Cụ thể trong Dự thảo tờ trình về ban hành Nghị định quy định chi tiết về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, Bộ Kế hoạch và đầu tư khẳng định trong xu hướng phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, các cuộc cách mạng công nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo (hay còn gọi là start-up) là lực lượng chính của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Các công ty khởi nghiệp sáng tạo không giống như các công ty thương mại, sản xuất kinh doanh truyền thống vì yếu tố nghiên cứu công nghệ và sáng tạo trong các start-up rất cao. Do đó, khởi nghiệp sáng tạo gắn liền với yếu tố rủi ro, nhưng nếu vượt qua các khó khăn thì có thể đem lại giá trị kinh tế lớn.
Để có thể khởi nghiệp thành công thì vấn đề vốn luôn là điều kiện tiên quyết đối với bất kỳ một Start-up nào. Tuy nhiên, với bản chất rủi ro lớn của các Start-up thì các kênh huy động vốn truyền thống như vay vốn ngân hàng hầu như là không thể. Đầu tư mạo hiểm vào Startup chính là cung cấp nguồn lực để nuôi dưỡng thành công các ý tưởng đổi mới sáng tạo.
Chính vì đặc thù đó, trên thế giới, Chính phủ các nước thường có chính sách khuyến khích thành lập các tổ chức đầu tư cho khởi nghiệp, đưa ra các chính sách hỗ trợ hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp; hỗ trợ miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp khởi nghiệp; hỗ trợ vốn mồi, vốn đối ứng, hoặc cho vay tín chấp đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư tư nhân.
Khởi nghiệp Việt Nam thường chỉ gọi vốn được từ 5.000- 50.000 USD
Thực tế tại Việt Nam, số lượng các quỹ đầu tư trong và ngoài nước cho khởi nghiệp sáng tạo đang có xu hướng gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam. Các quỹ ngoại như CyberAgent, 500 Startups, Golden Gate Ventures… hiện mở văn phòng đại diện hoặc có đối tác tại Việt Nam. Trong số các quỹ nội địa thì hiện tại mới có quỹ FPT Venture là đang tích cực thực hiện đầu tư cho khởi nghiệp. Nhiều nhà đầu tư trong nước khác như các công ty lớn, các nhà đầu tư cá nhân cũng đã thể hiện sự quan tâm và nhu cầu muốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo.
Ngoài ra còn có một số quỹ đầu tư thành lập theo Luật Chứng khoán của các ngân hàng, công ty lớn như Vietcombank, BIDV, VPBank, VietA bank, Tổng công ty dầu khí có hoạt động đầu tư cho doanh nghiệp. Ví dụ như Công ty Liên Doanh Quản Lý Quỹ Đầu Tư Chứng Khoán Vietcombank đang quản lý hai quỹ mở là Quỹ Đầu Tư Cân Bằng Chiến Lược VCBF (VCBF-TBF) và Quỹ Đầu Tư Cổ Phiếu Hàng Đầu VCBF.
Tuy nhiên, hầu hết các quỹ này không đầu tư từ giai đoạn khởi đầu của doanh nghiệp và không đầu tư nhỏ mà chỉ đầu tư vào những dự án có quy mô thường vài trăm ngàn đô. Các quỹ này đầu tư vào một danh mục đa dạng các cổ phiếu niêm yết có giá trị vốn hóa thị trường lớn và các trái phiếu Chính phủ Việt Nam. Do đó, hầu như không đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo.
Trung bình trong 3 năm gần đây, mỗi năm chỉ có khoảng vài chục doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam nhận được đầu tư từ những quỹ đầu tư trong và ngoài nước có đăng ký thành lập. Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam thường huy động vốn từ các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức chuyên đầu tư vào khởi nghiệp, thậm chí đầu tư vào các cá nhân/ nhóm cá nhân chưa thành lập doanh nghiệp mà mới chỉ đang phát triển sản phẩm, dịch vụ.
Các khoản đầu tư này không lớn, khoảng từ 5.000-50.000 USD thông qua hình thức cùng thành lập, hoặc góp vốn, mua cổ phẩn của các doanh nghiệp khởi nghiệp, và nhà đầu tư có vai trò như một cổ đông; thành viên góp vốn theo quy định của Luật doanh nghiệp.
Vì vậy, để khơi thông dòng vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, việc tạo lập hành lang pháp lý về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo cũng như các chính sách khuyến khích hoạt động này là hết sức cần thiết, đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn khách quan.
Chính vì vậy hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định nhằm tạo lập hành lang pháp lý về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo cũng như các chính sách khuyến khích hoạt động này ngay trên trang điện tử của Bộ.