Bất động sản

Đất nền tỉnh có nơi tăng giá gấp đôi so với trước Tết

Ghi nhận cho thấy, giá đất nền tại Bà Rịa – Vũng Tàu có dấu hiệu tăng mạnh trong khoảng 1 năm trở lại đây. Đơn cử như một nền đất ở huyện Long Điền có giá 1,4 tỷ đồng vào đầu năm 2021, nay đang giao dịch 2 tỷ đồng. Nơi có giá đất tăng mạnh nhất có thể kể đến là xã Lộc An, huyện Đất Đỏ. Khảo sát cho thấy, giá đất khu vực này đã tăng từ 30% đến 50% so với trước dịch. Đặc biệt, với những thửa đất có quy hoạch là đất ở, trước đây 1ha có giá 15 tỷ đồng thì nay đã lên 25 – 30 tỷ đồng. Các phòng công chứng luôn trong tình trạng đông nghẹt khách ra vào.

Tương tự, tại Lâm Đồng giá đất nền tăng từ 15- 20% so với trước đợt dịch Covid-19 thứ tư. Một nhà đầu tư có kinh nghiệm tại TP.Bảo Lộc cho hay, so với trước đợt dịch, giá đất ở Lâm Đồng nói chung tăng từ 15% đến 20%. Riêng TP.Bảo Lộc, sau tình trạng phân lô bán nền tràn lan và chính quyền đang vào cuộc xử lý, giá đất nơi đây đang chững lại. Đáng chú ý, một có một số nơi của huyện Lâm Hà đã trở thành nơi "sốt đất" mới. Giá đất tại đây tăng từ 50% đến 70% so với trước dịch. Sở dĩ giá đất khu vực này tăng cao vì vị trí gần TP.Đà Lạt, gần khu vực sân bay Liên Khuơng.

Tại khu vực Bình Thuận, Đồng Nai, đất nền thổ cư và đất nông nghiệp tiếp tục đà tăng giá. Mức tăng so với thời điểm tháng 10/2021 dao động từ 20-30%. Một số nơi tại Đồng Nai, hoạt động mua bán đất nông nghiệp diễn ra mạnh, mức tăng giá có thể lên đến 50% tính trong vòng 1 năm. Cá biệt, có những mảnh đất ghi nhận mức tăng 40-50% so với thời điểm trước Tết và thanh khoản nhanh chóng.

Đất nền tỉnh có nơi tăng giá gấp đôi so với trước Tết - Ảnh 1.

Nhu cầu cao, đất nền tỉnh tiếp tục tăng giá

Ngoài ra, hoạt động mua bán đất thổ cư tại khu vực diễn ra khá sôi động, đặc biệt nhà đất riêng lẻ tại trung tâm TP Cần Thơ và khu vực Hậu Giang (giáp ranh Cần Thơ), Long Xuyên, Long An, một số tỉnh thu hút đầu tư như Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu,…mức giá cũng có sự biến động 10-20%/năm ở các khu vực này.

Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho biết, mặc dù nền kinh tế có sự giảm phát do ảnh hưởng của đại dịch nhưng giá bất động sản, nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng từ đầu năm. Theo đó, tính đến cuối năm 2021, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân 5 - 7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15 - 20%; giá đất nền tăng 20 - 30% so với thời điểm cuối năm 2020.

Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) cũng cho biết, thị trường đã xuất hiện bong bóng cục bộ trong năm vừa qua. Giá đất nền ở các khu vực tăng ảo theo các dự án lớn. Sang năm 2022, phân khúc đất nền dự báo vẫn sẽ có sức hấp thụ tốt, do phù hợp hơn với nhu cầu tài sản trú ẩn. Kéo theo đó, giá đất sẽ tiếp tục tăng, tuy nhiên sẽ không tăng mạnh như giai đoạn trước. Thậm chí, có khu vực dự báo sẽ có khả năng xảy ra cơn sốt đất cục bộ.

Theo Bộ Xây dựng, năm 2022 sẽ khó có nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản. Tuy nhiên hiện tượng sốt giá bất động sản vẫn có khả năng xảy ra. Đặc biệt là khi Chính phủ sử dụng các giải pháp kích cầu, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau giai đoạn giảm phát cũng có thể tác động làm thị trường bất động sản phát triển nóng nếu không được kiểm soát tốt, kinh nghiệm cho thấy từ gói kích thích kinh tế năm 2008 - 2009.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, sóng bất động sản không bao giờ yên lặng mà chỉ biến động mạnh hay nhẹ ở mỗi năm. Năm ngoái, biên độ nhấp nhô của sóng tương đối lớn do thông tin quy hoạch, đầu cơ thổi giá,... Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, giai đoạn 2022 – 2023, Chính phủ và các địa phương đã có nhiều kinh nghiệm hơn để kiểm soát tốt hơn việc này. Bản thân người dân và các nhà đầu tư cũng đã ý thức được những rủi ro mang lại, thực tế không ít người đã mất tiền trong thời gian vừa qua. Ngoài ra, những thông tin liên quan đến quy hoạch hiện nay cũng được công khai minh bạch hơn. Do đó, khả năng làm giá của giới đầu cơ sẽ ít hơn rất nhiều.

Vì thế, theo vị chuyên gia này, năm 2022 vẫn còn những đợt sóng nhưng không mạnh như thời gian vừa qua. Mặt bằng giá vẫn đà tăng khi mà nhu cầu mua bán đầu tư vẫn diễn ra.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm