Tâm lý dè dặt, lo sợ của nhà đầu tư khiến Vn-Index mở cửa trong sắc đỏ. Lực bán vẫn chiếm ưu thế ngay từ đầu. Thanh khoản tiếp tục mất hút khi bên bán không còn muốn bán giá hiện tại còn bên mua thì vẫn dè dặt do thị trường đã thủng đáy cũ vào phiên hôm qua.
Tuy nhiên, về cuối phiên sáng, lực kéo từ nhóm bluechips đã giúp thị trường hồi phục.
Sang phiên chiều, thị trường lại trải qua một phiên ATC bất ngờ khi có sự xoay chiều bất ngờ của nhóm trụ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/7, Vn-Index bật tăng mạnh mẽ 16,87 điểm (+1,47%) lên 1.166,48 điểm. HNX-Index giảm 0,06 điểm (-0,02%) còn 271,86 điểm. UPCoM-Index tăng 0,16 điểm (+0,18%) đạt 86,38 điểm.
Vn-Index tăng mạnh sau phiên sụt giảm trước đó
Các nhóm ngành đều xanh trở lại, chứng khoán tăng 0,96%, bất động sản tăng 2,11%, bảo hiểm tăng 3,09%, ngân hàng tăng 1,49%,...
VCB dẫn đầu trong nhóm cổ phiếu làm lực đỡ của thị trường khi đem về cho chỉ số chính gần 3,3 điểm.
Ở chiều ngược lại, GAS lấy mất đi của Vn-Index gần 0,8 điểm.
Nhóm cổ phiếu họ Vin cũng giao dịch khá tích cực trong phiên này. VHM mang về cho Vn-Index 2,1 điểm, VIC đóng góp vào 2,2 điểm.
Thị trường vẫn chưa có sự giao dịch ổn định sau đợt giảm sâu khiến tâm lý nhà đầu tư hoảng sợ. Thanh khoản thị trường phiên này sụt giảm nghiêm trọng, chỉ còn hơn 10 nghìn tỷ đồng giá trị giao dịch.
Sân chơi nóng vẫn được đánh giá là có cơ hội nếu nhà đầu tư sáng suốt lựa chọn cổ phiếu tốt
Trong 6 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận mức giảm hơn 20% và nằm trong top chỉ số chứng khoán có hiệu suất tệ nhất thế giới. Hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu lao dốc trên 60% khiến các nhà đầu tư thua lỗ, bất an. Các cổ phiếu giảm mạnh nhất thuộc về nhóm ngành liên quan đến chứng khoán, ngân hàng, hay thép, cao su với tỷ lệ mất giá từ 36 đến 59%.
Tuy nhiên, đi ngược với đà giảm, vẫn có loạt cổ phiếu hái ra tiền trong thời gian qua. DGC tăng hơn 58%, REE tăng 45%, PNJ của Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận tăng khoảng 35%, BSR của Lọc Hóa dầu Bình Sơn tăng 32,6%, GAS tăng hơn 20% và FPT tăng hơn 12%.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường vẫn có cơ hội nếu chọn lựa đúng cổ phiếu.
Trong nửa cuối năm 2022, nhiều ý kiến cho rằng, cơ hội sẽ nằm ở các nhóm cổ phiếu giảm mạnh thời gian qua nhưng có yếu tốt nội tại tốt. Nếu nhà đầu tư mua được mã cổ phiếu của doanh nghiệp sắp phá sản với một mức giá rất hấp dẫn, cuối cùng vẫn không được gì.
Nhà đầu tư nên đánh giá được doanh nghiệp trước khi đầu tư: lãnh đạo doanh nghiệp là ai, kế hoạch sản xuất kinh doanh ra sao.
Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm chiết khấu về giá đang ở mức độ nào. Nếu mức độ chiết khấu giá quá lớn ví dụ như các rủi ro lớn trên thị trường, đó là một tiêu chí cơ hội. Ngoài ra là các thông tin xung quanh về kế hoạch làm việc, kế hoạch mở rộng kinh doanh ở mức độ nào.