Đây là yêu cầu được Đội CSGT Nam Sài Gòn, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh đưa ra trong buổi làm việc với các quán nhậu, nhà hàng, nhằm tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại rượu bia.
CSGT đã dán băng rôn có nội dung: "Vì an toàn của chính bạn, không lái xe sau khi đã uống rượu, bia" tại các quán và cung cấp sổ tay an toàn giao thông và mức phạt vi phạm nồng độ cồn đối với tài xế cho các chủ quán nhậu và nhà hàng.
Theo lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông Nam Sài Gòn, các chủ quán đều ủng hộ chủ trương "Đã uống rượu bia thì không tham gia giao thông" và hứa vận động thực khách đi xe ôm và taxi về nhà khi đã uống rượu, bia.
"Đơn vị cũng tuyên truyền đến các chủ quán nếu phát hiện thực khách uống rượu, bia mà vẫn lái phương tiện về nhà thì báo cho công an địa phương và CSGT để xử lý", vị này cho biết.
Đội CSGT Nam Sài Gòn cho biết sau khi tuyên truyền, đội sẽ lập chốt kiểm tra nồng độ cồn tại các tuyến đường có nhiều quán nhậu để kiểm tra, xử lý nghiêm nếu có người cố tình vi phạm.
"Trung bình mỗi đêm, đơn vị xử lý 5-7 trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn. Hy vọng chiến dịch tuyên truyền không lái xe khi uống rượu bia được lan tỏa, không còn xảy ra tai nạn do nồng độ cồn", vị này nói.
Trước đó, Đội CSGT Bến Thành (quận 1) đã vận động, yêu cầu chủ nhiều quán bar, nhà hàng ở trung tâm thành phố ký cam kết với nội dung tương tự.
Theo Nghị định 100, tài xế chỉ cần nồng độ cồn vượt mức 0 sẽ bị xử lý. Mức phạt cao nhất với người đi xe đạp là 600.000 đồng, xe máy 8 triệu đồng, ôtô 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.