Sáng 20-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) nghe Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS). Trong đó, điểm đáng chú ý là thẩm quyền khởi tố, điều tra của công an cấp xã.

Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến. Ảnh: Hồ Long
Dự thảo Luật gồm 2 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 106 điều luật liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan.
Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy Cơ quan điều tra từ mô hình 3 cấp (cấp bộ, cấp tỉnh và cấp huyện) chuyển thành 2 cấp (cấp bộ và cấp tỉnh).
Trên cơ sở đề nghị của Bộ Công an, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay khi không tổ chức Công an cấp huyện, phù hợp với quy mô của Công an xã sau sắp xếp, tại Điều 37 BLTTHS, bổ sung quy định điều tra viên là Trưởng Công an cấp xã hoặc Phó trưởng Công an cấp xã được phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra vụ án ít nghiêm trọng, nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cấp xã có một số nhiệm vụ, quyền hạn như Thủ trưởng Cơ quan điều tra.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết dự thảo Luật đề xuất bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn cho Điều tra viên là Trưởng Công an cấp xã (hoặc Phó trưởng Công an cấp xã) tương tự như nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng Cơ quan điều tra, là rất cần thiết nhằm chỉ đạo, giải quyết kịp thời các vụ việc, vụ án về tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cấp xã.
Tuy nhiên, nội dung quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên là Trưởng Công an cấp xã (hoặc Phó trưởng Công an cấp xã) tại khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật có nhiều nội dung chưa phù hợp, mâu thuẫn với các nội dung khác của BLTTHS và mâu thuẫn ngay trong dự thảo Luật, do đó sẽ phát sinh vướng mắc và không khả thi khi triển khai trên thực tế.
Cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát kỹ lưỡng các quy định của BLTTHS để sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên thuộc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh được bố trí là Trưởng Công an cấp xã (hoặc Phó trưởng Công an cấp xã) tiến hành các hoạt động tố tụng trong giai đoạn khởi tố, điều tra, bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, khả thi, đáp ứng yêu cầu giải quyết kịp thời các vụ việc, vụ án xảy ra trên địa bàn cấp xã.
Về phân loại tội phạm, Điều 9, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định rõ, căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 4 loại sau:
Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 3 năm.
Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 3 năm tù đến 7 năm tù.
Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 7 năm tù đến 15 năm tù.
Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.