Tại hội thảo "Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ" do Bộ Công an phối hợp Bộ Y tế tổ chức sáng 29/1, TS Trần Hữu Minh đánh giá mức xử phạt hành chính đối với tài xế vi phạm nồng độ cồn đã ở mức tương đối cao, có tính răn đe tốt.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành quy định người có nồng độ cồn ở mức 3 (trên 0,4 mg/lít khí thở hoặc quá 80 mg/100 ml máu) dù cao đến mấy vẫn chung một hình phạt. "Ví dụ người uống 5 cốc bia hay 30 cốc bia đều có thể bị phạt ở mức như nhau. Điều này chưa hoàn toàn phù hợp nguyên tắc cơ bản trong xử phạt hành chính, đó là phạt tương xứng mức độ vi phạm", ông Minh nói.
Do vậy, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề xuất nếu vi phạm nồng độ cồn vượt mức 3, vẫn nên phân tách thành các mức phạt hành chính cao hơn. Đối với tài xế vi phạm nồng độ cồn đặc biệt nghiêm trọng dẫn đến mất hoàn toàn kiểm soát, có thể gây tai nạn giao thông thảm khốc thì cần bị xử lý hình sự.
"Đây chính trường hợp được đề cập trong khoản 4, điều 260 Bộ luật Hình sự, và hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự kể cả khi chưa gây hậu quả", ông Minh dẫn chứng.
Theo bộ luật này, vi phạm giao thông có khả năng dẫn đến hậu quả như làm 3 người chết trở lên, gây thiệt hại tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên... nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì có thể bị phạt tù đến 1 năm.
Theo ông Minh, để có đủ căn cứ xử lý hình sự, cơ quan chuyên môn, đặc biệt là ngành Y tế cần có văn bản quy định vi phạm nồng độ cồn ở mức độ nào là đặc biệt nghiêm trọng khiến tài xế mất kiểm soát hoàn toàn và nên bị xử lý theo khoản 4, điều 260 Bộ luật Hình sự. Từ đó, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có thể ban hành hướng dẫn cơ quan chức năng thực hiện quy định của bộ luật.
Ông Minh cho biết trước đây Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia từng đề xuất và Bộ Tư pháp đã có văn bản đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét nội dung này.
Đồng tình đề xuất trên, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức nói các nước phát triển như châu Âu hay Nhật Bản đều có quy định xử lý hình sự với vi phạm nồng độ cồn có thể gây mất an toàn giao thông. Trước hết là xử phạt hành chính, nếu mức vi phạm vẫn leo thang sẽ xử lý hình sự, vừa phạt tiền, vừa bỏ tù người vi phạm.
Theo ông Tuấn, yếu tố rủi ro do uống rượu bia khi lái xe là "nguy hiểm số một" nên cần áp dụng các biện pháp xử phạt tăng dần. Đến khi hiệu quả chưa đạt được thì phải có biện pháp mạnh hơn là xử lý hình sự. "Tài xế có thể dễ dàng chi vài chục triệu đồng để nộp phạt nếu vi phạm nhưng nếu bị bỏ tù thì họ sẽ sợ", ông nói.
TS Lê Thu Huyền, Đại học Giao thông Vận tải, cũng cho rằng hầu hết quốc gia coi vi phạm uống rượu bia khi lái xe là tội phạm, nếu nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự kể cả khi chưa gây hậu quả. Tài xế còn bị lưu trữ hồ sơ vi phạm và xử lý lũy tiến khi tái phạm.
Hiện nay, mức phạt cao nhất với người đi ôtô có nồng độ cồn trong máu vượt 80 mg/100 ml hoặc vượt 0,4 mg/lít khí thở là 30-40 triệu đồng, tước bằng lái 22-24 tháng. TS Huyền đề xuất mức này nên chia ra 80-160 mg/100ml, 160-240 mg/100 ml để xử phạt tăng nặng theo mức độ vi phạm. Nếu lái xe có nồng độ cồn cao hơn 240 mg/100 ml máu thì có thể bị phạt tù.
Hồi tháng 11/2023, quy định xử phạt người có nồng độ cồn lái xe gây tranh luận khi Quốc hội thảo luận dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Nhiều đại biểu cho rằng quy định cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe như hiện nay chưa phù hợp và nên thiết kế giới hạn để đưa ra mức phạt.
Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết một số ý kiến trong Ủy ban cũng đề nghị cân nhắc việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe vì "quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam". Các thành viên này đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại phương tiện; bảo đảm tính thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự.
Dự kiến dự luật được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.