản thân không làm hơn những thứ mình đã thực hiện.

Ngọ Thị Lý chia sẻ về niềm đam mê xê dịch. Video: Văn Ngọc

Đồng hành cùng căn bệnh hiếm

Lúc 9 tháng tuổi, trong một lần được mẹ thay tã, Lý gãy xương. Sợ con mắc bệnh lạ, bố mẹ cô đưa con chạy chữa khắp các bệnh viện lớn nhỏ nhưng hồi ấy do y học chưa phát triển nên chứng bệnh Lý gặp chỉ được nhận định chung là yếu hay còi xương. Đến năm 2002, Bệnh viện Nhi Trung ương mới đưa ra chẩn đoán chính xác Lý gặp chứng bệnh hiếm "tạo xương bất toàn" do gen di truyền hay dân gian còn gọi là xương thuỷ tinh.

Xương yếu, dễ gãy nên tuổi thơ Lý là những ngày cô học cách sống chung với bệnh tật. Lý học cách tự làm những việc trong khả năng, học cách dùng xe lăn để hỗ trợ cho đôi chân của mình. Có những ngày chân trái chưa lành, chân phải em đã gãy. Đỉnh điểm, khi cố nhoài người từ giường ra xe lăn, Lý ngã và gãy cả hai chân.

Bên cạnh nỗi đau thể chất, điều Lý sợ trong suốt những ngày thơ ấu còn là ánh mắt của những người xung quanh. Trong ánh mắt ấy có sự thương cảm, khoảng cách và cả sự hoài nghi về tương lai của cô, một người mắc bệnh hiếm liệu có thể làm được gì.

Thế nhưng, khi nhìn lại quãng thời gian chung sống với bệnh tật từ lúc mới sinh đến nay, Lý không dùng từ đối diện mà chọn từ đồng hành. "Khi mình chấp nhận bệnh tật như một phần cuộc sống, mình sẽ học cách thích nghi thay vì bài trừ nó", Lý nói.

Mắc căn bệnh xương thủy tinh từ nhỏ, xe lăn là phương tiện di chuyển chủ yếu của Lý. Ảnh: NVCC

Mắc căn bệnh xương thủy tinh từ nhỏ, xe lăn là phương tiện di chuyển chủ yếu của Lý. Ảnh: NVCC

Không bài trừ bệnh tật khiến Lý khao khát sống một cuộc đời không lãng phí. Năm 2015, Lý quyết định tạo ra bước ngoặt đầu tiên trong đời khi xin bố mẹ một mình xuống Hà Nội để theo học nghề tại Trung tâm Nghị lực sống.

"Mình mất hai tháng thuyết phục bố mẹ. Khi ấy, bố mẹ muốn bảo vệ mình, còn mình cảm thấy ngột ngạt trong sự bảo vệ ấy. Sau câu hỏi: 'Mẹ có thể bảo vệ con cả đời được không'. Mẹ im lặng và hai ngày sau thì đồng ý", cô kể.

Bố mẹ cho Lý đi học nhưng buộc cô ký một bản cam kết là nếu sau thời gian học tại trung tâm mà không thu được bất cứ thành quả gì, không có việc làm thì cô buộc phải về nhà và chấp nhận sự sắp xếp của gia đình. Nhưng với cá tính mạnh, đã quyết làm cái gì thì phải thực hiện bằng được, sau một năm, Lý hoàn thành chương trình học ngành thiết kế đồ hoạ và thử sức ở vị trí marketing cho một trung tâm dạy học tiếng Anh.

Quãng thời gian đi học và trải nghiệm cuộc sống một mình ở Hà Nội mở ra cho Lý những bước đệm mới. Lý quen thêm những người bạn, học cách đi xe bus một mình và cũng bắt đầu những chuyến đi du lịch ngắn ngày đầu tiên xung quanh Hà Nội.

Khao khát xê dịch

Những tưởng cuộc đời Lý sẽ trôi qua bằng phẳng khi cô gái trẻ có nghề nghiệp để tự nuôi sống bản thân, nhưng biến cố lại một lần nữa ập đến. Trong một lần khám sức khoẻ định kỳ năm 2017, Lý được chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư tuyến giáp giai đoạn hai. "Khi đó bác sĩ chỉ định mình mổ để khối u không di căn xa hơn. Trên bàn mổ, mình nghĩ, nếu không thể tỉnh dậy nữa, mình sẽ hối tiếc rất nhiều", Lý kể.

Nuối tiếc là bởi, niềm đam mê xê dịch luôn hiện hữu trong Lý từ nhỏ nhưng do thể trạng yếu nên cô chưa bao giờ dám thực hiện một chuyến đi bằng máy bay. Cô gái trẻ nhớ lại: "Mỗi khi ngồi nhìn ngắm những chiếc máy bay ù ù trên bầu trời, mình luôn nghĩ rồi những chiếc máy bay này sẽ đi đâu, điểm đến của chúng như thế nào. Và những lần đi khám qua sân bay Nội Bài, bố luôn đóng vai người hướng dẫn viên du lịch để nói cho mình nghe, từ đây, những chiếc máy bay sẽ cất cánh đi muôn nơi". Nhờ những lần đi cùng bố như vậy, Lý cũng phát hiện ra mình thích ngắm nhìn thế giới.

Sau ca mổ kéo dài 7 tiếng cùng những lần xạ trị kéo dài hàng tháng trời sau đó, Lý quyết định thực hiện chuyến đi bằng máy bay đầu tiên trong cuộc đời. Đó là chuyến đi Đà Nẵng, kéo dài 10 ngày và đi một mình. Cô gái trẻ không mất quá nhiều thời gian để chuẩn bị, thứ duy nhất Lý bỏ vào vali là lòng dũng cảm. Dũng cảm để quyết định bước đi, dũng cảm để đối diện với ánh mắt hoài nghi của người khác và dũng cảm để cảm nhận nỗi sợ bản thân.

Sau khi xuống sân bay, Lý tự điều khiển chiếc xe lăn mà không cần sự giúp sức của ai. Tại Đà Nẵng, cô gái trẻ tự điều khiển chiếc xe lăn đi thăm quan nhiều cảnh đẹp, trải nghiệm các món ăn ngon và trò chuyện cùng người dân bản địa. Chiếc xe lăn dường như là đôi chân sắt của Lý, giúp cô bước đi không mệt mỏi.

Chuyến đi đầu tiên suôn sẻ khiến 9X dũng cảm thực hiện nhiều hơn những chuyến đi khác. Đến nay, Lý đã đặt chân đến hầu hết những tỉnh phía Bắc, trên cả những cung đường Hà Giang thách thức cho nhiều dân phượt. Cô cũng đi qua hầu hết dải đất miền Trung nắng gió, lắng nghe và trải nghiệm cuộc sống cùng những người ngư dân hồn hậu.

"Những chuyến đi có thể không làm mình bớt đau về thể chất nhưng lại là liều thuốc tâm hồn. Đi ra ngoài, mình hiểu hơn giá trị của tự do", Lý chiêm nghiệm.

Niềm đam mê xê dịch luôn hiện hữu trong Lý từ nhỏ. Ảnh: NVCC

Niềm đam mê xê dịch luôn hiện hữu trong Lý từ nhỏ. Ảnh: NVCC

Đặt chân tới hơn 30 tỉnh thành, Lý cho biết, bản thân khó chọn được chuyến đi đáng nhớ nhất bởi chuyến đi nào cũng mang đến cho cô nhiều bài học.

Cô nhận ra mình sẽ hối tiếc vì những điều chưa làm hơn những điều đã thực hiện. Cô nhớ về lần đầu tiên chinh phục đỉnh Lũng Cú. Nếu bỏ cuộc sau cú ngã lưng chừng núi, Lý sẽ không bao giờ có những trải nghiệm cảm giác phóng tầm mắt ra xa để nhìn thấy núi đồi trùng điệp và lần đầu trong đời được hát quốc ca. "Khi còn bé mình chưa từng được dự một lễ chào cờ nào nên khi được ngắm nhìn lá cờ Tổ quốc trên cao như vậy, rất đẹp. Hình ảnh lá cờ tung bay trong gió giờ vẫn in sâu trong trí óc mình", Lý kể.

Hay chuyến đi dài kỷ lục gần 2 tháng của Lý khiến 9X này biết rằng không cần phải quá giàu ta mới có thể chia sẻ. Như một người chủ homestay tại Lý Sơn, dù không dư giả vẫn giang tay đón nhận Lý vốn là một người mang căn bệnh hiếm. Anh cho cô chỗ ăn, chỗ ngủ, cùng cô đi câu cá. Lý cũng lần đầu được nấu ăn cùng vợ anh, chơi với những đứa con anh và học cách cảm nhận cuộc sống này bằng trái tim.

Lý dự định sẽ dành thêm thời gian để đi và lắng nghe bản thân. Cô cũng cắt bỏ mái tóc dài, một phần để hiến tặng cho các bệnh nhân ung thư, phần cũng để chuẩn bị sẵn tâm lý cho bố mẹ nếu một ngày nào đó mái tóc của cô có rụng hết do từng đợt hoá trị. Tương lai, Lý vẫn sẽ chấp nhận mọi thử thách, khao khát xê dịch, dám đi dám trải nghiệm và khám phá thế giới này bằng trái tim dũng cảm.

Ngọ Thị Lý là đại diện tiêu biểu truyền cảm hứng cho tinh thần "Tiến bước sống đầy cùng những khả năng" khi vượt qua rào cản bệnh tật để theo đuổi khao khát xê dịch. Câu chuyện của Lý là động lực để mọi người dũng cảm sống đầy với những đam mê, sở thích của bản thân bất chấp những giới hạn được đặt ra cho bản thân mỗi người.

Bạn cũng có thể trở thành nhân vật truyền cảm hứng của "Tiến bước sống đầy" bằng cách chia sẻ câu chuyện tại đây. Ngoài phối hợp thực hiện chuyên mục này cùng Báo VnExpress, FWD còn lan tỏa tinh thần ấy qua chuyến xe xuyên Việt tại các tỉnh, thành trên cả nước gồm: Cà Mau ngày 13-14/5; Bạc Liêu 13/5; Cần Thơ 19-20/5; TP HCM 26-27/5; Quảng Nam 2/6; Đà Nẵng 2-3/6; Nghệ An 9-10/6; Hải Phòng 16/6; Quảng Ninh 16-17/6; Hà Nội 23-24/6. Câu chuyện truyền cảm hứng của các nhân vật tại các địa phương sẽ tiếp tục tiếp thêm động lực giúp mọi người tiến bước và theo đuổi đam mê.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm