Bất động sản

Đấu giá quyền sử dụng đất: Kiểm soát sớm ý đồ trục lợi

Cuối năm 2021, các quận, huyện: Cầu Giấy, Quốc Oai, Thanh Trì… đã đấu giá quyền sử dụng đất. Có những lô đất được trả giá cao gần gấp 3 lần giá khởi điểm khiến dư luận bất ngờ.

UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, tránh để xảy ra tình trạng "bong bóng". UBND thành phố Hà Nội cũng giao Sở Tài chính phối hợp quản lý, kiểm soát giá đất, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư, kinh doanh BĐS.

Cụ thể, 25 lô đất tại khu X, phường Mai Dịch, quận Cầu giấy được Cty Đấu giá hợp danh DVL và Trung tâm Phát triển quỹ đất (TTPTQĐ) quận Cầu Giấy bán đấu giá thành công với giá trúng đấu bằng 188% so với giá khởi điểm. Trong số đó, lô A12 có giá khởi điểm 110,2 triệu đồng/m2, giá trúng đấu giá lên đến 289,2 triệu đồng/m2 (tăng 262,4%).

Đại diện TTPTQĐ quận Cầu Giấy cho biết, đến thời điểm này, chỉ còn 10 ngày nữa hết hạn nộp tiền song các ĐVCN trúng đấu giá 18/25 lô đất đã đóng tiền sử dụng đất, 7 lô đất còn lại ĐVCN chưa chuyển tiền để hoàn thành nghĩa vụ tài chính. “Đến ngày 22/2 mới hết hạn nộp tiền, nên hiện tại, vẫn chưa thể xác định được việc người trúng đấu giá có bỏ cọc hay không”, vị đại diện cho hay.

Tại huyện Thanh Trì, ngày 20/11/2021, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì đã tổ chức đấu giá Quyền sử dụng các khu đất nhỏ lẻ xen kẹt tại 3 xã Liên Ninh, Đại Áng, Tả Thanh Oai. 3 khu đất đấu giá là 4.486,5m2, được chia thành 73 lô đất.

 Đấu giá quyền sử dụng đất: Kiểm soát sớm ý đồ trục lợi  - Ảnh 1.

Lô đất đấu giá tại huyện Thanh Trì, Hà Nội ảnh: Trần Hoàng

Toàn bộ các lô đất đều có giá trúng đấu giá cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, đơn cử như khu đấu giá thôn Thọ Am, xã Liên Ninh, mức giá khởi điểm là 21,5 triệu/m2, giá trúng đấu giá đều trên 50 triệu đồng/m2. Riêng lô số 09 diện tích 66,5m2 được một khách hàng trả tới 61,1 triệu/m2.

Một số người dân tại xã Đại Áng thông tin thêm: “Người tham gia đấu giá tại đây là các hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai”. Tuy vậy, nhiều người “mượn tên” để tham gia đấu giá, “thổi giá” đất lên cao và bán sang tay ngay sau đó. Xác nhận việc này, một lãnh đạo xã Đại Áng cho biết, có một số cá nhân trúng 7-10 lô, sau khi đấu thành công, cũng có trường hợp bán sang tay ngay lô đất vừa trúng đấu giá.

Đại diện UBND huyện Thanh Trì cũng cho biết, hiện nay vẫn còn khá nhiều người trúng đấu giá nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Kiểm soát ý đồ gây biến động, trục lợi

Để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, tránh để xảy ra tình trạng "bong bóng", Sở TN&MT Hà Nội cho biết, tới đây sẽ kiểm soát chặt chẽ công tác đấu giá đất, việc định giá đất, bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn.

Sở TN&MT Hà Nội cũng sẽ tập trung rà soát, kiểm tra hoạt động của các tổ chức tư vấn đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường; đánh giá tình hình, kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, đặc biệt là tác động của các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, có ý đồ gây biến động lớn về giá để trục lợi...

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia BĐS, việc rà soát và quản lý chặt nguồn vốn đổ vào thị trường BĐS, đặc biệt là giám sát dòng tiền vay để tham gia đấu giá đất được đánh giá là giải pháp căn cơ giúp chặn tình trạng giá đất sốt nóng đột ngột.

Đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết, đấu giá đất thời gian qua đã thu hút được sự chú ý của người dân và thu lại kết quả tích cực. Đơn cử như việc Sở Tài chính định giá một số lô đất tại quận Cầu Giấy với giá khởi điểm gần 200 triệu đồng/m2. Quá trình đấu giá thu hút hơn 200 hồ sơ đấu giá, mức giá cuối cùng đạt gấp đôi giá khởi điểm. Như vậy, công tác đấu giá thực hiện minh bạch, công khai và hiệu quả. Cần phải lưu ý rằng mức giá ban đầu đưa ra không phải là cơ sở xác định đúng sai, bởi mức giá ban đầu có thể thấp nhưng là khởi điểm để tạo sự cạnh tranh cho phiên đấu.

Tuy nhiên, để xảy ra hiện tượng đấu giá sai phạm tại huyện Đông Anh thực chất là do sự móc ngoặc có chủ ý để thông tin đấu giá không lộ ra ngoài, từ đó đưa "quân xanh, quân đỏ" vào đấu giá. Việc này có thể hạn chế qua thanh kiểm tra quy trình đấu giá.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm