Chính thức bước chân vào lĩnh vực kinh doanh đồng hồ từ năm 2003, thương hiệu Galle Watch được xem là một trong số ít những thương hiệu phân phối đồng hồ chính hãng "có tuổi" còn sót lại trên thị trường trong 15 năm trở lại đây.
Bắt đầu bằng việc phân phối, sau này là đẩy mạnh thành bán lẻ, Galle Watch đã gắn liền với những cái tên như: Alpina, Breitling, Century, Chronoswiss, Enicar, Ernest Borel, Frederique Constant, Longines, Roamer, Rado, Romanson, Tissot, Orient… - đều là những thương hiệu đồng hồ trứ danh thế giới.
Chia sẻ trong chương trình Cafe8 số #16, CEO Bùi Tuấn Minh tự nhận, tuổi đời 15 năm của Galle Watch vẫn còn khá "trẻ". Anh cho biết, trên thị trường vẫn còn nhiều tên tuổi lâu đời hơn cả thương hiệu của mình, nhưng bù lại Galle Watch nổi trội nhờ khả năng hợp tác, phân phối với các hãng đồng hồ lớn, cùng với đó là hệ thống bán lẻ lên tới 31 cửa hàng.
Theo CEO Galle Watch, có 2 yếu tố để cạnh tranh trên thị trường đồng hồ, đó là: uy tín và nỗ lực không ngừng nghỉ.
Uy tín được gây dựng bằng mối quan hệ đối tác với các thương hiệu đang phân phối đồng hồ tại Việt Nam. Là sự tin tưởng của khách hàng với từng sản phẩm mà Galle Watch bán ra. Là sự đảm bảo kinh doanh các sản phẩm thật, cùng nhiều dịch vụ gia tăng đi kèm.
Nỗ lực không ngừng nghỉ thể hiện qua việc liên tục mở rộng quy mô công ty, đào tạo bài bản đội ngũ nhân sự, cam kết về chất lượng với khách hàng, cũng như ngày một trau dồi tay nghề, nâng cao trình độ, các trung tâm kĩ thuật, để tới Việt Nam đối tác cảm thấy sự chuyên nghiệp chẳng khác gì nước ngoài.
Đánh giá về thị trường đồng hồ Việt Nam ở thời điểm hiện tại, CEO Bùi Tuấn Minh nhận định, 15 năm qua giống như "một cái chớp mắt", nhưng cuộc chơi lại thay đổi rất nhiều.
Kinh tế Việt Nam phát triển, thu nhập cũng như chất lượng cuộc sống được cải thiện, nên nhu cầu mua sắm đồng hồ của người tiêu dùng ngày một được nâng cao.
"Nếu như trước đây đồng hồ chỉ dành cho việc xem giờ, thì hiện tại người Việt mua đồng hồ như một sản phẩm nhằm chứng minh giá trị, cũng như phong cách của bản thân", anh Minh nhận xét.
Bên cạnh đó, theo vị CEO này, hành vi mua sắm đồng hồ tại Việt Nam cũng đang cho thấy sự thay đổi lớn. Nếu như 7-8 năm trước, người Hà Nội chủ yếu mua đồng hồ ở khu Hàng Ngang, Hàng Đào, thì bây giờ mua trên Internet, các trang TMĐT rất nhiều.
Nhìn một cách tổng thể, thị trường đồng hồ tại Việt Nam nói chung đang khởi sắc, nhu cầu ăn ngon mặc đẹp tăng, nên số lượng người mua đồng hồ cũng tăng theo.
Tuy nhiên, theo anh Minh, đi kèm với đó cũng là việc xuất hiện ngày một nhiều hơn các thương hiệu trẻ tuổi, sung sức tham gia vào thị trường "béo bở". Điều này buộc các tay chơi già dơ như Galle Watch phải chuyển mình và có những bước tiến rõ ràng, để tồn tại và phát triển kịp theo xu hướng thị trường.
Hai trong số những chiến lược được CEO Galle Watch vạch ra, đó là: đẩy mạnh phân khúc cao cấp, đồng thời tập trung vào mở rộng quy mô chuỗi bán lẻ.
CEO Bùi Tuấn Minh cho hay: "Galle Watch phát triển đã được 15 năm, trước đây phổ khách hàng tập trung vào phân khúc trung cấp, có giá từ 5-20 triệu đồng. Phân khúc cao cấp chúng tôi có bán - khoảng 50 triệu đồng trở lên, nhưng chưa thực sự tập trung.
Do đó, năm 2017 này sẽ đánh dấu bước chuyển mình của Galle Watch. Chúng tôi sẽ tập trung vào chữ "chất", chia khách hàng ra thành 2 nhóm: bình dân, trung cấp & cao cấp. Từ đó, đẩy mạnh dòng sản phẩm đắt tiền - hay nói cách khác là hướng tới đối tượng khách có thu nhập cao".
Một số thương hiệu cao cấp do Galle Watch phân phối tại thị trường Việt Nam
Tất nhiên, vị CEO này không phủ nhận, bán đồng hồ cao cấp cũng là một bài toán khó. Vì "khách VIP" sẽ luôn yêu cầu được phục vụ với chất lượng cao hơn.
Điều này giải thích tại sao, Galle Watch gần đây đang tập trung nâng cao đội ngũ bán hàng, chất lượng phục vụ, cơ sở vật chất, đội ngũ kĩ thuật, cũng như tung ra các gói dịch vụ cao cấp - bảo dưỡng từ 3-5 năm.
Đội ngũ kỹ thuật của Galle Watch đang được hướng dẫn và đào tạo trực tiếp từ chuyên gia của hãng đồng hồ Frederique Constant, thương hiệu đồng hồ Thụy Sỹ nổi tiếng Thế giới
Song hành cùng chiến lược đó, theo Bùi Tuấn Minh, hoạt động mở mới điểm bán cũng rất quan trọng. Vì kinh doanh đồng hồ là ngành khá đặc thù, sản phẩm thường có giá trị cao, cần vị trí trang trọng, nên việc đặt và mở điểm bán cũng cần xem xét rất kĩ.
Với kinh nghiệm hiện tại, Galle Watch chủ yếu tập trung vào 2 khu vực là các tuyến phố lớn, sầm uất và các khu trung tâm thương mại. Thương hiệu này hiện đã có mặt ở Hàng Khay (Hà Nội), Đồng Khởi (TP. HCM), hay các trung tâm Lotte, Aeon, Vincom...
Gần đây nhất, đơn vị này đã khai trương cửa hàng tại trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu - đồng thời trở thành cửa hàng thứ 31 của hệ thống trên toàn quốc.
"Chất & Nhất là những gì Galle Watch muốn truyền tải tới người tiêu dùng. Không chỉ cam kết kinh doanh các sản phẩm chính hãng, chúng tôi sẽ còn thu hút khách hàng bằng các chiến dịch tri ân. Đây là một phần kế hoạch để Galle Watch, thực sự chuyển mình trong năm 2017 này", CEO Bùi Tuấn Minh khẳng định.