Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một người rất thích đọc sách. Trong các bài diễn văn của mình, ông thường sử dụng nhiều trích dẫn từ các tác giả mà ông yêu thích, bao gồm Charles Dicken, Victor Hugo, và Paul Coelho. Mỗi năm, bài phát biểu mừng năm mới của Chủ tịch Trung Quốc lại mang đến cho người xem truyền hình những chi tiết thú vị về tủ sách của ông.
Tủ sách xuất hiện cùng ông Tập Cận Bình trong bài diễn văn mừng năm mới luôn là chủ đề thú vị để cộng đồng mạng Trung Quốc "săm soi".
Năm nay, cộng đồng mạng Trung Quốc nhận thấy ông Tập Cận Bình để hai cuốn sách về Chủ nghĩa Marx - The Communist Manifesto và Das Kapital - khá gần bàn làm việc. Ông cũng mở rộng sở thích đọc văn học Phương Tây của mình ra những tựa sách như The Odyssey (Sử thi Odyssey) của Homer và The Old Man and the Sea (Ông già và biển cả) của Ernest Hemingway. Ngoài ra, còn có một số tựa sách khác về quân sự và kinh tế trên giá sách của ông.
Có một "phát hiện" khá thú vị khác là có ít nhất hai cuốn sách về trí thông minh nhân tạo (AI) đang được Chủ tịch Trung Quốc đọc. Đó là The Master Algorithm (tạm dịch: Thuật toán chủ chốt) của Pedro Domingos và Augmented: Life in the Smart Lane (tạm dịch: Mô phỏng: Cuộc sống trong một làn đường thông minh) của Brett King.
Hai cuốn sách về trí thông minh nhân tạo trên kệ sách của ông Tập Cận Bình.
Xuất bản vào năm 2015, cuốn sách của Domingos được coi là lời giới thiệu cho khái niệm máy học và sự liên quan của nó đến đời sống hàng ngày. Trong cuốn sách này, Domingos, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Washington, viết: "Nếu tồn tại, Thuật toán chủ chốt có thể sinh ra tất cả các kiến thức trên thế giới, từ quá khứ tới hiện tại và tương lai, từ dữ liệu. Phát minh ra nó sẽ là một trong những bước tiến vĩ đại nhất trong lịch sử của ngành khoa học."
Có thể bạn chưa biết, năm 2016, Bill Gates cũng liệt kê The Master Algorithm là một trong hai cuốn sách nhất định phải đọc về AI.
Cuốn Augmented trong khi đó kể lại câu chuyện về cuộc sống của con người trong một thế giới sẽ thay đổi hơn bao giờ hết trong 20 năm tới, một thế giới mà tác giả gọi là Kỷ nguyên Mô phỏng. Kỉ nguyên mới này sẽ được tạo lập dựa trên bốn cột trụ: trí thông minh nhân tạo, thiết kế trải nghiệm, hạ tầng thông minh và công nghệ chăm sóc sức khỏe. "Không có một định danh kĩ thuật số sẽ khiến bạn không còn đáng tin trong một thế giới mới," ông viết.
Trung Quốc mới đây khẳng định mục tiêu sẽ đi đầu thế giới về công nghệ trí thông minh nhân tạo bằng mục tiêu nâng giá trị ngành công nghiệp nội địa lên 150 tỷ USD vào năm 2030. Hiện tại, Trung Quốc đã có một số công ty nhận diện khuôn mặt hàng đầu thế giới như Megvii Face++ và SenseTime. Với sự trợ giúp từ chính phủ, ba công ty công nghệ lớn là Baidu, Alibaba và Tencent cũng đang tập trung vào AI với các ứng dụng liên quan đến xe tự lái, thành phố thông minh và công nghệ sức khỏe lần lượt.