Trong khi có ngày càng nhiều những hãng xe đối thủ bổ sung công nghệ Lidar cảm biến vào quá trình phát triển các dòng xe điện mới, Tesla vẫn bảo thủ và coi đây chỉ là thứ “tốn tiền’’. Giám đốc Điều hành Tesla cho rằng, nếu con người chỉ cần tới đôi mắt, thì chiếc xe cũng chỉ cần có camera là có thể tự lái được. Chính vì quan niệm này mà Elon Musk từ trước tới nay vẫn nghi ngờ Lidar - thứ VinFast và rất nhiều nhà sản xuất lớn khác đang thử nghiệm và ứng dụng trên các mẫu xe của mình.
Vậy Lidar là gì mà Tesla lại liên tục chối đẩy và nhiều lần chỉ trích trước công chúng, thậm chí gọi những ai tin tưởng công nghệ này là "ngu ngốc", còn những hãng xe sử dụng Lidar sẽ không bao giờ thành công?
Lidar (Light Detection and Ranging) là công nghệ cảm biến, dò tìm và định vị bằng tia laze
Lidar (Light Detection and Ranging) là công nghệ cảm biến, dò tìm và định vị bằng tia laze, từ đó hỗ trợ đo khoảng cách từ cảm biến đến các vật thể xung quanh. Máy quét Lidar sẽ cho phép tạo ra mô hình 3D các đối tượng xung quanh cảm biến, song nếu xét theo tín hiệu hình ảnh, camera sẽ giúp hệ thống trí tuệ nhân tạo nhận dạng vật thể tốt hơn.
Trong cuộc đua phát triển xe tự lái, Lidar dần trở thành tiêu chuẩn. Rất nhiều hãng đã trang bị công nghệ này, kết hợp cùng các cảm biến khác và camera… giúp xe nhận diện tốt hơn môi trường xung quanh và tự di chuyển an toàn. Chẳng hạn như dự án xe tự lái Waymo hoạt động tại California và Arizona đều được lắp đặt 5 cảm biến Lidar để mở rộng tầm nhìn cho xe.
Tesla vẫn nghi ngờ tính năng của Lidar
Chi phí sản xuất giảm cùng sự gia tăng trong nhu cầu với Lidar khiến công nghệ này ngày càng được ứng dụng, thử nghiệm, ngay cả với các dòng xe chuyên dụng. Tính đến tháng 1, theo thống kê mới nhất từ BloombergNEF, 17 hãng sản xuất ô tô trên toàn cầu đã cho ra mắt 21 mẫu xe trang bị cảm biến Lidar. Con số này được cho là sẽ tiếp tục tăng lên khi các hệ thống như Ultra Cruise được ứng dụng rộng rãi.
Mới đây, Mercedes tuyên bố sẽ “bắt tay’’ với Luminar và lên kế hoạch tích hợp công nghệ cảm biến Lidar vào các dòng xe sắp tới. Volvo cũng có động thái tương tự từ giữa năm 2021, trong khi BMW lựa chọn hợp tác với Innoviz để phát triển mẫu iX của mình. GM thì kết hợp với Cepton và coi đây như một nhà cung cấp Lidar chính thức.
Tuy nhiên, vị trí dẫn đầu cuộc đua ứng dụng Lidar vẫn thuộc về các nhà sản xuất Trung Quốc. Theo thống kê, có tới 70% các mẫu xe trang bị công nghệ Lidar hiện hành hoặc sắp tung ra thị trường đều có “mác’’ China. Trong đó, những thương hiệu “cây nhà lá vườn’’ như Nio, Xpeng và Li Auto được cho là đáng chú ý hơn cả. Chính sự chấp nhận của người tiêu dùng với mong muốn có thể tiếp cận thêm nhiều công nghệ tiên tiến đã giúp thị trường xe điện Trung Quốc bước ra khỏi giai đoạn sơ khai và dần khẳng định vị thế của mình.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh người dùng mong đợi nhiều hơn về các tính năng lái xe an toàn tiêu chuẩn, Lidar sẽ ngày càng được ưa chuộng và trở nên phổ biến, không chỉ với các dòng xe cao cấp. Lúc đó, câu hỏi đặt ra là liệu Elon Musk có bị các đối thủ bỏ xa, khi theo thang đánh giá 5 cấp độ tự lái của Hiệp hội Kỹ sư Ô tô Mỹ, công nghệ của Tesla hiện mới chỉ đạt cấp độ 2+, tức chưa thực sự hoàn thiện.
Trước đó, hồi tháng 5, hình ảnh chụp tại Florida đã cho thấy một chiếc Tesla Model Y được gắn các cảm biến Lidar. Tờ Bloomberg khi đó nhận định rằng Tesla đang hợp tác với Luminar để ứng dụng công nghệ cảm biến Lidar vào các sản phẩm của hãng.
Chiếc Tesla Model Y được gắn các cảm biến Lidar
Dẫu vậy, theo một số chuyên gia, việc một chiếc Tesla duy nhất được phát hiện trang bị công nghệ cảm biến không có nghĩa là Tesla đã thay đổi quan điểm đối với Lidar. Theo nhà phân tích Sam Abuelsamid, nhiều khả năng Tesla chỉ sử dụng cảm biến Lidar để xác minh tính năng Full Self-Driving của mình.
Theo: Bloomberg