Doanh nghiệp

Đang ăn nên làm ra thì gặp Covid, 2 nhà ga hàng không tư nhân đầu tiên lỗ lớn suốt 2 năm, công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn thậm chí âm vốn

Theo trang thông tin điện tử Cục Hàng không Việt Nam, Phát biểu tại buổi tọa đàm "Vietnam Case Study", Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Sơn chia sẻ, năm 2019, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt 116,5 triệu lượt hành khách; trong đó, có 41,7 khách quốc tế và 74,8 triệu khách nội địa. Nhưng sang năm 2020, đại dịch Covid-19 đã làm giảm lượng khách còn 65,3 triệu lượt hành khách; năm 2021 chỉ đạt 30,3 triệu hành khách.

Lượng khách giảm mạnh, có những thời điểm nhiều cảng hàng không gần như đóng cửa, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh thu, lợi nhuận trong năm, trong khi các chi phí vẫn phải thực hiện để duy trì sản xuất, bảo đảm đời sống người lao động. Nhiều cảng hàng không lâm vào thua lỗ.

Trong đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã CK: ACV) với vai trò là doanh nghiệp nhà nước do Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước nắm 95,4% cổ phần, có vai trò chủ đạo, nòng cốt trong lĩnh vực quản lý khai thác và đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay. ACV hiện đang có 22 chi nhánh Cảng hàng không phụ thuộc hoạt động khắp trên cả nước, bao gồm 09 Cảng HKQT và 13 Cảng HK nội địa. Do đó, kết quả kinh doanh của ACV liên tiếp sụt giảm mạnh trong 2 năm 2020 – 2021.

Đang ăn nên làm ra thì gặp Covid, 2 nhà ga hàng không tư nhân đầu tiên lỗ lớn suốt 2 năm, công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn thậm chí âm vốn - Ảnh 1.

Năm 2021, ACV ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.752 tỷ đồng, giảm 39%. Lợi nhuận sau thuế giảm 49,5% còn 830 tỷ đồng, về mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Tuy nhiên, ACV vẫn có lãi là nhờ khoản lợi nhuận từ hoạt động tài chính lớn lên đến hơn 3.000 tỷ đồng cứu cánh còn khoản lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh của ACV âm đến 785 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu tài chính của ACV, phần lớn đến từ lãi tiền gửi là 1.742 tỷ đồng và lãi chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối năm 1.412 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 31/12/2021, ACV ghi nhận tổng tài sản hơn 54.840 tỷ đồng, chủ yếu là 573 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền và 32.717 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới 12 tháng, giúp công ty thu lãi lớn từ tiền gửi.

Hai công ty khai thác dịch vụ hỗ trợ tại nhà ga được ACV góp vốn 10% cũng không tránh khỏi kết quả kinh doanh bết bát. Trong năm 2019, cả CTCP Khai thác Nhà ga Quốc tế Đà Nẵng (AHT) và CTCP Nhà ga Quốc tế Cam Ranh (CRTC) đều có lợi nhuận ấn tượng, đạt mức cao nhất lịch sử, ghi nhận lần lượt 418 tỷ đồng và 335 tỷ đồng. 

Thế nhưng kể từ năm 2020, 2 công ty trên đều lâm vào thua lỗ. Nếu như năm 2021, mức lỗ của AHT giảm từ 205 tỷ đồng về 175 tỷ đồng thì mức lỗ của CRTC lại tăng từ 469 tỷ đồng lên 623 tỷ đồng.

Với việc lỗ gần 1.100 tỷ chỉ sau 2 năm dịch, CRTC đã âm vốn chủ sở hữu. 

Đang ăn nên làm ra thì gặp Covid, 2 nhà ga hàng không tư nhân đầu tiên lỗ lớn suốt 2 năm, công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn thậm chí âm vốn - Ảnh 2.

Được biết, đây là 2 nhà ga hàng không đầu tiên được xã hội hóa sau một thời gian dài ACV quản lý/kinh doanh toàn bộ các sân bay dân dụng tại Việt Nam. CRTC khánh thành từ tháng 6/2018 còn AHT đi vào hoạt động trước đó 1 năm. Tuy nhiên, AHT và CRTC chỉ là nhà ga được xây mới của các sân bay sẵn có còn đến năm 2020, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn mới là sân bay đầu tiên được một công ty tư nhân đầu tư toàn bộ đi vào hoạt động.

Theo đăng ký kinh doanh, các các cổ đông sáng lập của AHT gồm có ACV (10%), Hancorp, CTCP Dịch vụ Hàng không Thăng Long và CTCP Đầu tư AOV.

Còn tại CRTC, cổ đông chính là IPP Group của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, nắm 55% và các cổ đông khác gồm ACV (10%), Vietjet (10%), Nasco Logistics (15%) và CTCP Việt Xuân Mới (10%).

Hiện nay, với việc Chính phủ đã dỡ bỏ các hạn chế về đi lại nội địa và quốc tế, năm 2022 kỳ vọng hoạt động kinh doanh tại các cảng sẽ hồi phục. Dự kiến lượng khách sẽ đạt từ 70-80 triệu lượt thông qua các cảng hàng không của Việt Nam; trong đó, khách quốc tế đạt xấp xỉ 10 triệu lượt hành khách và khách nội địa đạt 60-70 triệu lượt hành khách.

ACV cũng lên kế hoạch cho năm 2022 với lợi nhuận trước thuế 4.696 tỷ đồng - gấp gần 5 lần so với năm 2021. Trong quý 1/2022, ACV ghi nhận doanh thu 2.118 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ 2021) và mức lợi nhuận sau thuế đạt  874 tỷ đồng (tăng 1,5% so với cùng kỳ 2021). Trong tám quý tính từ quý 2/2020, đây là mức doanh thu cao nhất của ACV, mặc dù con số này vẫn chưa phục hồi về cùng kỳ năm 2020 và các năm trước đó.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm