Kỹ năng sống

Dạy hàng nghìn người biết bơi sau hai lần chết đuối hụt

"Chú ý, chuẩn bị sẵn sàng", khi tiếng còi vang lên, một nhóm trẻ em duỗi thẳng tay lên đầu, lao thẳng xuống bể bơi, lướt đi một đoạn dài trong làn nước xanh trước khi trồi lên sải tay bơi thẳng.

Một số phụ huynh đứng trên bờ lo lắng: "Không biết tụi nhỏ vượt qua được thử thách này không?". Vài chục phút sau, những chiếc đầu ló ra ở vạch đích, vươn mặt lên khỏi làn nước cười lớn: "Con đã làm được rồi".

Đây là cuộc thi "Vượt qua chính mình" được tổ chức giữa tháng 7 tại bể bơi nhà văn hóa quận Thanh Xuân. Các thí sinh phải bơi liên tục 90 phút tương đương với 1.500 m - 4.000 m tùy theo trình độ của mỗi người. Cuộc thi cũng chính là bài tốt nghiệp khóa học bơi của anh Nguyễn Văn Thủy với phần thưởng là chiếc mũ bơi màu đỏ - biểu trưng Câu lạc bộ Mũ đỏ.

Những lớp học bơi kiểu này được anh Thủy tổ chức từ năm 2012 với tiêu chí là dạy trẻ biết bơi, chống đuối nước. Mười hai năm qua, số học viên đã lên đến hàng nghìn người, ngoài trẻ em còn có rất nhiều phụ huynh.

Anh Nguyễn Văn Thủy trao giải Vượt qua chính mình cho một học viên trong Câu lạc bộ Mũ đỏ tại bể bơi quận Thanh Xuân, giữa tháng 7/2024. Ảnh: N.V.T

Anh Nguyễn Văn Thủy trao giải "Vượt qua chính mình" cho một học viên trong Câu lạc bộ Mũ đỏ tại bể bơi quận Thanh Xuân, tháng 7/2024. Ảnh: V.T

Anh Nguyễn Văn Thủy sinh ra và lớn lên tại Hải Dương. Năm lớp 7, vì chưa biết bơi, cậu bé mang chiếc thau nhôm sang ao nhà hàng xóm tập luyện. Đến buổi thứ ba, chiếc thau bị lật khiến cậu chìm nghỉm. May mắn người bố kịp thời phát hiện, cứu con trai khỏi đuối nước. Sau lần chết hụt này, Thủy không dám bén mảng tới bất kỳ ao hồ hay khu vực có nước nào nữa.

Năm 2005, người đàn ông khi này đã là nhân viên tại Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải được bác sĩ cảnh báo vì mắc chứng béo phì khi cân nặng lên gần 90 kg. Mỡ máu, gout, tiền tiểu đường, nguy cơ nhồi máu cơ tim cao khiến anh Thủy nghĩ tới bố và người bạn thân từng đột quỵ khi tuổi đời còn rất trẻ. Quyết tâm thay đổi, anh chọn bơi lội để tập luyện vì được bác sĩ khuyến khích.

Nhiều năm không dám xuống nước, để vượt qua nỗi sợ, Thủy chỉ chọn bể nông. Thời điểm đó anh gặp người thầy của mình là một vận động viên chuyên nghiệp và được người này dạy miễn phí. Sau ba tháng, Thủy giảm cả chục kg, các chỉ số liên quan tới mỡ máu, huyết áp đều về mức trung bình. Từ đó, anh coi bơi lội như cách rèn luyện sức khỏe.

Năm 2011, anh Thủy dạy con gái lớn học bơi để không rơi vào hoàn cảnh chết hụt như mình năm 14 tuổi. Ban đầu cô bé rất hăng say nhưng rồi sớm chán nản vì không có người tập cùng. Để tạo động lực cho con, người bố nhận dạy miễn phí cho con cái bạn bè. Tháng 5/2012, "Đội bơi mũ đỏ" chính thức được thành lập. Sau vài năm, câu lạc bộ (CLB) được biết tới rộng hơn khi nhiều học viên đạt thành tích cao tại các giải bơi từ cấp quận, thành phố cho đến hội khỏe Phù Đổng.

Tuy nhiên để đạt giải, các bé cần nhiều thời gian tập luyện, trong khi vẫn phải hoàn thành bài tập văn hóa trên lớp. Chưa kể việc bạn này đạt giải cao vô tình gây áp lực đến các bạn nhỏ khác khiến nhiều bé không còn hào hứng mỗi khi đến bể.

Đúng thời điểm này, anh Thủy suýt chết đuối lần hai khi cứu một phụ nữ bị sóng cuốn tại biển Nhật Lệ, Quảng Bình, hè năm 2014. Dù cứu được người nhưng anh bất ngờ bị sóng lớn đẩy ngã, rơi vào dòng nước xoáy rồi bị cuốn sâu xuống đáy biển. Giữa ranh giới sự sống và cái chết, Thủy chợt nhớ tới lời khuyên của một người bạn, nếu gặp dòng xoáy nên thả lỏng người thẳng như cây chuối, tự khắc cơ thể sẽ nổi lên mặt nước. Trong tích tắc, anh thả người nổi tự do, sau đó cố gắng bơi ngang vào bờ.

Sau lần chết đuối hụt thứ hai, Thủy tìm hiểu kỹ kiến thức khi bơi ở môi trường mở như sông, hồ và tham gia nhiều hội nhóm, diễn đàn bơi lội trong và ngoài nước.

Anh Thủy cho biết ở hồ ngoài trời đôi khi xuất hiện dòng đối lưu nóng và lạnh bất ngờ nên thường tạo dòng xoáy như hồ Tây, hồ Đồng Mô, Đồng Đò. Khi gặp dòng xoáy, những người bơi giỏi cũng dễ hoảng sợ. Nếu tinh thần không tốt, nhịp tim bị đẩy lên cao, hơi thở gấp, không lấy đủ oxy dẫn tới bị chuột rút, thậm chí có thể bị nhồi máu cơ tim. Còn ở sông, nguy cơ đuối nước hiện hữu khi bơi sát những nhà bè nổi, xà lan, tàu thuyền cỡ lớn, nơi thường xuyên xuất hiện dòng nước xoáy, nhất là vào mùa lũ.

Tết 2016, ba đứa con của anh Thủy cũng may mắn thoát đuối nước vì biết cách tự cứu nhau. Cậu con út khi đó 3 tuổi tưởng mặt ao bèo tấm là thảm cỏ nên đã nhảy xuống. Vì được học các kỹ năng bơi sinh tồn từ bố trước đó, hai chị gái đã kéo được em lên bờ.

"Từ nhiều lý do nên đến năm 2017, thay vì dạy bơi để thi giải như trước, CLB Mũ đỏ chuyển sang bơi sinh tồn dù ở bất kỳ môi trường nước nào", anh Thủy nói,

Trong các bài giảng, học viên được hướng dẫn thêm các kỹ năng như cách xử lý đi tàu thuyền mà rơi xuống nước, nhận biết và tự cứu mình khi gặp dòng nước xoáy hay nguyên tắc vàng 5 giây đầu tiên nín thở thả lỏng.

Anh Thủy đang hướng dẫn học viên, gồm cả trẻ nhỏ và phụ huynh tại một bể bơi ở quận Thanh Xuân. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hình ảnh kết thúc một buổi tập, phân chia team thi đấu bơi tiếp sức ngày 14/7/2024 tại bể bơi nhà văn hóa quận Thanh Xuân. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Với thay đổi này, lớp học mở rộng đối tượng tuyển sinh thay vì chỉ nhận con cái người quen biết. Từ 100 tăng lên 200 em, đến hè con số lại tăng lên nhiều. Phụ huynh cần cam kết đưa trẻ đến hồ bơi ít nhất 3 buổi mỗi tuần, không đặt nặng thành tích đều được học miễn phí. Để đảm bảo chất lượng, những học viên cũ sẽ hướng dẫn học viên mới, người giỏi dạy người chưa giỏi, anh Thủy đào tạo các kỹ năng và quản lý chung.

Lớp học đông đồng nghĩa phụ huynh đưa con đến bể bơi cũng tăng dần. Nhận thấy khoảng thời gian chờ đợi của bố mẹ rất phung phí nên người thầy quyết định mở thêm lớp dành cho phụ huynh, được gọi vui là "Lớp lùa gà".

Theo đó, quy định của lớp là trong 45 ngày, các bố bơi tối thiểu 30 buổi, các mẹ 26 buổi với tiền đóng trách nhiệm lần lượt là 3 và 2,6 triệu đồng. Sau mỗi buổi bơi mà có ảnh check-in, tối hôm đó sẽ có một "con gà" tương ứng 100.000 đồng được chuyển lại vào tài khoản. Ai đi học đủ sẽ nhận lại toàn bộ số tiền đã đóng. Nếu không đủ, tiền sẽ được chuyển vào quỹ phát triển CLB, tặng quà khích lệ học viên hay các hoạt động thiện nguyện như xây trường học, ủng hộ hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi.

Bằng cách này, từ năm 2017 đến nay, anh Thủy đã dạy khoảng 3.000 học viên từ trẻ nhỏ tới phụ huynh với khả năng bơi 30 phút liên tục. Đặc biệt có 813 thành viên được nhận chiếc mũ đỏ Finish khi bơi 10 km liên tục.

Không chỉ học bơi, lớp học tại Câu lạc bộ Mũ đỏ còn tổ chức nhiều trò chơi, tăng sự hứng thú với học viên nhỏ tuổi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Gameshow tổng kết chia tay mùa hè 9/2023 tại bể bơi Thanh Xuân của CLB Mũ đỏ.. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Mạnh Tùng, ở Hà Nội có con trai Đăng Khoa tham gia CLB Mũ đỏ được 10 năm. Cậu bé từng thoát nạn tại biển Phú Quốc 6 năm trước khi mới 11 tuổi nhờ các kỹ năng học tại CLB.

Thời điểm đó khi cùng gia đình ngắm san hô, Đăng Khoa không may bị dòng hải lưu lạnh đẩy ra xa, lại không mặc áo phao. Anh Tùng lấy hết sức bơi ra chỗ con nhưng càng bơi khoảng cách lại càng xa, đành phải thả trôi vì kiệt sức. Khi đó, Khoa đã vận dụng kỹ năng bơi sinh tồn đã học, tìm cách thoát khỏi dòng nước rồi cố gắng bơi vào bờ, tìm người giúp đỡ bố.

Anh Tùng cho hay, ở CLB, Khoa không chỉ được trang bị các kỹ năng tránh đuối nước, mà còn được dạy về sự kiên trì, lòng dũng cảm cũng như tinh thần "Cho đi là mãi mãi". Bởi vậy, dù việc học tập bận rộn nhưng chàng trai 17 tuổi hàng ngày vẫn tới CLB làm trợ giảng, giúp thầy Thủy truyền dạy kiến thức miễn phí cho thế hệ học viên sau này.

Mười hai năm dạy bơi không nhận một đồng tiền công, hiện kế hoạch của anh Thủy là tổ chức lớp dạy bơi cho trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Các bạn khi đến bể sẽ được trang bị trang phục bơi, được mua vé vào từ quỹ phát triển của CLB.

"Cho đi không nhất thiết phải là vật chất mà thể hiện từ tấm lòng, là tình yêu thương từ trái tim mỗi con người", anh Thủy nói về tinh thần hoạt động CLB bơi miễn phí của mình.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm