Sáng kiến này được VivaColombia - hãng hàng không giá rẻ đến từ Colombia đưa ra vào hồi đầu năm nay. Theo đó, ý tưởng ban đầu của VivaColombia là tháo bỏ hoàn toàn ghế ngồi tựa lưng trên máy bay, từ đó tạo ra thêm nhiều khoảng trống - chuyên chở được nhiều khách hàng hơn và giảm giá vé mỗi hành khách phải trả.
Nói cách khác, ý tưởng này sẽ biến máy bay thành những chiếc xe bus trên không - nơi mà người hành khách sẽ đứng để... bay.
Tờ Independent dẫn lời ngài William Shaw - nhà sáng lập kiêm CEO của VivaColombia:
"Chúng tôi đang tích cực tìm kiếm các phương án để hành khách đứng được trên máy bay. Có thể, chúng ta sẽ phải thiết kế lại một chút, đồng thời, cần tới một loại ghế chuyên dụng, dành riêng cho việc đứng. Nghe có vẻ kì quặc, nhưng tôi dám chắc giá vé sẽ rẻ đi rất nhiều. Và hành khách là người được lợi nhất".
Sau những tuyên bố của nhà sáng lập, VivaColombia đã ngay lập tức lên kế hoạch bổ sung thêm 50 máy bay dòng Airbus 320 nhằm khai thác thị trường du lịch đang tăng trưởng của nước này.
Dù chưa tiết lộ sẽ có bao nhiêu máy bay dạng "đứng như trên xe bus", nhưng phía công ty hứa hẹn, các chuyến bay của họ sẽ có thêm nhiều chỗ ngồi, giá vé rẻ đi và sẽ sớm đi vào hoạt động trong vài tháng tới.
Trong đó, nhóm khách hàng mục tiêu mà VivaColombia hướng tới sẽ là tầng lớp lao động và nhóm du lịch ngân sách hạn hẹp.
Còn theo tờ Traveller, lý do lớn nhất thúc đẩy hãng hàng không Colombia đưa ra giải pháp này là bởi công ty này đang rơi vào tình trạng khủng hoảng. Báo cáo tài chính năm 2016 chỉ ra, VivaColombia đã lỗ ròng tới 6,4 triệu USD, dù liên tục mở rộng đường bay.
Ban lãnh đạo của công ty này sau đó cho rằng, cách duy nhất để tình hình tài chính khởi sắc trở lại là thu hút thêm nhiều lượt khách, tập trung vào nhóm đối tượng có nhu cầu bay cao nhất. Điều này giải thích tại sao, ý tưởng "bay đứng" ra đời.
Trong nỗ lực mới nhất của mình, VivaColombia hiện đang trưng cầu ý kiến về mẫu ghế đứng - vốn chỉ chiếm diện tích bằng 1/2 các mẫu ghế ngồi thông thường. Nghĩa là cùng một chuyến bay, một chi phí vận hành, số tiền mà hãng này thu về gấp đôi, hoặc thậm chí có thể nhiều hơn.
Tất nhiên, để đảm bảo an toàn bay, chiếc ghế chuyên dụng vẫn sẽ có dây an toàn, điểm tựa lưng, cũng như các thiết bị bảo hộ cần thiết.
Thế nhưng, về phía các chuyên gia, có vẻ như họ đang tỏ ra không đồng tình với cách làm này của VivaColombia. Một số ý kiến cho rằng, hình ảnh chiếc ghế đứng mà nhà sáng lập William Shaw tiết lộ khá lỏng lẻo, khó có thể đảm bảo các quy chế an toàn bay hiện hành.
Một số ý kiến khác thì tỏ ra nghi ngại, bởi họ cho rằng, ghế đứng này chỉ có thể áp dụng cho các chặng bay ngắn, địa hình thuận lợi. Còn nếu bay dài, liên tục nối chuyến, khách hàng sẽ dễ gặp các vấn đề về sức khỏe, xương khớp. Đó là chưa kể giai đoạn hạ cánh, việc đứng như vậy cũng rất nguy hiểm.
Trên thực tế, khái niệm về máy bay không ghế ngồi không phải là mới. Nhiều năm qua, các hãng hàng không vẫn tung hứng ý tưởng để cho hành khách ủng hộ kiểu "ghế đứng".
Năm 2010, hãng hàng không giá rẻ Ryanair (Ireland) từng đề xuất tạo khu vực ghế đứng trên chuyến bay của hãng. Giám đốc Michael O’Leary mô tả ghế đứng như "ghế đẩu quầy bar có dây an toàn", và thậm chí tỏ vẻ hoài nghi về sự cần thiết của dây an toàn.
Ông cho biết: "Máy bay chỉ là một chiếc xe buýt có cánh. Nếu xảy ra tai nạn máy bay thì, xin Chúa tha tội, một chiếc dây an toàn cũng chẳng thể cứu bạn. Bạn không cần dây an toàn trên tàu điện ngầm London. Bạn không cần một chiếc dây an toàn trên chuyến tàu đang chạy ở vận tốc 190 km/h".
Tuy nhiên, các Cục Hàng không Dân dụng nước này đã không tán đồng ý tưởng trên. Cho tới nay, ghế đứng chưa được nước nào phê chuẩn, và Colombia không phải ngoại lệ.
Alfredo Bocanegra, cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Colombia, trả lời đài RCN về quyết định chưa thông qua của mình: "Chúng ta phải di chuyển đúng với tư cách con người. Ai từng sử dụng phương tiện giao thông công cộng đều biết rằng đứng không phải là lựa chọn tốt nhất".